Nhỏ Bình thường Lớn

'Chín người mười ý', thành viên NATO 'đỏ mắt' tìm lãnh đạo mới

NATO đang "đau đầu" tìm ứng cử viên cho vị trí Tổng thư ký khi ông Jens Stoltenberg sắp từ chức vào tháng 9 tới. Trong bối cảnh hiện nay, không dễ để tổ chức này tìm được một cái tên làm hài lòng tất cả các thành viên.
“Mỏi mắt” tìm lãnh đạo mới cho NATO
Cờ của các nước thành viên bên ngoài trụ sở chính NATO ở Brussels, Bỉ. (Nguồn: Reuters)

Sẽ có nữ tổng thư ký đầu tiên?

Cuộc đua trở thành lãnh đạo tiếp theo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang nóng lên. Nhưng đó là một cuộc đua phần lớn diễn ra ngoài tầm nhìn của công chúng và chưa rõ ai sẽ là ứng cử viên tiềm năng.

Jens Stoltenberg, Tổng thư ký người Na Uy của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương, sẽ từ chức vào cuối tháng 9 này sau 9 năm giữ chức vụ.

Tin liên quan
Viện trợ quân sự Ukraine: Nga tố ý đồ của NATO, tuyên bố có quyền vô hiệu tất cả đe dọa bằng mọi biện pháp Viện trợ quân sự Ukraine: Nga tố ý đồ của NATO, tuyên bố có quyền vô hiệu tất cả đe dọa bằng mọi biện pháp

Nhiều thành viên liên minh muốn việc kế nhiệm ông Stoltenberg diễn ra trước hoặc trong Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania vào giữa tháng 7 tới.

Tất nhiên, điều này không cho phép 31 quốc gia thành viên NATO, từ Mỹ cho đến “tân binh” Phần Lan hay Thổ Nhĩ Kỳ, có nhiều thời gian để có những đồng thuận cần thiết nhằm lựa chọn một nhà lãnh đạo mới. Họ cũng có thể sẽ đề xuất ông Stoltenberg gia hạn nhiệm kỳ lần thứ tư.

Bất cứ ai đảm đương cương vị vào thời điểm quan trọng này đều sẽ đối mặt với thách thức kép là giữ các đồng minh trên mặt trận hỗ trợ Ukraine trong khi đề phòng mọi nguy cơ leo thang đẩy NATO vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố để mắt tới công việc này, song trong bối cảnh một số chính phủ thúc đẩy việc NATO lần đầu tiên có một nữ tổng thư ký, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen có thể là một ứng cử viên nặng ký.

Dù ghế tổng thư ký NATO là một công việc cụ thể và công khai, cuộc cạnh tranh cho vị trí này cực kỳ không rõ ràng, chủ yếu diễn ra trong các cuộc tham vấn giữa giới lãnh đạo và ngoại giao.

Những cuộc tham vấn đó tiếp diễn cho đến khi tất cả các thành viên NATO nhất trí đạt đồng thuận. Ông Jamie Shea, cựu quan chức cấp cao của NATO, người đã phục vụ trong liên minh này tới 38 năm, cho biết, các nhà lãnh đạo sẽ tìm kiếm một chính trị gia, người truyền tải và nhà ngoại giao “lành nghề”.

Nhiều nhà ngoại giao cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace chưa thích hợp cho công việc này, dù ông có uy tín và được tôn trọng trong liên minh. Một số thành viên mong muốn lựa chọn một người phụ nữ cho vị trí lãnh đạo NATO.

Nhiều người cũng muốn tân tổng thư ký NATO là một cựu thủ tướng hoặc tổng thống để đảm bảo nhà lãnh đạo có ảnh hưởng chính trị ở cấp cao nhất, giống như ông Stoltenberg, 64 tuổi, từng là Thủ tướng Na Uy.

Một số thành viên, đặc biệt là Pháp, muốn một ứng cử viên đến từ quốc gia Liên minh châu Âu (EU), với hy vọng về sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa NATO và EU.

Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen đáp ứng tất cả các tiêu chí trên. Theo các nhà ngoại giao NATO, bà Frederiksen là cái tên đang được xem xét một cách nghiêm túc ở hậu trường.

Bà Frederiksen lần đầu tiên được đề cập với khả năng là ứng cử viên cho chức tổng thư ký liên minh trong bản tin của báo VG (Na Uy) hồi tháng trước, và một lần nữa làm xôn xao giới truyền thông trong tuần này khi Nhà Trắng thông báo bà sẽ đến thăm Tổng thống Mỹ Joe Biden vào đầu tháng 6.

Trả lời báo giới ở Copenhagen hồi tuần trước, Thủ tướng Đan Mạch bác bỏ suy đoán cho rằng chuyến thăm nhằm phục vụ “cuộc đua” tại NATO sắp tới: “Tôi không ứng cử cho bất kỳ vị trí công việc nào”.

