Mức thuế nhập khẩu 25% đối với 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 23/8 tới, là động thái tiếp theo và cũng là lần thứ 3 Mỹ ra đòn trước trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trung Quốc chuẩn bị cuộc chiến trường kỳ
Cuối tuần trước, Tổng thống Trump tự hào công bố ông có ưu thế trong cuộc chiến thương mại, trong khi Bắc Kinh nói rằng, họ đã sẵn sàng để chấp nhận suy thoái kinh tế và không “ngại” phản bất cứ đòn gì mà ông Trump đưa ra. Vì sau đòn thuế quan thứ hai của ông Trump, Bắc Kinh đủ nhận thấy rằng, chẳng có hiệu lực gì, trong bất kỳ lời hứa nào sẽ được thực hiện sau các cuộc đàm phán.
Trước đó, theo các thông tin chính thức thì cả hai nền kinh tế đều đã cố gắng khởi động các cuộc đàm phán, kể từ sau khi ông Trump theo đuổi các mối đe dọa thuế quan của mình. Được biết, kết quả các cuộc đàm phán cấp cao là đã đưa ra tuyên bố chung cam kết giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Nhưng trong vòng ít ngày, chính ông Trump lại bác bỏ ngay thỏa thuận này và nói rằng, các cuộc đàm phán sẽ “có thể phải sử dụng một cấu trúc khác”.
Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi hai bên liên tục có những động thái ăn miếng trả miếng . (Nguồn: AP) |
Trong một bài bình luận về động thái của các bên, tờ Global Times cho biết, dù phải bảo vệ quyền phát triển kinh tế của mình, người Trung Quốc thực sự muốn tránh chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, xét đến những yêu cầu vô lý của Mỹ, chiến tranh thương mại là động thái đánh vào quyền tự chủ kinh tế của Trung Quốc, nhằm buộc Trung Quốc trở thành nước lệ thuộc về kinh tế vào Mỹ. Đó là điều mà Bắc Kinh chắc không bao giờ chấp nhận.
Đánh giá về thế và lực của Mỹ, bài báo nhấn mạnh rằng, Trung Quốc là mấu chốt cho sự tồn tại của nhiều công ty và nông dân Mỹ. Washington thực sự yếu thế trong cuộc chiến này.
Trong khi đó, tờ China Daily khá tin tưởng vào khả năng chống đỡ của Bắc Kinh khi viết rằng, “đối mặt với sự chèn ép của Chính quyền Tổng thống Trump, Bắc Kinh phải duy trì sự tỉnh táo và không được để cảm xúc lấn át lý trí khi quyết định đáp trả. Với thị trường khổng lồ, lợi thế về khả năng tập trung nguồn lực cho các dự án lớn, sự bền bỉ của người dân nhằm vượt qua khó khăn, sự ổn định về thực thi cải tổ và các chính sách mở cửa, Trung Quốc hoàn toàn có thể vượt qua cuộc chiến này”.
Brussels sẵn sàng kế hoạch B
Để thực hiện mục tiêu và lời hứa “giảm thâm hụt thương mại của Mỹ”, Tổng thống Trump đã không chỉ bất chấp đối đầu với chủ nợ và cũng là đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc, mà kể cả các đồng minh châu Âu. Và cũng trong mối ràng buộc thương mại với nền kinh tế số 1 thế giới, thay vì chuẩn bị một chiến lược chiến tranh thương mại dài hơi như Trung Quốc, thì Brussels phải chuẩn bị một kế hoạch B.
Tờ Le Monde thuật lại rằng, cuộc họp ngày 25/7, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã tháo được ngòi nổ một cuộc chiến thương mại giữa EU và Mỹ, ít nhất là trong thời điểm này. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cùng nhau loại bỏ các rào cản đối với thương mại, EU cam kết mua thêm đậu nành và khí đốt tự nhiên của Mỹ.
Đây là một tin tốt lành, có thể coi như một thỏa thuận đình chiến tạm thời. Thậm chí ông Trump còn lạc quan tuyên bố về một giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ - EU. Nhưng châu Âu cần cảnh giác và lưu ý tới tính thất thường, cũng như quyết tâm phá bỏ trật tự thương mại đa phương của ông Trump. Tuyên bố làm lành của ông Trump có thể chỉ là một động thái chính trị chiến thuật, để bảo đảm sự hỗ trợ cho các nhà sản xuất đậu tương Mỹ hiện đang phải đối đầu với sự trả đũa của Trung Quốc.
Do đó, theo tờ Le Monde, EU cần phải xây dựng một kế hoạch B. Châu Âu và các đối tác có cùng quan điểm nên có một lộ trình bảo vệ trật tự thương mại đa phương mà ông Trump luôn muốn phá bỏ.
Trong thương mại thì sự thất thường cũng nguy hiểm như một liều thuốc độc. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada hồi tháng 6, ông Trump đã từ chối ký vào bản tuyên bố chung, dẫn cuộc họp rơi vào bế tắc, các thành viên chia rẽ. Và trên thực tế, lời kêu gọi của người đứng đầu nước Mỹ càng mạnh mẽ bao nhiêu, thì các quốc gia bị Washington đánh thuế càng tìm cách trả đũa bấy nhiêu, thay vì tuân theo ý muốn của ông. Trước sức ép từ sự đe dọa của Washington, các nước là mục tiêu mà ông Trump trút cơn giận, đều không chọn cách nào khác ngoài “ăn miếng trả miếng”.
… Và những cái bắt tay thân mật giữa ông Trump và Chủ tịch EC tuần trước có thể chỉ là một thời gian tạm nghỉ. Tổng thống Trump có thể tìm cách tăng cường áp đặt thuế quan vào hàng hóa EU, tùy theo diễn biến bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ vẫn là lãnh đạo của nền kinh tế thế giới, hướng đến sự cởi mở và thịnh vượng. Nhưng Tổng thống Trump đã thoái vị khỏi vai trò thuyền trưởng, ít nhất là trong giai đoạn này và là lần đầu tiên bỏ rơi nền kinh tế thế giới kể từ những năm 1930.
Tuy nhiên, các nước khác sẽ lấp vào khoảng trống này. Trong một bài phát biểu gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi “trở lại con đường của chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ”, và thúc giục EU chủ động và làm việc với các nước để khẩn trương chuẩn bị lộ trình tái khởi động các cuộc đàm phán WTO mới. Đối với lợi ích chung của nền thương mại thế giới, Tổng thống Macron cho rằng, EU cần hành động từ bây giờ là rất cần thiết, trước khi một loạt thuế quan trả đũa lẫn nhau hủy hoại trật tự thương mại thế giới.