📞

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2022: Rút tiết kiệm trước hạn vẫn hưởng lãi cao, phạt tiền khi không phân loại rác

Kha Ninh 09:05 | 01/08/2022
Thu phí tự động hoàn toàn các tuyến đường cao tốc; quy định mới về tiền lương; phạt tiền với hành vi đốt rơm rạ gần sân bay, khu dân cư; thuê bao di động phải xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2022.
Trong các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2022, việc đốt rơm, rạ gần sân bay, khu dân cư có thể bị phạt tiền đến 3 triệu đồng.

Quy định mới về lãi suất rút trước hạn tiền gửi

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 04/2022/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. So với hiện hành, Thông tư 04/2022/TT-NHNN đã phân chia quy định lãi suất rút trước hạn tiền gửi trong trường hợp rút trước hạn toàn bộ tiền gửi và rút trước hạn một phần tiền gửi.

Trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi, TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.

Trong trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi. Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.

Đối với phần tiền gửi còn lại, TCTD áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2022 và thay thế Thông tư số 04/2011/TT-NHNN về quy định áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại TCTD.

Thuê bao di động mới phải xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ngày 15/6, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 174/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về kết nối thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông thống nhất quy trình thực hiện cấp số thuê bao mới, thực hiện rà soát cơ sở pháp lý và lựa chọn các giải pháp, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, phương án tổ chức thực hiện đối soát, xác thực thông tin thuê bao đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông và các ngành, nghề kinh doanh có liên quan sử dụng số điện thoại di động.

Đối với số thuê bao mới phát sinh từ ngày 1/8/2022 phải thực hiện xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đăng ký cấp quyền khai thác thông tin về nhà ở

Nghị định số 44/2022/NĐ-CP ngày 29/6/2022 của Chính phủ, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8, được ban hành nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành liên quan việc xây dựng, quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương có liên quan, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và các nhu cầu chính đáng khác trong xã hội, đồng thời đảm bảo phù hợp, tương thích với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

Như vậy, sau 6 năm (từ 2016-2022) triển khai thực hiện xây dựng, quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (Hệ thống thông tin) theo quy định của Nghị định số 117/2015/NĐ-CP, bên cạnh các kết quả đã đạt được cũng xuất hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật hiện hành và việc tổ chức thi hành pháp luật ở các cấp, khiến Hệ thống thông tin vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là việc quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản.

Các khó khăn, vướng mắc tập trung ở các nguyên nhân chính: Về quy định liên quan đến chế độ báo cáo, biểu mẫu thu thập thông tin nhiều, phức tạp, chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị; nguồn lực về tài chính, nhân sự còn hạn hẹp; chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm chưa mang tính răn đe; công tác phối hợp, tổ chức thực hiện chưa được quan tâm đúng mức cần thiết.

Do vậy, việc sửa đổi Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ và thay thế bằng Nghị định số 44/2022/NĐ-CP ngày 29/6/2022 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin là cần thiết.

Phạt tiền khi không phân loại rác sinh hoạt, có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Đây là một trong những nội dung hoàn toàn mới được ghi nhận tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, áp dụng từ ngày 25/8/2022. Cụ thể, khoản 1 điều 26 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Như vậy, nếu không phân loại chất thải rắn trong sinh hoạt, cá nhân, hộ gia đình có thể bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định 45 cũng bổ sung thêm rất nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị phạt trong thời gian sắp tới, như: Hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính bị phạt từ 2,5 - 3 triệu đồng.

Hành vi thải chất gây mùi khó chịu, hôi thối vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng.

Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, kiểm kê, báo cáo và quản lý thông tin về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y theo quy định; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định và gây ô nhiễm môi trường.

Đối với hành vi không thực hiện việc đánh giá và kiểm soát hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.

Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép và gây ô nhiễm môi trường.

Đối với hành vi nhập khẩu hóa chất, vật liệu chứa hóa chất nguy hại không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng…

Thu phí tự động hoàn toàn các tuyến đường cao tốc từ 1/8

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 186/TB-VPCP ngày 27/6/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Thông báo nêu rõ, thu phí theo hình thức điện tử không dừng để thay thế cho hình thức thu phí thủ công là văn minh, hiện đại, giảm chi phí xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí. Việc triển khai thu phí theo hình thức điện tử không dừng là yêu cầu bắt buộc đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo (Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27/2/2018, Chỉ thị số 39/CT-TTg ngày 17/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ...); các văn bản nêu trên đã quy định đầy đủ yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Quy định mới về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính

Ngày 29/6 Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2022/TT-BTC quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Trong đó quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán; giám định tư pháp về giá; giám định tư pháp về chứng khoán; giám định tư pháp về thuế; giám định tư pháp về hải quan; giám định tư pháp về tải sản công; giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp; giám định tư pháp về các lĩnh vực tài chính khác theo quy định của pháp luật.

So với Thông tư số 138/2013/TT-BTC hiện hành Thông tư số 40/2022/TT-BTC đã bổ sung 2 lĩnh vực giám định tư pháp là giám định tư pháp về tài sản công và giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp.

Thông tư số 40/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/8/2022 và thay thế Thông tư 138/2013/TT-BTC.

Quy định mới về tiền lương viên chức một số ngành

Từ tháng 8/2022, hàng loạt các quy định mới liên quan đến xếp lương, tiền lương của viên chức ngành công nghệ thông tin, văn hóa, thư viện... sẽ có hiệu lực.

Cụ thể, viên chức công nghệ thông tin có hệ số lương cao nhất là 8,0. Nội dung này được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tại Thông tư 08/2022/TT-BTTTT có hiệu lực từ 15/8/2022 quy định về xếp lương viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin.

Cũng từ 15/8, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định về xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện tại Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL chính thức có hiệu lực

Ngoài ra, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-BVHTTDL hướng dẫn xếp lương cho viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở, có hiệu lực từ 25/8. Theo đó, lương viên chức văn hóa cơ sở cao nhất hơn 9,5 triệu đồng/tháng.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây mới nhà ở

Đây là nội dung tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, có hiệu lực từ ngày 15/8/2022.

Đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sau đây được hỗ trợ xây nhà mới 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ:

Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây viết tắt là Chương trình) có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm.

Đối tượng thụ hưởng hỗ trợ nhà ở không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác.

(tổng hợp)