TIN LIÊN QUAN | |
Công nghiệp văn hóa Việt Nam: Góc nhìn thể chế | |
Chính phủ sẽ làm hết sức mình để doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh |
Kết thúc quý II/2016, doanh thu 6 tháng đầu năm từ các thị trường nước ngoài của Viettel đạt 493,8 triệu USD, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến giữa tháng 9/2016, tổng số khách hàng của Viettel tại 9 thị trường nước ngoài (Lào, Campuchia, Đông Timor, Cameroon, Haiti, Mozambique, Burundi, Peru, Tanzania), đã đạt 26 triệu, nâng số lượng khách hàng của Viettel trên toàn cầu (bao gồm Việt Nam) lên 90 triệu người. Nhờ đó, Viettel nằm trong số 30 tập đoàn viễn thông có số lượng khách hàng cao nhất, theo thống kê của GSMA Intelligence.
Thành công lớn với chiến lược tăng quy mô
Năm 2015, tổng doanh thu từ hoạt động đầu tư quốc tế của Viettel tăng 9%, đạt gần 1,5 tỷ USD. Trong khi đó, theo số liệu từ hãng nghiên cứu và phân tích thị trường hàng đầu thế giới OVUM (Anh), tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành này trên thế giới là 2,3% (chỉ bằng 1/4 so với Viettel).
Nếu so với các tập đoàn viễn thông nước ngoài lớn cùng kinh doanh tại các thị trường quốc tế, Viettel cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Tập đoàn Vodacom, đối thủ của Viettel tại nhiều thị trường, với quy mô và nhiều năm kinh nghiệm về viễn thông, nhưng tổng doanh thu năm 2015 chỉ tăng 2,1%. Về thuê bao, Vodacom có mức tăng 7,2%, chỉ bằng 1/4 so với mức tăng trưởng 27% của Viettel Global năm 2015.
Halotel của Viettel là thương hiệu hướng tới mọi người dân Tanzania. (Nguồn: Roaming) |
Trên con đường chinh phục các thị trường nước ngoài, Viettel cũng đã đạt được những thành tựu đáng nể. Chỉ sau 3 tháng kinh doanh, Halotel - thương hiệu của Viettel tại Tanzania đã có hơn 1 triệu khách hàng – tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử đầu tư nước ngoài của tập đoàn. Tại Burundi - thương hiệu Lumitel của Viettel mất 6 tháng để đạt 1 triệu khách hàng và tới tháng 3/2016 thì chính thức chiếm vị trí số 1 về thị phần di động tại quốc gia này với 1,6 triệu người dùng. Hay 6 tháng đầu năm 2016, Bitel -thương hiệu của Viettel tại Peru đã đạt doanh thu 201 triệu soles (đơn vị tiền tệ Peru), tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2015. Tốc độ phát triển thuê bao của Bitel là 41%, hơn gấp 5 lần tốc độ phát triển chung của toàn ngành viễn thông Peru (8%).
Trong năm 2015, Viettel khai trương 3 thị trường lớn là Cameroon, Burundi và Tanzania, chiếm tới 3/4 thị trường hiện có của Viettel tại châu Phi, với hơn 80 triệu dân. Việc mở rộng này đã nâng quy mô thị trường của Viettel lên 10 nước với 270 triệu dân, gấp 3 lần dân số Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, trong thời điểm này, chiến lược tập trung nhanh chóng nâng quy mô thị trường của Viettel là hợp lý. Với viễn thông hay các ngành hàng bán lẻ nói chung, lợi thế quy mô là điều kiện quyết định thành công.
Trước đây tại Việt Nam, Viettel đã thành công với chiến lược đầu tư mạnh, mở rộng vùng phủ sóng ngay từ giai đoạn đầu để nhanh chóng trở thành nhà mạng dẫn đầu. Ngoài ra, đối với định hướng mở rộng Nghiên cứu sản xuất thiết bị cũng như đưa các ứng dụng CNTT vào viễn thông, quy mô thị trường cũng đem lại những lợi thế lớn cho Viettel.
Bí quyết hạn chế rủi ro
Dù lợi nhuận từ đầu tư nước ngoài năm 2015 của Viettel không đạt như kỳ vọng, nhưng lợi nhuận ở các châu lục (trừ châu Phi) đạt: 1.235 tỷ đồng (châu Á) và 213 tỷ (châu Mỹ). Đặc biệt thị trường châu Mỹ, sau 5 năm kinh doanh đã chuyển từ lỗ 87 tỷ sang lãi 213 tỷ.
Tất nhiên, đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào và ở đâu cũng sẽ luôn tiềm ẩn rủi ro. Theo Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng, Viettel đã gặp nhiều khó khăn vì hệ thống pháp luật, tài chính và quản lý của Việt Nam chưa sẵn sàng cho việc doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Khó khăn lớn hơn là so với các tập đoàn quốc tế khác thì Viettel đã muộn hơn họ từ 10-20 năm và còn rất non trẻ về cả tiềm lực kinh tế lẫn kinh nghiệm; khó khăn về rào cản ngôn ngữ, văn hoá; khó xin giấy phép viễn thông, cạnh tranh mạnh tại thị trường đầu tư, xu hướng doanh thu đang giảm nhanh...
Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm 10 năm đầu tư quốc tế, Viettel đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với thách thức. “Trước khi đầu tư, chúng tôi có những tiêu chí và cách thức tính toán, đánh giá cơ hội và hiệu quả đầu tư rồi mới đưa ra quyết định. Trong suốt quá trình, chúng tôi đặt ra những đầu bài, chỉ số đánh giá hiệu quả đầu tư và các biện pháp đánh giá, dự phòng rủi ro. Với mỗi thị trường, chúng tôi xây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới với quan điểm đó là công ty viễn thông của người dân nước sở tại. Các sản phẩm, dịch vụ, chiến lược kinh doanh của chúng tôi đều lấy lợi ích của khách hàng làm tâm điểm để cân bằng với mục tiêu của doanh nghiệp”, ông Tào Đức Thắng cho biết.
Viettel quyết tâm phải đứng vị trí số 1 hoặc số 2 ở những thị trường đã đầu tư. Mục tiêu này bước đầu đã được khẳng định sau thành công của 6/10 thị trường nơi Viettel đã vươn lên tốp đầu.
Phương châm: “sự phát triển của một đất nước phần nào phụ thuộc vào viễn thông, chứ không phải viễn thông chỉ có thể bùng nổ khi GDP đạt một mức nhất định” đã được Viettel chứng minh bằng thực tế. Tại Lào, Campuchia, Đông Timor… khi giá cước thấp và sản phẩm hướng tới cộng đồng của Viettel tới người dân thì viễn thông đã bùng nổ, kéo theo sự phát triển về kinh tế xã hội. Đây cũng chính là điều mà chính phủ cũng như người dân tại các nước đang phát triển rất cần và mong muốn có được từ nhà đầu tư nước ngoài.
Tiếng nói của doanh nghiệp sẽ được Thủ tướng lắng nghe Tối nay, 11/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội ... |
Sách và Hội nhập 2016 Ngày 6/10, chương trình Hội Sách Hà Nội 2016 đã khai mạc tại di sản Hoàng Thành Thăng Long với chủ đề “Sách và Hội ... |
Thanh Hóa cần chuẩn bị điều kiện để hội nhập tốt hơn nữa Bên cạnh yêu cầu tỉnh phát huy tiềm năng, lợi thế của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Thanh Hóa cần giữ gìn ... |