Trong một bài phân tích trên tờ Les Echos, nhà nghiên cứu Philippe Le Corre thuộc Đại học Harvard Kennedy School cho thấy, ngay tại Bắc Kinh có nhà phân tích đã không ngại chỉ trích mạnh mẽ chính sách dựa trên sự sùng bái cá nhân, chẳng hạn như “sự phục hưng Trung Hoa”…, đồng thời ủng hộ ông Donald Trump như là một “nhà chiến thuật thiên tài” và cho rằng cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc này sẽ còn tiếp diễn.
Khi Trung Quốc muốn trở lại vị trí trung tâm
Một số người thuộc tầng lớp ưu tú trong xã hội cũng tỏ rõ tư tưởng phản đối tham vọng quốc tế của nền kinh tế thứ hai thế giới là tăng tốc một cách bất ngờ và không ngại giấu tham vọng. Trong khi, như thế hệ trước, trong giai đoạn khởi xướng và tiến hành các cải cách mạnh mẽ nhất cách đây 40 năm, Bắc Kinh đã chủ trương giấu mình chờ thời trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại, thì nay tham vọng đưa Trung Quốc trở lại vị trí trung tâm của thế giới đã được tuyên bố quá rõ ràng và có vẻ không được khiêm tốn cho lắm.
Đối với Bắc Kinh, căng thẳng với Mỹ trong thời điểm này có vẻ không đúng lúc. (Nguồn: AFP) |
Vì muốn làm được điều đó, tức là Trung Quốc phải huy động mọi nguồn lực, phương tiện có thể, sẵn sàng khiêu khích Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Người ta còn nhớ bài diễn văn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos tháng 1/2017 đã được khéo léo tung ra vài ngày trước khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Người ta cũng còn nhớ bài diễn văn mà ông Tập Cận Bình đọc tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX hồi tháng 10/2017.
Và tất nhiên, cái được gọi là “thoái trào của phương Tây”, từ cách cầm quyền còn gây nhiều tranh cãi của doanh nhân Donald Trump, vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), hay Thủ tướng Đức Angela Merkel không còn được ủng hộ nhiều như trước… chắc chắn không làm Bắc Kinh phải bận tâm, nếu không muốn nói theo một cách khác.
Ông Trump ghi điểm
Nhưng diễn biến đang có gì đó không có lợi cho Trung Quốc, trong Chính quyền Mỹ đang có chung tiếng nói chống lại Trung Quốc. Không chỉ giới quân sự, ý kiến của các cố vấn kinh tế như đại diện thương mại Robert Lighthizer hoặc Trợ lý Tổng thống về thương mại Peter Navarro ngày càng được lắng nghe. Bằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, ông Donald Trump đang gây rất nhiều khó khăn cho Bắc Kinh.
Trên thực tế, trong suốt mùa hè qua, các lãnh đạo Trung Quốc đã phải khá đau đầu để xử lý những bất lợi hiện nay trong nền kinh tế. Còn chỉ trích công khai của giáo sư Xu Zhangrun thuộc Đại học Thanh Hoa đang được lan rộng, cho thấy một làn sóng chỉ trích đối với chiến lược tham vọng của ông Tập là có thật.
Chắc chắn một cuộc chiến thương mại về dài hạn có thể ảnh hưởng xấu đối với cả hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, căng thẳng với Mỹ trong thời điểm này có vẻ không đúng lúc. Bởi vì, giữa bối cảnh cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ ngày càng khốc liệt, tiếng nói ủng hộ Bắc Kinh và chống lại Mỹ không nhiều như Trung Quốc hy vọng.
Thậm chí, tại Bắc Kinh, người ta nghĩ rằng ông Trump đã chiến thắng, cho dù kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ thế nào. Hoặc nếu đảng Dân chủ thắng và giành đa số tại Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 này, thì sự đồng thuận hiện nay tại Mỹ vẫn là chống Trung Quốc”. Đây chắc chắn không phải là vấn đề nhỏ đối với Bắc Kinh.
Bất lợi cho Trung Quốc
Để tránh tác động quá nặng nề đối với nền kinh tế, kể cả những chỉ trích từ xã hội, ở trong nước, Bắc Kinh đang không ngừng can thiệp, bơm nhiều tiền mặt vào nền kinh tế, phá giá nội tệ (Nhân dân tệ). Về đối ngoại, Trung Quốc không ngừng tìm kiếm các đồng mình tại châu Âu và châu Á, nhưng đều bị đánh giá là không đạt nhiều kết quả.
Gần đây nhất là ngay sau chuyến thăm Bắc Kinh 7 ngày (17 - 21/8/2018) vốn đã gây xôn xao với việc tuyên bố hủy bỏ 2 dự án lớn trị giá 22 tỷ USD, vị Thủ tướng 92 tuổi của Malaysia lại gây thêm bất ngờ khi tuyên bố cấm người nước ngoài được mua nhà trong dự án địa ốc khủng có vốn đầu tư lên tới 100 tỷ USD, cho 700 ngàn người sinh sống, của một công ty Trung Quốc đầu tư tại Bang Johor Bahru của nước này. Trong khi đây là dự án có mục đích xây dựng chủ yếu để bán cho người nước ngoài, trong đó dự báo sẽ có khoảng 2/3 là người Trung Quốc.
Forest City do là dự án có vốn đầu tư lên tới 100 tỷ USD của Tập đoàn Bích Quế Viên, Trung Quốc có mục đích xây dựng để bán cho người nước ngoài vào ở và sinh sống. (Nguồn: Forest-city) |
Công chúng cũng còn nhớ trong buổi Họp báo chung tại Bắc Kinh, cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Mahathir Mohamad không ngần ngại nói rằng: "Mậu dịch tự do cũng phải là mậu dịch công bằng" và "Chúng tôi không muốn nhìn thấy sự xuất hiện chủ nghĩa thực dân mới".
Tại châu Âu, trong các cuộc thảo luận ít kết quả giữa Trung Quốc và châu Âu cuối tháng 7 vừa qua, trong khi Trung Quốc tỏ rõ mong muốn đàm phán về hiệp định đầu tư, thậm chí hiệp định tự do thương mại, thì ngày càng có nhiều tiếng nói quan ngại về thâm hụt thương mại, về đầu tư của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ mới và hạ tầng cơ sở tại khu vực này. Hoặc thậm chí, một lối suy nghĩ đang bao trùm là lo ngại về sự thăng tiến sức mạnh của Trung Quốc. Điều này tất nhiên khiến Trung Quốc phải lo lắng. Đối với Bắc Kinh, điều không gì tồi tệ hơn sẽ là sự xích lại gần nhau giữa các nước xuyên Đại Tây Dương về các vấn đề này.
Như vậy, xem xét đối trọng trong cuộc chiến thương mại giữa “một rồng và một đại bàng” hiện nay, Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre kết luận rằng, nếu một bên các cố vấn kinh tế của ông Trump có vẻ đang chiếm thế thượng phong, thì phía bên kia Bắc Kinh có thể đã phải tự đặt câu hỏi, họ sẽ có được sự ủng hộ thật sự từ các đồng minh nặng ký phương Tây nữa hay không? dù cách đây ít thời gian, họ còn rất tự tin khẳng định đường lối chính trị mới chủ động hơn. Họ cũng có thể sẽ phải đặt thêm lên "bàn cân” về những cơ may trong chính sách đối nội khó lường của Mỹ, cuối cùng sẽ có lợi cho Trung Quốc hay không.