Nhà nghiên cứu Wang Jisi nhận định, "chính trị bản sắc" đã tạo cơ sở cho chủ nghĩa dân tộc, phá vỡ sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ. |
Thực tiễn ngày nay
Học giả Wang Jisi cho biết, giới nghiên cứu luôn tìm hiểu về nguyên nhân gốc rễ của căng thẳng Mỹ-Trung Quốc cũng như lý do vì sao Mỹ luôn cố gắng đẩy Trung Quốc vào tình huống phải xoay sở. Đáp án phổ biến nhất là Trung Quốc, với tư cách là một cường quốc đang trỗi dậy nhanh chóng, thách thức vị trí thống trị của Mỹ trên thế giới. Nhận định khác cho rằng, sự khác biệt sâu sắc về hệ tư tưởng và thể chế chính trị đã thổi bùng đối đầu Trung-Mỹ.
Tuy nhiên, đối mặt với thách thức khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, thay vì tăng cường hợp tác y tế công cộng, Trung Quốc và Mỹ lại lao vào cuộc khẩu chiến, “lời qua tiếng lại” về nguồn gốc của virus. Cuộc chiến này không chỉ đơn thuần phản ánh sự chênh lệch giữa lợi ích quốc gia hai bên, sự tranh giành quyền lực hoặc khác biệt về hệ tư tưởng và hệ thống chính trị mà còn nhắc nhở về tầm quan trọng của chính trị bản sắc trong thế giới ngày nay.
Chính trị bản sắc đề cập đến một cách tiếp cận chính trị, trong đó mọi người hình thành các liên kết chính trị xã hội riêng nhằm giải quyết các mối quan tâm và chương trình nghị sự của các nhóm cụ thể, thường được xác định theo chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa... Chính trị bản sắc thường nhằm mục đích giành lại quyền tự quyết và tự do chính trị lớn hơn cho những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Một người thường xác định danh tính bản thân bằng quốc gia xuất xứ của họ. Tuy nhiên, điều đặc biệt đối với cả Trung Quốc và Mỹ là bản sắc lớn hơn quốc gia. Đối với nhiều người trong giới tinh hoa Mỹ, nước Mỹ đại diện cho nền văn minh phương Tây, nền dân chủ và đôi khi là cả cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, giới tinh hoa Trung Quốc thường coi Trung Quốc là đại diện cho nền văn minh phương Đông và coi Trung Quốc là quốc gia có tiếng nói đại diện các nước đang phát triển.
Các biểu hiện rõ ràng
Tin liên quan |
Đối đầu Mỹ-Trung Quốc có nguồn gốc sâu xa |
Sự phân mảnh và hỗn loạn trong chính trị quốc tế và nền kinh tế toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 đã hình thành một nền chính trị làm xói mòn mối quan hệ Trung-Mỹ trong những năm tiếp theo. Một số biểu hiện dưới đây đã xuất hiện rõ ràng trước khi Covid-19 bùng phát và sẽ tiếp tục rõ ràng hơn nữa sau khi cuộc khủng hoảng biến mất.
Thứ nhất, chính trị bản sắc là hệ quả tất yếu của toàn cầu hóa với sự gia tăng bất bình đẳng kinh tế, xã hội trên toàn thế giới, giữa các quốc gia, dân tộc và trong xã hội.
Thứ hai, sự bất bình đẳng ngày càng trầm trọng làm phát sinh chủ nghĩa dân túy. Ở các quốc gia đa sắc tộc như Mỹ, chủ nghĩa dân túy được củng cố bởi một hình thức chủ nghĩa dân tộc có xu hướng đổ lỗi cho các quốc gia khác về những thất bại của chính họ.
Thứ ba, tiến bộ công nghệ là con dao hai lưỡi. Một mặt, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và những cải tiến khác giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Mặt khác, công nghệ cũng là công cụ để định hình nhận thức, kích động tinh thần dân tộc cực đoan, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và xây dựng bức tường giữa các nhóm có bản sắc khác nhau.
Tác động tiêu cực đến toàn cầu
Với những đặc tính trên, chính trị bản sắc gây thêm sự chia rẽ hiện có và sự ngờ vực trong các xã hội và giữa các quốc gia. Do đó, điều này có xu hướng củng cố chủ nghĩa dân tộc ở cả Trung Quốc và Mỹ, làm gián đoạn hơn nữa sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.
Tin liên quan |
Căng thẳng thương mại với Mỹ, Trung Quốc làm cách nào để 'lấy lòng' EU? |
Thông qua lăng kính của nền chính trị bản sắc, đặc biệt là ở Trung Quốc và Mỹ, có thể hiểu rõ hơn về lý do tại sao cạnh tranh chiến lược là điều khó tránh khỏi. Về cơ bản, các giá trị chính trị sẽ tiếp tục mâu thuẫn. Hơn nữa, hai quốc gia sẽ vẫn là những nền văn minh có thể phân biệt rõ ràng, mỗi quốc gia đều tuyên bố đại diện cho tương lai. Lãnh đạo hai nước biết cách sử dụng chính trị bản sắc để đoàn kết chính thể đồng thời chống lại bên còn lại.
Chính trị bản sắc đang thâm nhập sâu vào suy nghĩ của ngày càng nhiều công dân Trung Quốc và Mỹ khi mối quan hệ hai nước đang tồi tệ hơn lúc nào hết. Điều này được lý giải một phần trong cuốn "Cuộc đụng độ giữa các nền văn minh" của Samuel Huntington. Huntington chỉ ra rằng: “Mọi người sử dụng chính trị không chỉ để thúc đẩy lợi ích của họ mà còn để xác định danh tính của họ. Chúng ta chỉ biết mình là ai khi biết mình không phải là ai và thường chỉ khi biết mình chống lại ai”.
Ngày nay, Trung Quốc và Mỹ đang lâm vào một cuộc cạnh tranh lâu dài, gợi nhớ đến Chiến tranh Lạnh. Cuộc cạnh tranh này cũng có thể gây ra tác động sâu rộng hơn nữa đến nền chính trị toàn cầu trong thời kỳ hậu đại dịch, nếu những lời nói ác ý và hành động thù địch vẫn tiếp tục.
| Đối đầu với Trung Quốc gia tăng, Mỹ và Ấn Độ tăng cường quan hệ 4 bên với Nhật Bản, Australia TGVN. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các quan chức chính phủ cấp cao của Mỹ và Ấn Độ ngày 11/9 đã nhất trí tăng ... |
| Giới chuyên gia: Quan hệ Mỹ-Trung hiện đan xen chặt chẽ với nhau TGVN. Giới chuyên gia bác bỏ ý tưởng về một cuộc Chiến tranh Lạnh, nói rằng mối quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc ... |
| Tránh trở thành “con tốt” trong căng thẳng thương mại, sinh viên Trung Quốc chọn Hong Kong du học TGVN. Việc Mỹ ban hành những quy chế thị thực chặt chẽ mới đây đã khiến sinh viên Trung Quốc tìm kiếm cơ hội học ... |