Toàn cảnh Hội thảo Giáo dục 2021 với chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo". |
Đó là ý kiến của Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021 với chủ đề: ''Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo'' ngày 21/11.
Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, kết nối trực tuyến với nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục trong và ngoài nước.
Người thầy là nhân tố quan trọng
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: "Người thầy chính là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng văn hóa học đường. Văn hóa học đường không tự nhiên sinh ra, con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, trong hàng nghìn năm dân tộc Việt Nam đã đóng góp cho nền văn hóa dân tộc sâu sắc, với tinh hoa được kết tinh từ đời này sang đời kia.
Trước yêu cầu đổi mới và sáng tạo trong giáo dục và đào tạo mà điều đầu tiên rất cơ bản để phát triển văn hóa học đường chính là bắt đầu từ người thầy. Muốn phát triển giáo dục và đào tạo thì phải quan tâm đến Văn hóa học đường - đây là sự thẩm thấu những hệ giá trị văn hóa ở trong hoạt động của nhà trường (hoạt động dạy và học)".
Ông Thắng cho rằng, người thầy mẫu mực thì học trò sẽ mẫu mực. Bên cạnh đó, vai trò của nhà quản lý giáo dục cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Không chỉ là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mà nhà quản lý giáo dục cũng phải là những người thầy. Đồng thời phải quan tâm đến cơ chế đãi ngộ một cách phù hợp trong bối cảnh kinh tế thị trường tác động rất nhiều đến việc giữ gìn sự trong sạch môi trường giáo dục.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Mỹ Lộc nguyên Hiệu trưởng Đại học Giáo dục - ĐH Quốc Gia Hà Nội cho biết: "Nhà trường là nơi duy nhất bảo tồn và lưu giữ các giá trị của dân tộc. Chúng ta cần phải quan tâm đến cái đích cuối cùng của mỗi nhà trường, đó chính là những giá trị cốt lõi văn hóa.
Giá trị văn hóa sẽ quan trọng hơn so với các giá trị điểm số hay thành tích. Cho nên, vai trò của người đứng đầu các cơ sở giáo dục là rất quan trọng, bởi khi họ nhận diện được đích đến cho nhà trường, quản lý văn hóa ra sao".
GS. TS. Nguyễn Mỹ Lộc nhấn mạnh: "Để phát huy được sự chủ động và sáng tạo của những người đứng đầu các cơ sở giáo dục thì chính sách phải có sự thay đổi, phải có quyền tự chủ xây dựng các văn hóa học đường, tạo ra sự khác biệt và truyền thống cho riêng đơn vị của mình. Khi giáo dục ở cấp cơ sở nhận diện được điều đó sẽ thấy rõ được sự chuyển biến trong văn hóa học đường".
Phải hài hòa giữa hiện đại và truyền thống
GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc Gia Hà Nội cho rằng, chúng ta đang nhấn mạnh vấn đề hiện đại trong "văn hóa học đường" và duy trì tính truyền thống. Học đường duy trì tính khuôn mẫu "bảo thủ" trong xã hội, phải hài hòa giữa hiện đại và truyền thống để phát triển một cách toàn diện.
"Văn hóa học đường" là những hành vi, khuôn mẫu học sinh hay giáo viên, nhà quản lý giáo dục cũng có thể được tiếp nhận và thể hiện. Do đó, chúng ta phải nhìn bên trong và bên ngoài nhà trường, cần phải có môi trường trung gian.
Môi trường là một chủ thể quan trọng đối với "văn hóa học đường", đây là nơi khuếch đại các yếu tố truyền thống, cách mạng công nghệ 4.0. Vì vậy, các chính sách cũng cần phải tăng cường trách nhiệm pháp lý của các chủ thể và nội dung liên quan.
Quan hệ thầy - trò cũng đóng vai trò quan trọng. Như vậy, để xây dựng văn hóa học đường cần chung tay của rất nhiều bên liên quan, sự đồng hành của toàn xã hội.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam bày tỏ: "Giáo viên là chủ thể quan trọng, là chủ thể góp phần xây dựng và hình thành văn hóa học đường. Do đó, cần phải có sự phối hợp giữa giáo viên và gia đình. Giáo viên không chỉ dạy học mà phải giáo dục toàn diện cho học sinh từ kiến thức đến kỹ năng sống. Muốn làm được điều này, sự đồng hành của giáo viên và phụ huynh học sinh là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phải có sự thay đổi, sự nhìn nhận về trách nhiệm đối với giáo viên. Phụ huynh cũng phải cùng chia sẻ những khó khăn với giáo viên. Ngoài ra, muốn xây dựng văn hóa học đường phải làm sao thay đổi cơ chế chính sách đưa người giỏi, người tài đi vào ngành sư phạm".
