Bắt đầu sáng tác ca khúc thiếu nhi từ khi 12 tuổi và được đào tạo về Sáng tác tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hoàng Thu Trang dành khá nhiều tâm huyết cho lĩnh vực âm nhạc thiếu nhi. Nhân dịp Tết Trung Thu năm nay, chị đã cho ra mắt MV Vui Trung Thu – như một món quà dành tặng các bạn nhỏ Việt Nam nói chung. TG&VN đã có cuộc trao đổi ngắn với “cô Chim Sâu” về dự án này.
"Chim Sâu" Hoàng Thu Trang. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Chào Trang. Sao mọi người lại gọi bạn là Chim Sâu thế?
Đây là một nickname mà một người bạn đặt cho mình nhiều năm trước đây, chắc vì họ thấy mình vui vẻ, vô tư và… nói như chim hót cả ngày. Đến giờ, khi làm việc với các em thiếu nhi, mình thấy các bạn nhỏ cũng thích và nhớ đến mình với cái tên cô Chim Sâu hơn là tên thật của mình. Khi được gọi như vậy, mình cảm thấy gần gũi và gắn kết với các bạn thiếu nhi hơn rất nhiều.
Còn điều gì đã khiến bạn thực hiện MV Vui Trung Thu?
Vui Trung Thu là một bài hát viết về niềm vui của trẻ em khi được tham gia các hoạt động truyền thống của lễ hội này như đi mua đèn ông sao, rước đèn, xúng xính quần áo mới và hân hoan chờ đón đêm Rằm... Bài hát này nằm trong album “Trong khu vườn”, gồm 5 bài hát mới dành cho thiếu nhi do mình sáng tác và được phát hành online vào ngày 1/6 vừa qua, trên hệ thống nghe nhạc trực tuyến Zing MP3.
Mục đích của mình khi thực hiện “Trong khu vườn” là mong muốn các bạn thiếu nhi sẽ có thêm nhiều bài hát mới để lựa chọn, bên cạnh các bài hát thiếu nhi quen thuộc tuy hay nhưng đã cũ và không hợp thời, hoặc các ca khúc người lớn hoặc tiếng nước ngoài với nội dung ca từ nhiều khi không phù hợp độ tuổi. Chính vì vậy, mình chọn cách phát hành online để bất cứ ai yêu âm nhạc cũng có thể tiếp cận với các ca khúc của mình.
Mình nghĩ, bằng việc tái hiện lại những hình ảnh đẹp của ngày Tết Trung Thu, ghi lại niềm vui và nụ cười của trẻ thơ khi tham gia các hoạt động trong dịp này… sẽ khiến cho bài hát dễ đi vào lòng người hơn và được các bạn nhỏ nhớ lâu hơn, yêu thích hơn. Bằng cách đó, bài hát sẽ sống được trong lòng khán giả nhỏ tuổi và cả người lớn.
Thông điệp mà bạn muốn truyền tải qua MV này là gì?
Các em nhỏ tham gia MV Vui Trung Thu. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Có nhiều cách để kể một câu chuyện nhưng bọn mình chọn cách nhấn mạnh vào sự hồn nhiên và niềm vui của trẻ thơ chờ đón ngày Tết Trung Thu. Chúng mình chọn “nụ cười” làm concept cho toàn bộ câu chuyện: Nụ cười khi được tự tay làm những chiếc đèn ông sao, đèn lồng, ánh mắt ngời sáng khi ngắm nhìn hình ảnh những chiếc đèn rực rỡ lung linh sắc màu ở phố Hàng Mã, niềm vui rộn ràng khi được mẹ đưa đi mua sắm những chiếc vương miện, mặt nạ để hoá trang vào đêm trăng rằm… Ê-kíp làm MV cố gắng ghi lại tất cả sư hồn nhiên và nụ cười trong trẻo của các em và lồng ghép những hình ảnh đó vào trong giai điệu rộn ràng của bài hát.
Đó không phải là một MV phức tạp với những góc quay cầu kì và câu chuyện dài hơi, nhưng Vui Trung Thu chắc chắn là một MV đầy nụ cười và gương mặt rạng rỡ hạnh phúc của các em nhỏ khi mùa Trung Thu đến.
Những ký ức về Tết Trung Thu ở Việt Nam khi Trang còn nhỏ liệu có giúp gì nhiều cho bạn trong quá trình xây dựng MV này không?
Chính xác thì những kí ức về ngày Tết Trung Thu đã giúp mình viết ca khúc này. “Vui Trung Thu” được mình sáng tác từ năm 13 tuổi, từ chính những trải nghiệm thời ấu thơ. Đó là những ngày hội rước đèn, phá cỗ ngắm trăng... tuy đơn sơ nhưng hết sức thân thuộc.
