Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu chụp ảnh trước khi tham dự Hội nghị phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự sự kiện, về phía Việt Nam có ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)… đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố Trung ương, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal.
Về phía khách mời và đối tác quốc tế có các Đại sứ, Đại biện, cơ quan quản lý Halal của 50 nước trên thế giới với hơn 600 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Hội nghị Halal là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất về Halal lần đầu tiên được tổ chức kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” ngày 14/2/2023.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong nhiều năm qua, các sản phẩm và dịch vụ Halal ngày càng phổ biến và được ưa chuộng sử dụng trên toàn cầu, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo. Có được điều này là do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về an toàn thực phẩm, xanh, sạch, phát triển bền vững. Thực tế này mở ra không ít cơ hội cho Việt Nam, quốc gia xuất khẩu đa dạng các sản phẩm trên nhiều lĩnh vực.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ngành Halal Việt Nam ngày càng được quan tâm phát triển, đặc biệt, năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm Halal Việt Nam.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài nước để xây dựng hệ sinh thái Halal Việt Nam bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Việt Nam mong muốn được hợp tác với các đối tác để xây dựng ngành Halal Việt Nam ngày càng vững mạnh.
TS. Mohamed Jinna, Chủ tịch Cơ quan chứng nhận Halal Ấn Độ. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Phát biểu tại sự kiện, TS. Mohamed Jinna, Chủ tịch Cơ quan chứng nhận Halal Ấn Độ, cho hay, nền kinh tế Halal toàn cầu trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD, mang lại cơ hội vô cùng lớn cho tăng trưởng kinh tế, mở rộng thương mại và thu hút đầu tư.
Đánh giá cao Việt Nam trong việc tạo ra các nền tảng cho hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực Halal, TS. Mohamed Jinna khẳng định, đây là con đường đầy tầm nhìn mà Việt Nam đã theo đuổi.
Ông nhấn mạnh: “Thật vinh dự và tự hào khi chứng kiến Việt Nam bước vào nền kinh tế Halal toàn cầu với sự quyết tâm và tầm nhìn xa như vậy”.
Để thực sự khai thác tiềm năng của thị trường này, TS. Mohamed Jinna cho rằng, Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về chứng nhận Halal. Các sản phẩm không chỉ cần đáp ứng yêu cầu mà còn cần lấy được lòng tin của người tiêu dùng Hồi giáo trên toàn thế giới.
Chứng nhận Halal là cầu nối giữa Việt Nam và cộng đồng Hồi giáo toàn cầu - một cầu nối dẫn đến hoạt động thương mại, quan hệ đối tác và đầu tư chưa từng có.
Chủ tịch Cơ quan chứng nhận Halal Ấn Độ nhận thấy, một trong những cơ hội thú vị đối với Việt Nam nằm ở du lịch Halal. Khi thị trường du lịch Hồi giáo tiếp tục tăng trưởng, dự kiến đạt 300 tỷ USD vào năm 2026, Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành điểm đến hàng đầu cho khách du lịch Hồi giáo.
Để tận dụng cơ hội này, một điều cần thiết là ngành du lịch Việt Nam phải áp dụng và thực hiện các tiêu chuẩn Halal.
“Các khách sạn, nhà hàng và cơ sở du lịch phải được trang bị để phục vụ những nhu cầu đặc biệt của du khách Hồi giáo - cung cấp thực phẩm Halal, nơi cầu nguyện và một môi trường thân thiện. Thông qua đó, Việt Nam không chỉ có thể tăng thị phần của mình trên thị trường du lịch Hồi giáo toàn cầu mà còn nâng cao danh tiếng như một điểm đến thân thiện với Halal, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua lĩnh vực có tiềm năng lớn này”, ông Mohamed Jinna gợi ý.
Vị TS này khẳng định, với các chiến lược đúng đắn, Việt Nam có thể trở thành trung tâm lớn cho thương mại, du lịch và đầu tư Halal, đóng góp đáng kể vào hệ sinh thái Halal toàn cầu. Đây là thời điểm then chốt - thời điểm đòi hỏi sự hợp tác, đổi mới và cam kết không ngừng về sự xuất sắc.
