Ngày 24/9, động thái mới nhất trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, Mỹ chính thức áp thuế 10% với gói hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, cho thấy cuộc chiến này vẫn có dấu hiệu gia tăng. Bắc Kinh cũng ngay lập tức đáp trả với việc áp mức thuế tương ứng lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Khi Bắc Kinh từ chối Mỹ
Những người ủng hộ quan điểm của Tổng thống Trump cho rằng, cuộc đối đầu Mỹ - Trung về vấn đề thương mại có mục tiêu lâu dài là bảo vệ lợi ích của Mỹ, mặc dù trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước. Nhưng nếu Chính phủ Mỹ không hành động, tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong dài hạn còn lớn hơn rất nhiều.
Với niềm tin đó, khi cuộc chiến thương mại bắt đầu diễn ra, dường như Tổng thống Mỹ nắm chắc khả năng Bắc Kinh sẽ sớm phải đầu hàng. Tuy nhiên, thực tế đã không như dự tính, lời mời đối thoại của chính phủ Trump đã bị Chính phủ Trung Quốc từ chối. Phía Bắc Kinh cho rằng, thủ đoạn đe dọa, áp thuế của Mỹ sẽ không thể thúc đẩy được mối quan hệ Mỹ - Trung.
Mỹ có thể thắng về ngắn hạn với việc Trung Quốc chấp nhận một số nhượng bộ để ông Trump tuyên bố chiến thắng. Nhưng về dài hạn, Mỹ có nguy cơ thua vì Trung Quốc sẽ nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ và tự nâng cấp năng lực công nghệ của mình.
Mặc dù vậy, Mỹ vẫn có thể thay đổi tình thế bằng cách vận động các đồng minh – đều là những nước đang khiếu nại về các chính sách kinh tế của Trung Quốc. Như hầu hết các cuộc chiến, trước một mặt trận thống nhất, Trung Quốc sẽ khó mà bù đắp cho việc bị loại khỏi thị trường Mỹ bằng cách xoay sang các thị trường khác.
Theo giới chuyên gia, nếu Mỹ thể hiện ở vị thế “đàn anh”, tuyên bố “lệnh ngừng bắn”, tiến hành những công việc ngoại giao cần thiết để lập một liên minh gồm các quốc gia cùng phản đối hành xử bất công bằng của Trung Quốc, sau đó đưa tranh chấp ra WTO và mở các cuộc đàm phán, thì đây có thể là cơ hội cuối cùng – để đẩy lùi một cuộc chiến lớn. Trong khi đó cuộc chiến này vốn không chỉ gây thiệt hại cho Trung Quốc, mà Washington cũng khó có được chiến thắng dài lâu.
Tờ Nikkei nhận định, việc thẳng thừng từ chối lời mời của Mỹ đã nhấn mạnh quan điểm, lập trường của Trung Quốc rằng, “sẽ không bao giờ đàm phán dưới áp lực”. Tuy nhiên, dường như Bắc Kinh đang chờ cơ hội cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ diễn ra vào tháng 11/2018 tới với hi vọng, ông Trump sẽ thay đổi quan điểm trên cơ sở kết quả bầu cử. Từ nay đến thời hạn đó, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ.
Tất nhiên, hiện cũng khó nói trước điều gì, vì vẫn có khả năng, việc đàm phán giữa hai nước sẽ lại được tái lập.
Hệ quả ngoài ý muốn
Mới đây tờ The Hill đăng tải bài viết của Gs. Arthur Dong của Đại học Georgetown và hiện là cố vấn cho các công ty Mỹ ở Trung Quốc, trong đó có nhận định rằng, Chiến tranh thương đẩy nhanh quá trình phát triển của kinh tế Trung Quốc.
Phân tích động thái tuyên bố đáp trả của Bắc Kinh, Gs. Arthur cho biết, Trung Quốc khẳng định sẽ bổ sung danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ để đánh thuế trả đũa, nhưng hiện chưa rõ Bắc Kinh sẽ tiếp tục trò chơi “ăn miếng, trả miếng” đến khi nào, do giá trị hàng hoá Mỹ mà Trung Quốc nhập khẩu thấp hơn giá trị 200 tỷ USD mà Mỹ đánh thuế. Nên nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phải kết hợp cả các hàng rào thuế quan và phi thuế quan cũng như các biện pháp khác để đạt được con số 200 tỷ USD, tương ứng với mức độ áp thuế của Mỹ.
Tuy nhiên, từ tình hình này, một hệ quả “ngoài ý muốn” của chính quyền Tổng thống Trump có thể đã xảy ra, đẩy nhanh quá trình thay đổi và cải cách kinh tế tại Trung Quốc. Thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng chất lượng hơn và thôi thúc các doanh nghiệp nước này phải thích nghi với tình hình mới và có những giải pháp sáng tạo.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc hiện đang hoạt động với lợi nhuận mỏng, trong bối cảnh chi phí lao động, nguyên vật liệu và sản xuất đều gia tăng. Lợi thế về nhân công đã không còn đúng với thực tế. Chi phí nhân công tại Trung Quốc hiện đã gấp nhiều lần chi phí nhân công ở nhiều nước tại châu Á và hệ quả là ngành sản xuất ở Trung Quốc đã và đang mất dần tính cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, các loại thuế nhập khẩu 10-20% là cú đòn rất mạnh giáng vào các doanh nghiệp Trung Quốc.
Để đối phó về tình hình hiện tại, doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm mọi cách để cắt giảm chi phí, thích ứng với hoàn cảnh mới. Một trong những giải pháp có kết quả nhanh nhất là chuyển sang các nước lân cận để sản xuất, hay sử dụng công nghệ, robot để tăng sản lượng và cắt giảm chi phí sản xuất.
Trong thời gian qua, để duy trì khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường mua máy móc, dây chuyển sản xuất hiện đại hay tự động hóa. Việc thay thế con người bằng máy móc đang giúp Trung Quốc gia tăng năng suất. Đối với các sản phẩm khó có thể tự động hoá, các công ty Trung Quốc đang chuyển sang đầu tư và thiết lập các nhà máy sản xuất ở những nơi có chi phí nhân công thấp hơn. Từ đây, các sản phẩm của doanh nghiệp Trung Quốc nhưng không đánh dấu “Made in China”, sẽ không bị đánh thuế của Mỹ.
Lịch sử đã ghi nhận nhiều trường hợp tương tự và các khó khăn thường là cơ hội để con người thích nghi và đổi mới. Chương mới trong lịch sử kinh tế Trung Quốc có thể đã được bắt đầu từ đây.