Trước diễn biến dịch bệnh có chiều hướng khả quan hơn, chính quyền bang Victoria đã quyết định nới lỏng hầu hết các biện pháp phòng dịch tại nơi công cộng, trừ Melbourne, thành phố lớn nhất Australia. (Nguồn: The West Australian) |
Tại Ấn Độ, các doanh nghiệp đang chật vật tìm cách hoạt động trở lại khi các nhà chức trách bắt đầu nới lỏng các hạn chế, dù số ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn tăng kỷ lục, lên tới hơn 80.000 ca. Tại các thủ đô của châu Âu, các quán bar và nhà hàng vẫn được bảo trợ mặc dù số ca lây nhiễm lên tới hàng nghìn người.
Các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình buộc phải vật lộn với những khó khăn kinh tế khi thực hiện phong tỏa, trong khi các nước giàu hơn có mạng lưới an toàn kinh tế và xã hội tốt hơn. Trong bối cảnh việc áp dụng vaccine rộng rãi vẫn còn rất xa vời thì các quốc gia vẫn đang phải vật lộn với những làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới khi số lượng ca lây nhiễm và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng.
Mò mẫm trong bóng đêm
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra sợ dây liên hệ giữa việc phong tỏa (trong nhiều trường hợp đồng nghĩa với sụt giảm GDP nghiêm trọng) và gia tăng tệ nạn xã hội (như bạo lực gia đình). Việc yêu cầu người dân “ở yên trong nhà” và chuyển hướng nguồn lực y tế để tập trung đối phó với Covid-19 cũng có liên quan tới số ca tử vong tăng vì các nguyên nhân khác như bệnh tim, ung thư, tự tử…
Việc đánh giá các tác động tiêu cực của lệnh phong tỏa lên nền kinh tế là vấn đề phức tạp và gây nhiều tranh cãi. Giáo sư Kinh tế học đến từ Đại học New South Wales (Australia) Gigi Foster cho rằng thiệt hại của các nền kinh tế do lệnh phong tỏa trong năm 2020 sẽ còn tác động trong nhiều năm.
“Chúng ta nên coi trọng sức khỏe và an toàn hơn là sự tăng trưởng kinh tế. Trong nhiều trường hợp lựa chọn này có thể sai. Nhưng cách tốt nhất để nền kinh tế có thể phục hồi và vận hành trở lại là dịch bệnh phải được kiểm soát”, ông Foster nói.
Ông Lawrence O. Gostin, Giám đốc Viện O’Neill về Luật sức khỏe toàn cầu và quốc gia thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) cho hay, việc các quốc gia thiếu dữ liệu chính xác khi triển khai lệnh phong tỏa và các biện pháp phòng dịch không khác gì việc “mò mẫm trong bóng đêm”.
Victoria hiện là tâm điểm của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại Australia. Trước diễn biến dịch bệnh có chiều hướng khả quan hơn, chính quyền bang Victoria đã quyết định nới lỏng hầu hết các biện pháp phòng dịch tại nơi công cộng, trừ Melbourne, thành phố lớn nhất Australia.
Theo đó, người dân được phép tụ tập tối đa 10 người trong khi các quán cafe được phép phục vụ tối đa 50 người ở ngoài trời. Trước đó, khi đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát vào tháng 7, chính quyền bang từng thực thi chính sách đóng cửa và giờ giới nghiêm nghiêm ngặt.
Tại các thủ đô của châu Âu như Paris hay Madrid, chính quyền các thành phố đã áp dụng những biện pháp phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang, giới hạn tụ tập đông người tại nơi công cộng và giảm công suất hoạt động của các quán bar trong bối cảnh các ca lây nhiễm mới tăng kỷ lục.
Mặc dù Pháp đã có hơn 10.000 ca nhiễm mới hôm 12/9, Tổng thống Emmanuel Macron vẫn bác bỏ khả năng tái phong tỏa toàn quốc sau khi nước này chứng kiến GPD sụt giảm 14% trong quý II, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc “sống chung với virus”.
Ở châu Á, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã dựa vào hệ thống truy vết và giám sát kỹ thuật số tinh vi ngay từ đầu đại dịch để ngăn những tác động nghiêm trọng của dịch bệnh tới đời sống hằng ngày. Trong số các nền kinh tế phát triển, Đài Loan là trường hợp duy nhất tránh được suy thoái kinh tế, trong khi GDP Hàn Quốc đã sụt giảm 3,3% trong quý II, thấp hơn rất nhiều so với các nền kinh tế phát triển khác.
Ông Cho Sung-il, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học quốc gia Seoul bình luận: “Rất khó có thể dự đoán kết quả của các biện pháp khác nhau. Các phản ứng ngắn hạn không thể tạo ra một tương lai tốt đẹp, do vậy cần phải có một tầm nhìn dài hạn hơn. Nếu không, cái giá phải trả sẽ rất đắt, nhưng rồi chúng ta sẽ tìm ra giải pháp”.
Ông Johan Giesecke, cố vấn dịch tễ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chính phủ Thụy Điển cho rằng, sẽ mất ít nhất một năm, thậm chí là 5 năm để đánh giá được sự thành công của các chiến lược phòng dịch khác nhau ở mỗi nước.
Tác động trái chiều
Mới đây, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo: “Trong khi vẫn còn quá sớm để đánh giá những tác động đầy đủ của lệnh phong tỏa và các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nhưng các biện pháp này có thể đã đẩy 132 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh đói nghèo”.
Ấn Độ - quốc gia ghi nhận 4.85 triệu ca nhiễm, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ, và 80.000 ca tử vong, đang thúc đẩy việc mở cửa nền kinh tế sau khi GDP nước này giảm 24% kể từ khi áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc hồi tháng Ba. Khoảng 9/10 trong số 63 triệu doanh nghiệp nhỏ trên toàn quốc đã hoạt động trở lại từ tháng trước, mặc dù 3/4 trong số đó chưa đạt được một nửa sản lượng so với trước thời gian phong tỏa.
Tại Philippines, nơi GDP đã giảm 16,4% sau khi thủ đô Manila bị áp đặt lệnh phong tỏa hồi tháng Ba, các nhà chức trách tiếp tục nới lỏng hạn chế, bất chấp có tới 3000-4000 ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày.
Tháng trước, Tổng thống Rodrigo Duterte đã cho phép nối lại hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp, khi chính quyền của ông cam kết một loạt biện pháp mới để kiểm soát virus dựa trên nỗ lực cải thiện xét nghiệm và truy vết. Hôm 14/9, các phương tiện giao thông công cộng đã được hoạt động trở lại, bất chấp những cảnh báo từ chuyên gia y tế rằng virus có thể lây lan ngoài tầm kiểm soát.
Tại Indonesia, một trong những nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới, Thống đốc của Jarkarta Anies Baswedan ngày 14/9 đã tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội ở thủ đô trong vòng 2 tuần, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế.
Các biện pháp, bao gồm đóng cửa địa điểm công cộng và nơi làm việc không thiết yếu, được đưa ra sau khi Jakarta ghi nhận 1.380 ca nhiễm mới hôm 13/9. Dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp tại Indonesia khi quốc gia này đã có hơn 9.000 người tử vong vì Covid-19, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.