Ông Miran Ismael, Giám đốc Trung tâm chứng nhận Halal châu Âu (ECC Halal) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Halal chất lượng cao. (Ảnh: Anh Sơn) |
Ngày 22/10, ông Miran Ismael, Giám đốc Trung tâm chứng nhận Halal châu Âu (ECC Halal) trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam bên lề Hội nghị Halal “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững”.
Theo ông, đâu là những lợi thế và tiềm năng then chốt giúp Việt Nam vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Halal hàng đầu thế giới? Từ đó, Việt Nam cần khai thác những yếu tố nào để đạt được vị thế này, cũng như để vượt qua các thách thức trong hành trình tham gia vào chuỗi cung ứng Halal toàn cầu?
Tôi đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Halal.
Trước hết về cơ hội, nhu cầu toàn cầu về sản phẩm Halal chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Dân số Hồi giáo gia tăng, dự kiến chiếm gần 30% dân số toàn cầu vào năm 2050. Sản phẩm Halal không chỉ giới hạn ở thực phẩm mà còn bao gồm mỹ phẩm, dược phẩm và logistics. Việt Nam có thể tận dụng nhu cầu này bằng cách định vị hình ảnh quốc gia như một trung tâm sản xuất đạt chứng nhận Halal.
Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi tại Đông Nam Á, gần các thị trường Hồi giáo lớn như Indonesia và Malaysia, cũng như các quốc gia Trung Đông. Từ đó, Việt Nam có thể thuận lợi tận dụng mạng lưới logistics để dễ dàng tiếp cận các thị trường đang phát triển này.
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng nông sản lớn trên thế giới, với các mặt hàng nổi tiếng như gạo, cà phê, thủy sản và gia vị. Vì vậy, Việt Nam có thể đa dạng hóa và mở rộng danh mục xuất khẩu bằng việc phát triển hơn nữa các "phiên bản" được chứng nhận Halal của những sản phẩm này. Chẳng hạn, ngành thủy sản của Việt Nam, vốn đã có vị thế mạnh trên thị trường toàn cầu, nếu có thể đạt được chứng nhận Halal, chắc chắn sẽ thu về càng nhiều lợi ích.
Ngoài ra, uy tín của Việt Nam về sản xuất chất lượng cao cũng là cánh cửa dẫn tới thị trường tiềm năng này. Việt Nam từ lâu đã nổi lên như một trung tâm sản xuất toàn cầu trên nhiều lĩnh vực khác nhau như điện tử, dệt may… tạo dựng danh tiếng về sản xuất chất lượng cao với chi phí cạnh tranh. Chuyên môn này cũng có thể được mở rộng sang nhiều sản phẩm Halal, với các quy trình cần thiết để đảm bảo tuân thủ quy định khắt khe của Hồi giáo.
Tin liên quan |
Chung tay ‘mở khóa’ tiềm năng thị trường Halal Việt Nam |
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tồn tại nhiều thách thức cần suy xét và khắc phục để có thể đạt được mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal. Tôi nhận thấy, nhân lực Việt Nam còn thiếu nhận thức và chuyên môn về lĩnh vực này. Để nắm bắt toàn diện thị trường Halal, Việt Nam cần phát triển hơn nữa kiến thức chuyên môn trong các quy trình sản xuất Halal và hiểu rõ sở thích của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh từ các quốc gia như Malaysia, Indonesia và Thái Lan, vốn đã hiện diện mạnh mẽ trên thị trường Halal toàn cầu. Việt Nam sẽ cần định vị nét riêng cho những sản phẩm của mình và thiết lập các quan hệ đối tác để cạnh tranh hiệu quả. Hay thậm chí, Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi xây dựng niềm tin ở các thị trường mới.
Việc thiết lập uy tín và niềm tin là điều tối quan trọng trong thị trường Halal, vốn là nơi người tiêu dùng có những kỳ vọng mạnh mẽ về tôn giáo và văn hóa. Là quốc gia không có đa số dân Hồi giáo, Việt Nam có thể gặp phải sự hoài nghi lúc ban đầu và việc giành được niềm tin ở các thị trường có đa số dân Hồi giáo diễn ra chậm hơn. Chính vì vậy, thiết lập quan hệ đối tác bền chặt với các cơ quan cấp chứng nhận, cũng như nỗ lực tiếp thị hướng tới người tiêu dùng Hồi giáo là điều cần thiết để vượt qua trở ngại này.