Xây dựng chuẩn bộ quy tắc ứng xử trong việc dạy và học
Tại hội thảo, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục, đào tạo" là chủ đề rất có ý nghĩa, có phần thời sự và sâu xa đó chính là giá trị và chất lượng trường học, thông qua đó sẽ phát triển giá trị con người thông qua học sinh.
Với tính chất là Hội thảo khoa học, các chuyên gia đã khơi gợi, phân tích, nêu ra rất nhiều vấn đề với rất nhiều góc nhìn khác nhau phong phú và đa dạng. Điều đó cho thấy sự thống nhất, quan tâm sâu sắc đối với vấn đề của giáo dục và chủ thể của nhà trường. Tất cả đều mong muốn trường học ngày càng tốt đẹp, học sinh ngày càng phát triển trong một môi trường hạnh phúc".
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. |
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, Bộ sẽ tiếp thu những ý kiến trong Hội thảo và lấy thêm các ý kiến để hình thành chính sách và thực thi.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, phải thống nhất về phạm vi của văn hóa học đường. Nếu ở góc độ học thuật sẽ đa dạng, nhưng ở góc độ quản lý và điều hành phải có định hướng và sự lựa chọn trong đó sẽ triển khai chính sách. Khi triển khai chính sách sẽ không thể đa dạng như các ý kiến học thuật được nêu trên.
Từ góc độ đó, chúng ta có thể coi "văn hóa học đường" là toàn thể thành tố và hoạt động của trường học cùng với các yếu tố liên quan. Tuy nhiên, cốt lõi của nó chính là hệ thống các chuẩn và hệ thống các giá trị "hệ chuẩn và hệ thống các giá trị". Các chuẩn bao gồm: Bộ quy tắc ứng xử trong việc dạy và học, quan hệ ứng xử, khi nó đạt đến chuẩn mực và các giá trị đã được xác định thì sẽ đạt được đến giá trị văn hóa.
"Để triển khai và thực thi thật tốt "văn hóa học đường" không có gì khác chính là phải làm cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh có tinh thần thực thi pháp luật và tuân thủ các nguyên tắc. Điều đó sẽ có tiêu chí hành động, rõ ràng thực thi và dễ dàng trong việc thưởng - phạt, hay khen - chê và chỉnh đốn trường học", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng bày tỏ về sự lo lắng khi trường học quá nghèo về cơ sở vật chất cũng khó khăn khi nói đến văn hóa. Bộ trưởng nói: "Nếu như hàng nghìn trường tiểu học, mầm non chưa có hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ thì chưa nói đến văn hóa. Khi lớp học còn tạm bợ, còn nền đất vách tranh thì văn hóa cũng còn xa. Khi đường của thầy cô đến trường còn gian khó thì văn hóa cũng sẽ còn xa".
Giải pháp nào thực hiện "văn hóa học đường"?
Sau khi nghe các ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã đưa ra những giải pháp để nâng cao "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục, đào tạo".
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hóa học đường. Ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng môi trường văn hóa học đường. Phát động phong trào thi đua xây dựng "nếp sống văn hóa"; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy ý chí, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa học đường; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến văn hóa học đường, trong đó có quy tắc ứng xử của nhà giáo, quy tắc ứng xử của cơ sở giáo dục. Xây dựng thiết chế văn hóa học đường làm cơ sở cho định hình văn hóa trong trường học, nhất là hệ thống thư viện trong trường học.
Thứ ba, xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong, ngoài nhà trường và trên không gian mạng. Trước mắt bảo đảm an toàn cho việc dạy và học trực tuyến, tránh các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tâm sinh lý của người học.
Thứ tư, đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường để khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, học sinh, sinh viên; khắc phục triệt để bệnh thành tích và thiếu trung thực trong giáo dục; ngăn ngừa bạo lực học đường.
Thứ năm, xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội. Có giải pháp, cơ chế để huy động sự tham gia tích cực của gia đình. Nâng cao vai trò, tinh thần nêu gương của giáo viên, giảng viên, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu nhà trường. Tăng cường trách nhiệm và hiệu quả của các tổ chức đoàn, đội trong và ngoài nhà trường nhằm thu hút sự chủ động tham gia của học sinh, sinh viên trong xây dựng môi trường văn hóa học đường.
Thứ sáu, tăng cường đầu tư, bảo đảm các thiết chế và điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, cập nhật các quy chuẩn xây dựng trường học bảo đảm một sinh thái phù hợp với môi trường giáo dục phù hợp; tạo điều kiện để đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về văn hóa học đường.
| Người thầy cần bổ sung ‘vitamin tri thức thời đại’ để bắt kịp xu hướng giáo dục toàn cầu ThS. Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt (IEDV), nhà nghiên cứu giáo dục và phát triển ... |
| TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh: 'Sức mạnh của trường học nằm ở nhân cách và trí tuệ người thầy' 'Khi người thầy có nhiều thời gian hơn để đầu tư cho chuyên môn, khi thu nhập của họ được cải thiện, khi giáo viên ... |