Chỉ trong đợt điều trị này, bé Hoàng Thanh T. cần truyền hàng chục đơn vị khối hồng cầu và tiểu cầu. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên nguồn máu thực sự khan hiếm. (Nguồn: SK&ĐS) |
Khi vừa mới bắt đầu đi học lớp 1 được vài ngày thì bé Hoàng Thanh T. (sinh năm 2013) được chẩn đoán bị ung thư máu. Thay vì được học những chữ cái đầu tiên, được hồn nhiên nô đùa cùng bè bạn, cậu bé phải vào viện truyền hóa chất, phải chịu những mũi tiêm tủy đến người lớn còn sợ hãi. Sau những đợt điều trị tấn công, T. cũng đã đẩy lùi được những tế bào ác tính.
Thế nhưng, trở lại trường học chưa được bao lâu, T. lại phải nhập viện vì ung thư tái phát. Đến nay, cháu đã bị thâm nhiễm vào thần kinh trung ương và cũng không thể truyền hóa chất được nữa mà chỉ có thể điều trị triệu chứng để cầm cự.
Chị Vũ Thanh N., mẹ T. nghẹn ngào tâm sự: “Con đi học 2 năm mà vẫn không hoàn thành xong lớp 1. Ban đầu con thích đi học lắm nhưng đến lớp bị các bạn trêu không có tóc nên con không muốn đến lớp nữa.
Đợt này, có hôm con còn phải sang phòng cấp cứu thở oxy. Hiện giờ con thiếu máu, thiếu cả tiểu cầu nên rất mệt và tôi còn lo con bị xuất huyết. Nhìn con mệt mỏi, đau nhức toàn thân, tôi đau xót lắm”.
Thương con, xót con nhưng không biết làm thế nào, chị N. chỉ biết cố gắng chăm sóc con từng chút một và hy vọng con sớm được truyền hồng cầu, tiểu cầu để có thêm hy vọng chống chọi với bệnh tật.
Nằm cùng phòng bệnh với Hoàng Thanh T. là Ngọc N. (11 tuổi), cô bé đã đi hết bệnh viện này sang bệnh viện khác vì bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Trước đây, con điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhưng đợt này do tình trạng chảy máu quá nặng và khan hiếm máu nên con được chuyển sang Viện Huyết học - Truyền máu TW.
Bà Vũ Thị B, bà của cháu Ngọc N. kể: “Cách đây mấy hôm, tôi hoảng lắm vì máu ộc ra từ mũi cháu và chảy suốt mấy tiếng liền. Tôi thấy cháu cứ bị nghẹn ở cổ, rồi nôn ra một cục máu tụ và còn đi ngoài phân đen. Cho đến khi cháu được truyền tiểu cầu và sang Bệnh viện E nhét gạc cầm máu thì mới đỡ chảy máu mũi”.
Với “thâm niên” gần 2 năm chăm sóc cháu ở các bệnh viện, có lẽ bà không dám nghĩ đến nguy cơ xấu nhất với một người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, đó là xuất huyết não và tử vong.
Những vết bầm tím trên cơ thể bé N. do bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. (Nguồn: SK&ĐS) |
Nhìn cô bé mới 11 tuổi mà trên cơ thể đầy những vết xuất huyết bầm tím, trên mũi vẫn còn chiếc gạc cầm máu, BS. Trần Quỳnh Mai, bác sĩ điều trị cho cháu tại Khoa Bệnh máu trẻ em không khỏi chạnh lòng: “Khi cháu nhập viện tiểu cầu chỉ còn dưới 10 G/l. Tình trạng xuất huyết rất nặng còn dẫn đến thiếu máu khiến cháu mệt mỏi, không đủ máu nuôi dưỡng cơ thể. Chúng tôi đã điều trị tích cực và xin dự trù khối tiểu cầu, khối hồng cầu gấp cho cháu.
Nhưng hiện nay nguồn máu thực sự khan hiếm nên tôi rất mong cộng đồng tích cực tham gia hiến máu để chúng tôi có đủ chế phẩm máu điều trị cho người bệnh”.
Tháng 6, tháng khởi đầu bởi ngày Quốc tế thiếu nhi, tháng của Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6, Viện Huyết học – Truyền máu TW khẩn thiết kêu gọi cộng đồng cùng giang cánh tay hiến máu để “giữ nhịp đập trái tim” của những em bé đang cần máu.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tháng 5, lượng máu tiếp nhận chỉ bằng 30% so với kế hoạch. Đã có gần 70 lịch hiến máu với dự kiến tiếp nhận 25.000 đơn vị máu bị hoãn, hủy. Trong khi Viện là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp máu cho 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với diện bao phủ là 40 triệu dân. Viện Huyết học – Truyền máu TW khẩn thiết kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tích cực đến hiến máu, hiến tiểu cầu để chung sức giữ nhịp đập trái tim của những người bệnh đang cần máu. Các địa điểm hiến máu: Viện Huyết học – Truyền máu TW: tại tầng 2, Khoa Tiếp nhận máu (Phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội), từ 8h đến 20h tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ). Các điểm hiến máu cố định tại Hà nội: từ 8h – 12h và 13h30 – 17h tất cả các ngày. Vui lòng đến trước giờ kết thúc 45 phút để đăng ký và kiểm tra sức khỏe trước hiến máu. - 26 Lương Ngọc Quyến, Hoàn Kiếm - 132 Quan Nhân, Thanh Xuân - Số 10, Ngõ 122 Đường Láng, Đống Đa |