Khi giải quyết những thách thức này và tận dụng thế mạnh trong nông nghiệp, sản xuất và thương mại, Việt Nam sẽ càng có nhiều cơ hội hơn nữa để khẳng định vai trò là nhân tố quan trọng trong thị trường Halal toàn cầu.
Ông nhận định như thế nào về hiệu quả của các sáng kiến và chính sách hỗ trợ phát triển ngành Halal được Chính phủ Việt Nam ban hành? Theo ông, cần có những điều chỉnh hoặc sáng kiến gì để tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường Halal quốc tế và đâu là những yếu tố quyết định để các nỗ lực này đạt được thành công bền vững?
Tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã nhận ra tiềm năng của ngành Halal và chủ động tiếp cận để phát triển ngành này. Chính phủ đã nỗ lực nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn Halal cho các doanh nghiệp, tổ chức nhiều hội thảo và hợp tác với những cơ quan cấp chứng nhận Halal.
Về phương diện ngoại giao kinh tế và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia vào các phái đoàn thương mại và nhiều hội chợ thương mại Halal để tăng cường quan hệ với thị trường có đa số dân Hồi giáo. Động thái này vô cùng quan trọng để mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Halal.
Chính phủ Việt Nam cũng tích cực khuyến khích xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường Halal. Các chính sách của Việt Nam tập trung thúc đẩy sản phẩm Halal như một phần trong chiến lược đa dạng hóa xuất khẩu, đồng thời khai thác các thị trường đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á và Trung Đông.
Theo tôi, Việt Nam bước đầu đã đặt nền tảng cho sự phát triển của ngành Halal, đặc biệt thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức và tham gia vào các hoạt động ngoại giao. Tuy nhiên, cần phải thực thi chính sách nhanh hơn, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp... để "mở khóa" đầy đủ tiềm năng của Việt Nam trên thị trường Halal toàn cầu.
Hiện nay, dân số Hồi giáo toàn cầu gia tăng và xu hướng tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm minh bạch về nguồn gốc và chất lượng, nhu cầu về sản phẩm Halal đang có những biến chuyển rõ rệt. Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi trong nhu cầu này, đặc biệt là ở các thị trường phi Hồi giáo? Liệu rằng những xu hướng quan trọng nào sẽ định hình nhu cầu về sản phẩm Halal trong tương lai, cũng như các yếu tố nào sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường này trên toàn cầu, thưa ông?
Trong thập niên qua, nhu cầu về sản phẩm Halal phát triển nhanh chóng và được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố về nhân khẩu học, kinh tế và văn hóa.
Đầu tiên phải kể đến sự gia tăng mạnh mẽ của dân số Hồi giáo trên thế giới. Năm 2023, có khoảng 1,9 tỷ người Hồi giáo và dự kiến chạm mốc gần 3 tỷ người vào năm 2050, chiếm khoảng 30% dân số toàn cầu. Sự tăng trưởng nhân khẩu học này là một trong những yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu về sản phẩm Halal. Phần lớn người Hồi giáo tuân theo các nguyên tắc về ăn uống và lối sống do đạo Hồi quy định, đòi hỏi các sản phẩm như thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm và dược phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn Halal.
Tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo cũng là yếu tố quan trọng định hình cục diện thị trường Halal hiện nay. Nhiều quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo, đặc biệt là ở Đông Nam Á (Indonesia và Malaysia), Trung Đông (Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) và châu Phi (Ai Cập và Nigeria), đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nền kinh tế. Khi thu nhập tăng lên, chi tiêu của người tiêu dùng cho các sản phẩm Halal cũng tăng, đặc biệt là với những lĩnh vực như thực phẩm, làm đẹp và dược phẩm.
Hay nhu cầu về sản phẩm Halal của người tiêu dùng không phải Hồi giáo cũng tăng lên. Các sản phẩm Halal ngày càng trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng ngoại đạo, bởi chúng được sản xuất trong quy trình “đạo đức” và đảm bảo chất lượng do quy định nghiêm ngặt về vệ sinh và phúc lợi động vật. Xu hướng này đặc biệt mạnh mẽ ở châu Âu và Bắc Mỹ, vốn là nơi nhu cầu về các sản phẩm có nguồn gốc và hữu cơ ngày càng tăng lên.
Về xu hướng tương lai trong nhu cầu sản phẩm Halal, tôi dự đoán rằng thị trường này sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa, đặc biệt ở các quốc gia không có đa số dân là người Hồi giáo ở châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á. Khi nhận thức toàn cầu về tiêu chuẩn Halal gia tăng và người tiêu dùng không phải Hồi giáo ngày càng quan tâm đến các sản phẩm có đạo đức và chất lượng cao, các sản phẩm được chứng nhận Halal sẽ “tìm thấy bản thân” ở các thị trường lớn hơn trong những khu vực này.
