Trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với phần lớn các mặt hàng với lộ trình từ 5 – 15 năm sau khi hiệp định có hiệu lực. (Nguồn: Shinilglobal) |
Việc ban hành Nghị định có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các Bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam đẩy mạnh thực thi Hiệp định CPTPP theo Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đây cũng là bước đi triển khai cam kết của Việt Nam trong CPTPP, nhằm cụ thể hóa những lợi ích của hiệp định đối với doanh nghiệp, người dân các nước thành viên..
Trước đó, các nước thành viên đã phê chuẩn CPTPP là Nhật Bản, Australia, Canada, New Zealand và Singapore thông báo áp dụng thời điểm cắt giảm thuế quan lần đầu tiên với Việt Nam vào ngày 30/12/2018, trong khi Mexico thông báo áp dụng thời điểm cắt giảm thuế quan lần đầu tiên với Việt Nam vào ngày 14/1/2019 (thời điểm hiệp định có hiệu lực với Việt Nam).
Trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với phần lớn các mặt hàng với lộ trình từ 5 – 15 năm sau khi hiệp định có hiệu lực. Về thuế nhập khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, theo đó: (i) 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực; (ii) 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; (iii) 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; và (iv) các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế quan tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.
Để tận dụng lợi ích của việc cắt giảm thuế quan của các nước thành viên CPTPP, các cơ quan Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về các nội dung cam kết của CPTPP tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước.
Bộ Ngoại giao cũng đã có kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và phổ biến nội dung cam kết cho nhiều đối tượng khác nhau, chú trọng cán bộ phụ trách công tác hội nhập quốc tế tại các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất trong nước.