Theo truyền thống, vị trí này thuộc về một người châu Âu, nhưng bất kỳ ứng cử viên nghiêm túc nào cũng cần có sự ủng hộ từ Washington.

Một nguồn thạo tin cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa lựa chọn được ứng cử viên và các quan chức phụ tá hàng đầu vẫn đang “tranh luận sôi nổi”.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, “còn quá sớm để suy đoán xem Washington sẽ hậu thuẫn ai”.

Đại diện từ một nước Đông Âu là cần thiết

Bà Frederiksen, 45 tuổi, thành viên đảng Dân chủ xã hội, trở thành Thủ tướng trẻ nhất Đan Mạch vào năm 2019. Bà được ca ngợi về năng lực quản lý khủng hoảng trong đại dịch Covid-19 và đắc cử nhiệm kỳ hai hồi năm ngoái.

Nhà lãnh đạo này sẽ phải từ bỏ chức vụ Thủ tướng Đan Mạch nếu nhận công việc ở NATO, điều mà các nhà bình luận chính trị cho rằng sẽ đẩy chính phủ của bà đến bờ vực sụp đổ.

Tất nhiên, chiến dịch cho vị trí ở NATO cũng sẽ không thuận buồm xuôi gió.

Đan Mạch không đạt được mục tiêu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng (hiện mới chỉ ở mức 1,38%) dù bà Frederiksen đã cam kết tăng tốc các nỗ lực để đạt mục tiêu này.

Một số đồng minh cũng cho rằng, đã đến lúc vị trí này nên lần đầu tiên thuộc về một nước Đông Âu, đặc biệt là khi cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến khu vực này trở nên quan trọng hơn đối với NATO.

Nếu bà Frederiksen đắc cử, bà sẽ là lãnh đạo NATO thứ ba liên tiếp đến từ một quốc gia Bắc Âu.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (người Đức) và Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland cũng là các “ứng cử viên tiềm năng” đang được giới ngoại giao và báo giới nhắc đến.

Những cái tên phổ biến khác là Thủ tướng kỳ cựu của Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Tuy nhiên, ông Rutte đã khẳng định không muốn công việc đó, trong khi ông Sanchez bận rộn với cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay.

Một số nhà ngoại giao cho rằng, nhiều ứng cử viên gây tranh cãi có thể không được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chấp nhận. Ông Erdogan vốn không hề ngần ngại trong việc ngăn chặn sự đồng thuận của NATO. Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Hungary, vẫn chưa gật đầu "mở cửa" để Thụy Điển trở thành thành viên của NATO.

Việc thiếu vắng các ứng cử viên rõ ràng với sự ủng hộ rộng rãi càng làm tăng khả năng ông Stoltenberg gia hạn nhiệm kỳ, thậm chí là tới tận một hội nghị thượng đỉnh NATO khác vào năm 2024.

Ông Stoltenberg nói không muốn ở lại lâu hơn, song để ngỏ câu trả lời nếu được yêu cầu.

Thượng đỉnh NATO: Tổng thống Ukraine được mời? Lãnh đạo 2 nước châu Á lên kế hoạch tham dự

Thượng đỉnh NATO: Tổng thống Ukraine được mời? Lãnh đạo 2 nước châu Á lên kế hoạch tham dự

Báo Europa Press đưa tin, Ukraine sẽ được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ...

Báo Đức: Điều bí mật sau 'cánh cửa đóng kín' giữa các lãnh đạo EU và Ukraine

Báo Đức: Điều bí mật sau 'cánh cửa đóng kín' giữa các lãnh đạo EU và Ukraine

Tờ Die Welt (Thế giới) của Đức dự đoán, trong chuyến thăm Ukraine, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Italy "sau cánh cửa đóng ...

Bầu cử tổng thống Montenegro: Nhà lãnh đạo kỳ cựu chịu trận thua lịch sử trước ứng viên mới nổi

Bầu cử tổng thống Montenegro: Nhà lãnh đạo kỳ cựu chịu trận thua lịch sử trước ứng viên mới nổi

Tối 2/4, chính trường Montenegro rung chuyển sau khi nhà lãnh đạo lâu năm Milo Djukanovic chịu thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống ...

Một quốc gia thành viên chỉ trích NATO vì mời Ukraine dự hội nghị của liên minh, tuyên bố rõ thái độ

Một quốc gia thành viên chỉ trích NATO vì mời Ukraine dự hội nghị của liên minh, tuyên bố rõ thái độ

Ngày 4/4, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto lên tiếng chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì quyết định mời người ...

Đại sứ Nga: Mỹ và các thành viên khác trong NATO đã sai...

Đại sứ Nga: Mỹ và các thành viên khác trong NATO đã sai...

Ngày 16/5, Đại diện thường trực của Nga tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ) Gennady Gatilov cho biết, mối đe dọa ...

(theo Reuters)