Vào những năm 90 của thế kỉ trước, trẻ con luôn có sự háo hức mong chờ khó lí giải đối với ngày tết Trung Thu, khi mình cùng lũ bạn cùng khu tập thể tập luyện trước đó cả tháng trời các tiết mục văn nghệ, đóng kịch về chủ đề chú Cuội, tự làm đèn lồng hoặc là thi nhau tìm mua chiếc đèn thật đẹp, thật oách để tham gia rước đèn vào đêm Trung Thu. Và, sau đó, bọn trẻ vui vẻ đến vỡ oà khi được người lớn chia quà mang về nhà sau khi cùng nhau phá cỗ.
Trẻ em bây giờ có nhiều mối quan tâm hơn, nhiều điều kiện và cơ hội hơn để tham gia các hoạt động vui nhộn và hoành tráng hơn thời của mình ngày xưa rất nhiều. Nhưng mình nghĩ, tình cảm và sự háo hức của trẻ em đối với ngày Tết Trung Thu thì luôn vẹn nguyên như vậy.
Mình đã dựa vào sợi dây cảm xúc đó để xây dựng một MV nói về niềm vui của thiếu nhi nhân ngày Tết này. Với mình, ý nghĩa của một sản phẩm âm nhạc nằm ở phần giai điệu và lời ca. Còn MV có nhiệm vụ cung cấp những hình ảnh phụ trợ, giúp cho sản phẩm âm nhạc đó đến được với khán giả một cách trọn vẹn hơn.
Một sự kiện quảng bá âm nhạc và văn hoá Việt Nam tại Pháp do Hoàng Thu Trang tham gia tổ chức. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Theo Trang, thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài sẽ tiếp cận những lễ hội văn hóa truyền thống như Tết Trung Thu theo hướng nào?
Mình đã sống và làm việc ở nước ngoài gần 10 năm. Cảm nhận của mình là những người Việt xa xứ luôn hết sức ngóng trông những ngày lễ truyền thống ở quê hương, không chỉ là cho bản thân họ, mà còn là cho trẻ em, cho con cái của họ.
Hoàng Thu Trang, sinh năm 1983, hiện sống tại thành phố Nantes, Pháp. - Giành học bổng toàn phần Erasmus Mundus theo học MA về Truyền thông tại Pháp và Đan Mạch. - Là Giám đốc Marketing tại Polaris Art & Music School - hệ thống giáo dục nghệ thuật, gồm 4 cơ sở tại Hà Nội. - Bắt đầu sáng tác ca khúc thiếu nhi từ khi 12 tuổi, có tác phẩm "Khoảng trời mơ ước" được đăng trong Tuyển tập ca khúc thiếu nhi Chào thế kỉ mới của NXB Thanh niên năm 2000. |
Những chiếc đèn Trung Thu, những chiếc đèn lồng xanh đỏ tự làm, tuy không thể đẹp và đa dạng như ở Việt Nam, nhưng nếu được tặng những thứ đó, trẻ em người Việt ở đây luôn hết sức quý trọng và nâng niu.
Vào các ngày lễ như Tết nguyên đán, Tết Trung Thu…, các gia đình Việt Nam hoặc các tổ chức Việt kiều ở đây đều tổ chức nhiều hoạt động truyền thống để nhắc nhở về văn hoá và cội nguồn dân tộc như. Ở các thành phố lớn như Paris còn có các lớp học múa dân gian cho trẻ em. Bản thân Trang cũng cố gắng dành thời gian để tổ chức ít nhất 1 đến 2 buổi hoà nhạc nhỏ hàng năm ở Nantes - thành phố mà mình đang sống… để cộng đồng người Việt ở đây có cơ hội nghe và cập nhật tình hình âm nhạc nước nhà, cũng như cho các cháu nhỏ sinh ra ở Pháp cảm thấy gần gũi hơn với văn hoá quê hương.
Theo bạn, việc một người Việt sống ở nước ngoài quảng bá cho văn hóa Việt sẽ có tác động như thế nào trong việc giúp bà con kiều bào xích lại gần và góp phần gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc?
Từ năm 2014 tới nay, mình tổ chức khá nhiều buổi hoà nhạc để giới thiệu về âm nhạc Việt Nam ở Pháp và rất đông bạn bè Pháp đến tham gia. Họ say mê các làn điệu dân ca như Trống cơm, Inh lả ơi, Hoa thơm bướm lượn…, rất thành thạo nhảy sạp và có thể gọi tên nhuần nhuyễn các món ăn nổi tiếng truyền thống Việt Nam như phở, nem, bún bò… Điều đó làm bản thân mình và bạn bè Việt Nam nói chung đều tự hào về bản sắc văn hoá phong phú của dân tộc.
Theo mình, người Việt dù ở bất cứ đâu luôn yêu quê hương và đều luôn mong muốn có điều kiện tham gia vào các hoạt động để giữ gìn và quảng bá văn hoá dân tộc… Cái mà bà con cần là có các tổ chức/cá nhân đứng lên truyền cảm hứng, kết nối tất cả lại với nhau để cùng tạo nên các hoạt động quy mô và chất lượng.
Xin cảm ơn Thu Trang!