Ông Mohamed Jinna nói: “Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một tương lai, trong đó, Việt Nam dẫn đầu trong thương mại và đầu tư Halal, hưởng lợi từ tiềm năng to lớn của thị trường năng động này. Con đường phía trước đầy cơ hội và tôi tin tưởng rằng, thông qua những nỗ lực chung, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm trong nền kinh tế Halal của khu vực”.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Về tiềm năng thị trường Halal của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và triển vọng hợp tác với Việt Nam, ông Moteb Al-Mezani, Chủ tịch Trung tâm Chứng nhận Halal GCC cho rằng, từ lâu, GCC đã quan tâm tới chứng nhận Halal. Trung tâm Chứng nhận Halal GCC có hệ thống chuẩn hóa để đảm bảo các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn phù hợp với người Hồi giáo.
Ông Moteb Al-Mezani, Chủ tịch Trung tâm Chứng nhận Halal GCC phát biểu. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ông Moteb Al-Mezani nhận định, chứng nhận Halal là một minh chứng cho thấy sự hoạt động hiệu quả trong thị trường Hồi giáo. Trung tâm Chứng nhận Halal GCC có năng lực tốt và cung cấp rất nhiều sản phẩm ra thị trường Halal thế giới, đảm bảo quy chuẩn của thị trường này. Sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sẽ được thâm nhập tất cả các thị trường Halal trên thế giới.
Chia sẻ về Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Chứng nhận Halal GCC Moteb Al-Mezani nhận thấy, hiện đất nước đang rất quan tâm đến thị trường Halal. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy chặt chẽ để phát triển thị trường này. Trung tâm Chứng nhận Halal GCC đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.
Tiến sỹ Yousif S.AlHarbi, Phó Chủ tịch Trung tâm Halal Saudi Arabia, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia (SFDA) phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Yousif S.AlHarbi, Phó Chủ tịch Trung tâm Halal Saudi Arabia, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia (SFDA) nhấn mạnh, việc thành lập Cơ quan Chứng nhận Halal Việt Nam (HALCERT) là một cột mốc quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế Halal toàn cầu. Bằng cách áp dụng chứng nhận Halal, Việt Nam khẳng định mình là nguồn cung cấp sản phẩm Halal được chứng nhận đáng tin cậy, mở ra cơ hội mới cho các nhà sản xuất Việt Nam trên thị trường quốc tế. Sáng kiến này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực Halal mà còn góp phần vào thành công chung của nền kinh tế hướng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông, mặc dù các tiêu chuẩn Halal có thể tương đối mới đối với Việt Nam, nhưng các giá trị cốt lõi mà chúng đại diện - sự tinh khiết, tính đạo đức và tôn trọng thiên nhiên - đã bén rễ sâu trong văn hóa Việt Nam. Câu nói “Ăn sạch, sống khỏe” của người Việt hoàn toàn phù hợp với bản chất của Halal: đảm bảo rằng những gì chúng ta tiêu thụ vừa tinh khiết, vừa có lợi cho sức khỏe và tinh thần chúng ta. Sự phù hợp về các giá trị này mang đến cho Việt Nam một cơ hội tuyệt vời để lồng ghép các nguyên tắc Halal và mở rộng các sản phẩm của mình trên thị trường toàn cầu.
Phó Chủ tịch Trung tâm Halal Saudi Arabia tái khẳng định cam kết của Saudi Arabia trong việc hợp tác với Việt Nam để phát triển hệ sinh thái Halal mạnh mẽ.
TS. Yousif S.AlHarbi khẳng định: “Việt Nam đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng Halal toàn cầu. Với nguồn tài nguyên dồi dào, vị trí địa lý chiến lược và cam kết về chất lượng, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để trở thành một trung tâm lớn cho các thành phần và sản phẩm được chứng nhận Halal. Chúng tôi tin tưởng rằng, Saudi Arabia và Việt Nam có thể cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái Halal thịnh vượng không chỉ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia mà còn đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng và bền vững của nền kinh tế Halal toàn cầu”.
