Dự án Vành đai và Con đường - còn gọi là Con đường tơ lụa mới được đánh giá là có quy mô chưa từng có trong lịch sử hiện đại, với lời hứa của Trung Quốc sẽ đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở hơn 60 quốc gia. Sau hơn ba năm đưa ra sáng kiến, Trung Quốc đã đạt được một số bước tiến quan trọng, vận động sự ủng hộ quốc tế, chuẩn bị tài chính, triển khai các dự án, đặt nền tảng để cụ thể hóa sáng kiến thành một khuôn khổ hợp tác chính thức.
Ảnh minh họa. |
“Thuộc địa kiểu mới”
Trong những cánh rừng ở Lào, hàng trăm đường hầm và những cây cầu của dự án đường sắt dài 260 dặm có giá trị 6 tỷ USD giúp kết nối tám quốc gia châu Á đang dần thành hình. Tuyến đường sắt từ thủ đô Budapest (Hungary) đến Belgrade (Serbia) tạo ra con đường mới để hàng hóa Trung Quốc chảy vào châu Âu đã được lên kế hoạch. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng không quên đầu tư vào "lục địa đen" khi lên kế hoạch cho mạng lưới giao thông trong tương lai ở Đông Phi, kết nối các thành phố của Kenya với thủ đô của Uganda, Nam Sudan, Rwanda và Burundi…
Trên đây chỉ là một vài trong số hàng trăm dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang triển khai trên khắp các châu Á, Phi, Âu cả trên đất liền và ngoài biển, tạo thành xương sống của tham vọng nâng tầm ảnh hưởng cả về mặt kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc trên trường quốc tế. Hiện nay, tổng số vốn đầu tư dự kiến cho sáng kiến này đã lên tới 900 tỷ USD. Các nhà đầu tư chính là các ngân hàng và quỹ tín dụng đều do Trung Quốc hậu thuẫn.
Ngày 14/5, lần đầu tiên, lãnh đạo của gần 30 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế đã tới Bắc Kinh tham dự hội nghị xúc tiến thực hiện sáng kiến Vành đai và Con đường. Theo đề xuất của Bắc kinh, thông qua dự án, các cường quốc phương Tây tăng cường tài chính nhằm phát triển thị trường cho các sản phẩm của mình, cũng như mở rộng ảnh hưởng. Còn các quốc gia kém phát triển hơn có thể nhận đầu tư từ đây. Tuy nhiên, các đại biểu tham gia hội nghị vừa hy vọng, nhưng cũng không kém phần lo lắng về bất lợi đối với mỗi bên. Không ít người lo ngại về một dạng “thuộc địa kiểu mới” của thế kỉ 21. Các quốc gia chịu ảnh hưởng của sáng kiến này được nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhưng cũng phải xây dựng các mối quan hệ thương mại quốc tế chặt chẽ hơn. Đặc biệt với vai trò dẫn dắt, sáng kiến được kỳ vọng sẽ tôn thêm sức mạnh của Trung Quốc.
Chuyển dịch vai trò lãnh đạo thế giới
Trong khi đó, người giữ chiếc ghế quyền lực nhất thế giới được cho là đang dần từ bỏ quyền lãnh đạo thế giới. Giới truyền thông phương Tây đã nói tới việc “siêu cường mới” Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ ở vị trí đó, kể từ khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sau đây nhiều khả năng là cả Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Vành đai và Con đường là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy quyết tâm nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. (Nguồn: Politics) |
Giới chuyên gia cho rằng, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã để lộ ý muốn thu hẹp ảnh hưởng toàn cầu của mình, tập trung nguồn lực vào việc tái xây dựng “một nước Mỹ vĩ đại” theo kiểu riêng. Tuy nhiên, có vẻ mọi việc sẽ không dễ dàng như vậy.
Lâu nay, quyền lực và trách nhiệm của các quốc gia dẫn đầu được hình thành từ sức mạnh tổng hợp, vừa là di sản lịch sử vừa là kết quả của hiện thực. Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu bởi chính họ đã thiết kế nên những bộ khung cơ bản của thế giới, đầu tư, chi trả và bảo vệ các hệ thống đó như: hệ thống thương mại quốc tế, hệ thống tài chính, hệ thống mạng Internet, hệ thống an ninh…
Với vị trí ấy, nước Mỹ đã gặt hái được những lợi ích mà các nước theo sau, dù thèm muốn, cũng không thể có được. Chẳng hạn, không chỉ chiếm lợi thế trong thanh toán quốc tế, vị thế USD có thể giúp Mỹ có đặc quyền bắt cả thế giới chia sẻ gánh nặng, mỗi khi nền kinh tế có vấn đề… Những “đặc quyền” ấy là lý do ít người tin rằng, Mỹ khó dễ dàng từ bỏ vị trí vốn có của mình. Và dường như ông Trump chỉ là muốn tụt lại về phía sau, quy hoạch lại sức lãnh đạo của Mỹ để chọn cái lợi hơn cho mình.
Tuy nhiên, chỉ thế thôi cũng đủ để Trung Quốc giành được một số không gian mới và phát huy “sức lãnh đạo”. Trung Quốc có thể chưa có năng lực toàn diện dẫn dắt thế giới, nhưng vấn đề là Trung Quốc đã làm gì và chuẩn bị như thế nào?
Vành đai và Con đường là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy quyết tâm nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các nước khác cũng là một cách để Trung Quốc tìm ra nơi sinh lợi cho kho dự trữ ngoại hối khổng lồ, vốn chủ yếu đang đầu tư vào trái phiếu Mỹ. Bên cạnh đó cũng là kỳ vọng có thể tạo ra những thị trường mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc và xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp đang bị dư thừa…
Đó là lý do mà người ta bắt đầu nghi ngờ về việc liệu nền kinh tế số hai có đang cố gắng “xuất khẩu” những mặt yếu kém nhất trong nền kinh tế của mình. Nếu như vậy, Con đường tơ lụa mới sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của các quốc gia liên quan. Cái mà các quốc gia mong chờ là hiệu quả thiết thực mà các dự án mang lại, và góp phần hồi phục nền kinh tế toàn cầu.