📞

Chính sách Mỹ Latinh sẽ ‘quay xe’ dưới thời ông Joe Biden?

Huy Sơn 19:30 | 26/01/2021
TGVN. Tổng thống Joe Biden sẽ bảo vệ lợi ích của xứ cờ hoa tại một Mỹ Latinh đối mặt bất ổn, suy thoái kinh tế và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy.

Người cũ, cảnh mới

Năm 2013, Phó Tổng thống Mỹ đương thời Joe Biden đã gọi điện để xin lỗi Tổng thống Brazil lúc bấy giờ, bà Dilma Rousseff, sau khi WikiLeaks tiết lộ rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã nghe trộm điện thoại bà. Một năm sau, ông Biden đã đến Brazil tham dự một trận bóng đá World Cup, cùng một món quà đặc biệt: các tài liệu giải mật về chế độ độc tài quân sự tại Brazil từ 1964-1985, giai đoạn đầy khó khăn với bà Rousseff. Bà Rousseff đã gọi ông Biden là một “Phó Tổng thống quyến rũ”.

Ông Joe Biden và bà Dilma Rousseff trong một cuộc gặp năm 2013. (Nguồn: Agencia Brasil)

Song một khi ông Biden chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu quan tâm của ông đối với châu Mỹ Latinh không còn được như trước vì những mối bận tâm khác. Hồi ký mới xuất bản của cựu Tổng thống Barack Obama từng tiết lộ rằng ông Biden hay “mỉm cười và gật đầu”, nghĩ về giải pháp cho cuộc chiến tại Libya trong khi Tổng thống Chile nói về việc xuất khẩu rượu vang.

Tuy nhiên, ông Biden cũng có thể sẽ chú ý đến khu vực này, nơi ông từng làm sứ giả của ông Obama với 16 chuyến thăm chính thức. Một số vấn đề cấp bách như di cư ồ ạt, tình hình chính trị Venezuela sẽ thụ hút sự chú ý của ông. Tuy nhiên với phong cách khác biệt so với người tiền nhiệm, ông sẽ chủ trương thúc đẩy ứng phó với những lo ngại mà ông Donald Trump từng bỏ qua như nhà nước pháp quyền hay nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Dẫu vậy, Mỹ Latinh giờ đã khác. Tăng trưởng kinh tế thấp và không ổn định đã tác động tiêu cực tới khu vực. Đại dịch Covid-19 đã khiến 541.000 người thiệt mạng tại Mỹ Latinh và Caribbean, chỉ đứng sau châu Âu và khiến khu vực rơi vào suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong hơn một thế kỷ qua. Khế ước xã hội bị phá vỡ dẫn đến tình trạng bất ổn, tạo cơ hội cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy trong các cuộc bầu cử. Tình hình tại Venezuela và cuộc di cư ồ ạt tại Trung Mỹ vẫn tiếp tục là vấn đề nóng.

Quỹ Bertelsmann, tổ chức xếp hạng sức mạnh dân chủ của các quốc gia trên thang điểm mười, nhận thấy điểm số của 7 nền dân chủ ở Mỹ Latinh đã giảm 0,8 điểm trở lên từ năm 2010. Khi ông Trump nhậm chức năm 2017, các nước Mỹ Latinh luôn canh cánh sợ “bị chú ý”. Nhưng nhiều người dần thích ông, bởi ông Trump đã ít nhiều bỏ ngỏ nơi này.

Tuy nhiên với phong cách khác biệt so với người tiền nhiệm, ông Joe Biden sẽ chủ trương thúc đẩy ứng phó với những lo ngại mà ông Donald Trump từng bỏ qua như nhà nước pháp quyền hay nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Tìm sự thay đổi

Tuy nhiên, câu chuyện này dưới thời ông Joe Biden có thể sẽ khác. Ông đã đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, khi dự kiến hủy bỏ hiệp ước của ông Trump đối với ba nước “Tam giác phương Bắc” là Guatemala, Honduras và El Salvador, qua đó cho phép người dân của họ xin tị nạn tại Mỹ. Tuy nhiên, đây sẽ là một quá trình tiệm tiến và mục tiêu cuối cùng của chính quyền Tổng thống Joe Biden là cải thiện điều kiện sống tại “Tam giác phương Bắc” này.

Tân Tổng thống Mỹ được dự đoán sẽ sử dụng chiến lược cây gậy và củ cà rốt. Ông Biden sẽ tiếp tục hỗ trợ cải thiện năng lực quản trị của các quốc gia tại khu vực này, song cách tiếp cận của ông Biden với tình hình dân chủ ở khu vực sẽ thiên hướng phô bày những “củ cà rốt” hơn. Quan điểm của ông Biden với tình hình chính trị ở Venezuela có điểm tương đồng với ông Trump, nhưng ông sẽ tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ông Antony Blinken, người đang được đề cử Ngoại trưởng Mỹ, đã giúp bình thường hóa quan hệ với Cuba. Tuy nhiên, ông Biden sẽ thận trọng hơn với chính sách với đảo quốc này, dù nhiều khả năng có thể tiến hành nới lỏng hạn chế với kiều hối và du lịch.

Biến đổi khí hậu cũng sẽ là trọng tâm mới của ông Biden. Mức độ tàn phá rừng nhiệt đới Amazon đang gia tăng liên tục. Ông Biden muốn tạo ra một quỹ trị giá 20 tỷ USD để bảo vệ lá phổi xanh của Trái đất, nhưng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro lại coi đó là đe dọa với chủ quyền quốc gia và đã bác bỏ. Quan hệ Mỹ-Brazil vì thế có thể khó khăn hơn trong thời gian tới.

Không chỉ ông Bolsonaro, nhiều lãnh đạo Mỹ Latinh khác hẳn cũng sẽ không cảm thấy dễ chịu với thay đổi này. Một số thậm chí có thể nói rằng Mỹ chẳng có tư cách gì mà “dạy dỗ” họ.

Tuy nhiên, như cố vấn của ông Joe Biden từng nói, sự vững vàng của nền dân chủ Mỹ sau ngày 20/1 là minh chứng về tầm quan trọng của một thể chế mạnh. Washington đã vượt qua thách thức ban đầu và hoàn toàn có thể giúp những người hàng xóm trong khu vực của mình làm điều tương tự.

(theo Foreign Policy)