Ông Ihsan ÖVÜT, Tổng thư ký Viện Tiêu chuẩn các quốc gia Hồi giáo (SMIIC). (Ảnh: Tuấn Anh) |
Bày tỏ vinh dự khi có mặt tại Hội nghị Halal quốc tế đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, ông Ihsan ÖVÜT, Tổng thư ký Viện Tiêu chuẩn các quốc gia Hồi giáo (SMIIC) cho hay, ngành công nghiệp Halal đang mở ra nhiều cơ hội to lớn cho Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, do nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ được chứng nhận Halal đang tăng lên nhanh chóng.
Bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn Halal trong hoạt động du lịch, Việt Nam sẵn sàng mở rộng cửa để đón tiếp nhiều đối tượng khách du lịch hơn, nhất là du khách từ các quốc gia Hồi giáo. Từ đó, Việt Nam định vị mình như một điểm du lịch hấp dẫn và tôn trọng các nhu cầu văn hóa và tôn giáo trên thế giới.
Không chỉ dừng lại ở du lịch, ông Ihsan ÖVÜT đánh giá, nền kinh tế Halal còn mang đến cho Việt Nam nhiều tiềm năng chưa được khai thác trong các lĩnh vực khác như thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Tuy nhiên, lợi ích từ ngành công nghiệp Halal chỉ có thể được phát huy toàn diện khi chúng ta áp dụng các tiêu chuẩn chung và tuân thủ các quy trình kiểm định của chứng nhận Halal. Đây là lúc vai trò của SMIIC trở nên quan trọng.
“Chúng tôi cũng đang có những dự án tiêu chuẩn về nhiều vấn đề khác trong ngành Halal như tiêu chuẩn về dịch vụ cung cấp bữa ăn Halal trên tàu, cảng chuỗi cung ứng Halal, nhận dạng sản phẩm chứa thịt heo, bao bì Halal, spa chăm sóc sức khỏe theo dịch vụ du lịch Halal, du lịch y tế Halal, đạo đức và giá trị Hồi giáo trong hệ thống quản lý Halal... Những tiêu chuẩn này đều sẽ sớm được công bố tới người tiêu dùng trong thời gian sắp tới”, Tổng thư ký SMIIC giới thiệu.
Ông nói: “Hội nghị Halal đã cho chúng ta thấy rõ cam kết của Việt Nam trong nỗ lực xây dựng một ngành công nghiệp Halal toàn diện và bền vững. Với sự nỗ lực kết nối các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế liên quan và đại diện các chính phủ, chúng ta đang dần hình thành những mối quan hệ hợp tác trong tương lai, giúp củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ Halal toàn cầu.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn Halal thống nhất chắc chắn sẽ hỗ trợ nhiều cho Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế, khuyến khích đổi mới sáng tạo và mở ra một kỷ nguyên mới của quan hệ đối tác toàn cầu”.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã chứng kiến 5 lễ trao văn kiện hợp tác, bao gồm: Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia Việt Nam và Cơ quan Chứng nhận Halal Hàn Quốc; Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia Việt Nam và Trung tâm Chứng nhận Halal châu Âu; Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia Việt Nam và Học viện Halal thuộc Công ty Nguồn lực GAE Malaysia; Trung tâm Chứng nhận Halal Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Văn phòng Công nhận Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ); và Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh.
Thị trường Halal toàn cầu có quy mô, tiềm năng lớn và đa dạng về lĩnh vực. Số lượng tín đồ Hồi giáo năm 2024 đạt khoảng 2,02 tỷ người, chiếm gần 25% dân số thế giới và dự báo sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ người vào năm 2050. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu được dự báo đạt 10 nghìn tỷ USD trước năm 2028. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp các châu lục trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường. Về phía Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Đề án đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam một cách toàn diện, giúp các doanh nghiệp Việt tham gia sâu, hiệu quả vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu. |