Đặc biệt, ngành công nghiệp dược phẩm và mỹ phẩm Halal dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ, trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty đầu tư vào các công thức được chứng nhận Halal. Người tiêu dùng Hồi giáo luôn yêu cầu khắt khe về các sản phẩm Halal trong việc chăm sóc cá nhân và dược phẩm, đặc biệt ở những quốc gia có ngành dược phẩm phát triển như Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ phẩm Halal thực sự đang ngày càng phổ biến với người tiêu dùng không phải Hồi giáo, do nhu cầu về các sản phẩm làm đẹp có tính đạo đức, không thử nghiệm trên động vật và đảm bảo an toàn vệ sinh. Chính vì vậy, cả hai lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm Halal đều sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, ở cả thị trường tiêu dùng Hồi giáo và không phải Hồi giáo.
Cuối cùng, các sản phẩm Halal, vốn đề cao việc đối xử nhân đạo với động vật, tính vệ sinh và sự thuần khiết, đặc biệt phù hợp với xu hướng tiêu dùng bền vững, hữu cơ và không thử nghiệm trên động vật. Tôi cho rằng, những sản phẩm được chứng nhận Halal đang được tiếp thị rộng rãi hiện nay thực sự đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về đạo đức và bảo vệ môi trường. Điều này giúp thu hút người tiêu dùng trên toàn thế giới quan tâm hơn đến vấn đề môi trường.
Theo ông, Hội nghị lần này có ý nghĩa gì đối với sự phát triển của ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam và khu vực? Việt Nam nên tận dụng những bước tiến nào được thúc đẩy từ Hội nghị để trở thành một trong những trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng Halal toàn cầu?
Theo tôi, Hội nghị hôm nay có thể tạo ra sự chuyển biến đáng kể cho hệ sinh thái Halal ở địa phương, tăng cường hợp tác khu vực và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho Việt Nam. Sự kiện về ngành công nghiệp Halal này cũng là nền tảng quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp Việt Nam về những cơ hội và thách thức của sản xuất mặt hàng Halal.
Nhiều nhà sản xuất Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, hải sản, mỹ phẩm và dược phẩm, có thể chưa hiểu rõ những yêu cầu cụ thể của thị trường Halal. Vì vậy, thông qua tọa đàm cùng các phiên thảo luận, Hội nghị có thể giúp doanh nghiệp nắm rõ hơn về các tiêu chuẩn Halal và đảm bảo sự tuân thủ nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, các hội nghị Halal thường thu hút sự tham gia của đại diện từ chính phủ, cơ quan chứng nhận và lãnh đạo ngành ở nhiều quốc gia. Chính vì vậy, đây là cơ hội để Việt Nam củng cố các mối quan hệ trong khu vực và quốc tế, từ đó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng phương thức tốt nhất để đạt được chứng nhận, phát triển chuỗi cung ứng và sản phẩm Halal.
Tôi cũng kỳ vọng Hội nghị lần này sẽ thu hút được sự chú ý của những nhà đầu tư nước ngoài muốn khai thác về các sản phẩm Halal toàn cầu. Chi phí sản xuất thấp và nền tảng nông nghiệp vững chắc giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm Halal.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tuyệt vời để quảng bá tiềm năng của Việt Nam ở thị trường Halal rộng lớn. Hội nghị là nơi để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu và quảng bá sản phẩm tới cộng đồng quốc tế, qua đó thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc trở thành đối thủ cạnh tranh trên thị trường Halal toàn cầu.
Nhìn chung, Hội nghị là cầu nối quan trọng để đưa Việt Nam trở thành một trong những nhân tố chính trong thị trường Halal khu vực và toàn cầu.
Xin cảm ơn ông!
| Khai mở thị trường thực phẩm Halal Trung Đông-Bắc Phi Để tiếp cận thị trường Halal khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA), các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải đáp ứng các quy định ... |
| Thị trường Halal - ‘chìa khóa’ mở thêm cánh cửa cho xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam Với quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến sẽ tăng lên 10.000 tỷ USD ... |
| Chính thức khai mạc Hội nghị Halal 'Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững' Chiều 22/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Việt Nam mong muốn phát triển ngành Halal thực sự trở thành một ngành thế mạnh, đưa đất ... |
| Phát huy nội lực và tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam Chiều ngày 22/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự Hội nghị ‘Phát huy nội ... |