Tổng thống Trump cho rằng công nhận Trung Quốc là nước đang phát triển là không công bằng. (Nguồn: TimesofIndia) |
Trên Twitter ngày 26/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “WTO đã bị phá vỡ khi những quốc gia giàu có nhất thế giới lại tuyên bố là các nước đang phát triển, để tránh các quy tắc của WTO và hưởng những ưu đãi đặc biệt. Sẽ không thể như thế nữa.”
Một mặt trận khác?
Ngày 26/7, Tổng thống Trump đã chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ không thừa nhận quy chế đang phát triển đối với một số nền kinh tế, nếu trong vòng 90 ngày, tổ chức này không tiến hành những động thái điều chỉnh đáng kể, liên quan đến việc phân loại các nước thành viên. Ông Trump cho rằng điều này đang gây bất lợi cho những người "chơi theo luật" như Mỹ, làm suy yếu các cuộc đàm phán tại WTO và tạo ra một sân chơi không bằng phẳng.
Tổng thống Trump dọa sẽ rút lại sự thừa nhận quy chế đặc biệt của Trung Quốc tại WTO, cho rằng Bắc Kinh và nhiều nền kinh tế đang lợi dụng sơ hở của tổ chức này. Theo Washington, những nền kinh tế giàu có nhưng lại đang hưởng quy chế đặc biệt của WTO ngoài Trung Quốc còn có Hongkong, Singapore, Macau, Kuwait, Qatar và UAE. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Mexico cũng tự nhận là đang phát triển mặc dù thuộc G20.
Theo Tổng thống Trump, WTO đang sử dụng cách phân loại lỗi thời. Vì các nước được WTO xác định thuộc nhóm “đang phát triển” có thời hạn dài hơn để thực hiện các cam kết thương mại tự do, được phép bảo vệ một số ngành công nghiệp trong nước và duy trì trợ cấp, dựng hàng rào thuế quan đối với hàng hóa dịch vụ nhập khẩu, điều đó là không công bằng.
Giới chính trị Mỹ cũng khá đồng lòng trong việc này, khi cho rằng, không thể coi một quốc gia là đang phát triển khi đã phát triển đến cả chương trình vũ trụ, chế tạo 5 tàu sân bay, đầu tư sáng kiến Vành đai và con đường… Đại sứ Mỹ tại WTO Dennis Shea chỉ trích: "Trung Quốc thậm chí đã phóng tàu thám hiểm vũ trụ lên mặt trăng nhưng vẫn được đối xử ngang với các nước nghèo khó trên thế giới, điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được."
“Trung Quốc và quá nhiều quốc gia khác tiếp tục nhận là các nước đang phát triển, cho phép họ hưởng những lợi ích đi kèm với danh xưng đó và có những cam kết lỏng lẻo hơn so với các thành viên WTO khác,” Tổng thống Trump viết. Nhưng giới quan sát đều cho rằng, Tổng thống Trump chủ yếu nhắm vào Trung Quốc. Ông ấy hành động càng mạnh mẽ hơn trước thềm cuộc đàm phán lần thứ 12 với Bắc Kinh, vốn đã bị đình trệ kể từ hồi tháng 5.
Mỹ chỉ trích thẳng những ưu đãi của WTO đã đi quá xa, khi cho phép Trung Quốc trợ giá cho các ngành công nghiệp, bảo hộ cho các công ty nhà nước và phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài. Washington nói những quy chế đặc biệt đó đã góp phần gây ra các vấn đề như ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ép buộc.
Bởi vậy, kỳ vọng về một bước đột phá trong đàm phán Mỹ - Trung khá thấp. Những bất đồng của Mỹ và Trung Quốc đã lớn hơn so với 3 tháng trước khi các cuộc đàm phán sụp đổ và các bên liên tục đổ lỗi cho đối phương về việc gây trở ngại cho những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận chung.
Và thật vậy, cuộc đàm phán tại Thượng Hải đã kết thúc sớm hơn 40 phút so với dự kiến ban đầu, đoàn đàm phán Mỹ ra thẳng sân bay về nước mà không đưa ra bất cứ bình luận nào. Diễn biến đang có vẻ diễn ra như Tổng thống Trump từng tuyên bố “hoặc sẽ có một thỏa thuận tuyệt vời hoặc không gì cả” và quyết định đạt được thỏa thuận là tùy thuộc vào ông chứ không phải các đối tác Trung Quốc.
Cuộc chơi chung, lợi ích riêng
Tất nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, cho rằng, đó chỉ là những "biến tướng thị trường" mà nước này đang nỗ lực hạn chế. Dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc vẫn muốn tiếp tục hưởng đặc quyền dành cho nước đang phát triển trong WTO. Bất chấp áp lực từ Mỹ, Trung Quốc vẫn luôn từ chối thay đổi việc phân loại này. Với lý do Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển, gồm các yếu tố như GDP bình quân đầu người thấp, sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực trong nước, nhiều người ở nông thôn vẫn sống dưới mức nghèo.
Tự nhận mình là “nước đang phát triển lớn nhất thế giới", Bắc Kinh dù nói rằng "không trốn tránh trách nhiệm quốc tế", nhưng tuyên bố “sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ trong WTO phù hợp với mức độ phát triển và năng lực kinh tế” và quyết không từ bỏ các đặc quyền được hưởng với tư cách là một nước đang phát triển.
Được coi là “Liên hợp quốc” về thương mại toàn cầu, WTO ra đời từ năm 1995, với sứ mệnh là tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tự do và công bằng. Tuy nhiên, trên thực tế, 2/3 trong tổng số 164 nước thành viên WTO đang tự coi mình là "quốc gia đang phát triển". Tổ chức này đang trong một cuộc khủng hoảng thực sự, bế tắc, sự thất vọng và những vụ kiện cáo giữa các nước thành viên đang đe dọa “xé toạc” WTO.
Dù tất cả các nước thành viên của WTO đều nhận thức cần phải nhanh chóng cải tổ, nhưng những tiến bộ đạt được rất ì ạch. Nhiều sáng kiến đã được đưa ra, nhưng không đi tới đâu, chỉ vì một nguyên tắc tưởng chừng là nền tảng tạo nên sức mạnh và sự công bằng - sự đồng thuận. Bởi trong bối cảnh mỗi nước tham gia cuộc chơi chung đều có tính toán lợi ích riêng, việc tìm kiếm một tiếng nói ủng hộ của tất cả thành viên là một nhiệm vụ bất khả thi, giống như kết cục của các vòng đàm phán Doha. Trong khi mục đích cao nhất của WTO là hướng tới việc hạ thấp các rào cản thương mại, thì các thành viên đang phát triển lại đang níu kéo, kiên quyết không buông bỏ các luật lệ vốn không còn hợp thời.
Dù mới chỉ dừng lại ở cảnh báo, song rõ ràng thái độ cứng rắn của Tổng thống Trump đã cho thấy Washington ngày càng củng cố chính sách thương mại của mình, và chắc chắn điều này gây hậu quả không nhỏ trong hoạt động giao thương toàn cầu, cũng như hệ thống thương mại đa phương đang tồn tại. Đây sẽ không chỉ còn là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nó còn là thách thức đặt ra cho chính WTO, nếu tổ chức này muốn duy trì vai trò và vị thế của mình, trong thương mại toàn cầu.