Masan Resources hiện đang sở hữu 100% dự án mỏ Núi Pháo (mua lại từ đối tác ngoại vào năm 2010) tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Dự án thực hiện trên diện tích 720ha có tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10.019 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thực tế là trên 13.000 tỷ đồng (tương đương gần 600 triệu USD). Các sản phẩm của Dự án bao gồm vonfram, fluorit, bismut và đồng. Trữ lượng của mỏ Núi Pháo đã được khảo sát thăm dò tỉ mỉ và được Hội đồng trữ lượng khoáng sản Quốc gia công nhận, với khoáng sản chính là vonfram, có trữ lượng trên 66 triệu tấn được chế biến để sản xuất các sản phẩm vonfram với hàm lượng 60%, florit cấp acid 97%, xi măng bismut 70%, và tinh quặng đồng >22%. Lực lượng lao động của Dự án là 1.924 người, trong đó có 1.185 nhân viên được tuyển dụng trực tiếp bao gồm 121 chuyên gia, kỹ thuật viên là người nước ngoài và 739 nhân viên thuộc các nhà thầu. Đây là một lực lượng lao động đa dạng bao gồm tám dân tộc của Việt Nam, 16 quốc tịch, và 23% là lao động nữ. Thu nhập bình quân đạt 9,7 triệu đồng/người/tháng. Ngày 30/7/2013, dự án Núi Pháo đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản mỏ, lắp đặt chạy thử nhà máy, sản xuất những tấn sản phẩm đầu tiên.
Đến hết năm 2014, doanh thu trong nước và xuất khẩu của mỏ Núi Pháo đạt trên 200 triệu USD, nộp ngân sách Trung ương và địa phương đạt trên 700 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2015 vừa qua, dự án mỏ Núi Pháo cũng đã bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) trên 98% diện tích của năm khu vực khai thác và sản xuất chính. Dự án đã thanh toán trên 13.000 tỷ đồng cho GPMB, tái định cư, mua sắm thiết bị, lắp đặt nhà máy, đầu tư xây dựng nhà máy tinh luyện vonfram công nghệ cao, xây dựng bãi thải và các công tác vệ sinh môi trường, an sinh xã hội. Dự án cũng đã tạm ứng trước trên 60 tỷ đồng (3 triệu USD) ủng hộ tỉnh Thái Nguyên để phục vụ công tác an sinh xã hội. Theo cam kết, ngoài việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, mỏ Núi Pháo sẽ ủng hộ tỉnh Thái Nguyên mỗi năm 1 triệu USD từ khi có sản phẩm cho cả vòng đời dự án. Cần nhắc lại một chi tiết, thời điểm Masan Resources mới mua lại dự án Núi Pháo, việc triển khai được xem là một thách thức cực lớn khi cơn bão suy thoái quét qua toàn cầu, những kết quả nêu trên là con số biết nói, xóa tan những lo lắng nghi ngại ban đầu. Tập đoàn Masan không chỉ thể hiện năng lực phát triển dự án mà còn có khả năng triển khai dự án tuân thủ theo các tiêu chuẩn tốt nhất thế giới.
Việc dự án Núi Pháo đi vào vận hành là một cột mốc quan trọng có ý nghĩa quốc tế vì Núi Pháo là mỏ vonfram mới đầu tiên trên thế giới chính thức đi vào hoạt động trong vòng 15 năm qua, với ưu điểm là một trong những nhà máy Vonfram có chi phí sản xuất thấp nhất thế giới. Dự án Núi Pháo đã đảm bảo an toàn lao động kể từ khi bắt đầu xây dựng và đạt thành tích hơn 7,5 triệu giờ làm việc mà không có tai nạn thương vong. Dự án Núi Pháo đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và cộng đồng địa phương. Đến cuối năm 2014, Dự án đã tuyển dụng và đào tạo 950 người lao động địa phương (chiếm 38% tổng lực lượng lao động tại mỏ Núi Pháo, kể cả các nhà thầu). Có bốn doanh nghiệp đã được thành lập tại chỗ trong các chương trình phục hồi kinh tế cộng đồng của Dự án. Do đó, Dự án đã được ghi nhận vì những đóng góp vào phát triển cộng đồng. Năm 2014, Dự án đã được nhận giải thưởng "Xuất sắc tại châu Á - Thái Bình Dương" do tạp chí Asia - Pacific Economic Review trao tặng căn cứ vào sự đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Nhờ hoạt động bảo vệ môi trường tích cực, Núi Pháo đã được trao giải thưởng "Thương hiệu Xanh" từ Tạp chí Kinh tế và Dự án thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đầu năm 2015, Dự án cũng mới nhận được Giải thưởng "Tăng trưởng Xanh" từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Được Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế tặng bằng khen vì thành tích chấp hành pháp luật thuế, được UBND tỉnh Thái Nguyên tặng thưởng Bằng khen và danh hiệu "Doanh nghiệp xuất sắc" năm 2014.
Có thể thấy, khi Masan Resources đưa cổ phần vào giao dịch tại UPCoM, thị trường rõ ràng đã có thêm một hàng hóa tốt, ở vị thế đầu ngành, nhà đầu tư (NĐT) có thêm những sự lựa chọn, còn cổ đông hiện hữu sẽ có thanh khoản. Đồng thời, Masan Resources có tiềm năng trở thành một cổ phiếu có cổ tức tiền mặt cao với kế hoạch chia cổ tức tương đương 50% thu nhập mỗi năm. Đặc biệt, cổ tức dự kiến được tính bằng USD, công cụ phòng vệ trước rủi ro trượt giá của VND. Trở lại với câu chuyện Masan Resources đã được định giá lên đến 500 triệu USD cách đây năm năm. Đó là thời điểm mà dự án Núi Pháo chưa hình thành như bây giờ.
Sắp tới, khi nhà máy Núi Pháo tiếp tục tạo ra nguồn thu lớn, góp phần gia tăng nguồn thu cho toàn Tập đoàn Masan thì nhiều khả năng, mức định giá của Masan Resources sẽ có những thay đổi lớn theo hướng tích cực. Một điều cũng đáng phải nhắc đến là việc niêm yết Masan Resources cũng sẽ giúp các NĐT hiểu rõ hơn về hoạt động của toàn Tập đoàn Masan. Người ta đã biết khá rõ về kết quả hoạt động các ngành nghề của Masan như tiêu dùng, đồ uống, thức ăn chăn nuôi, ngân hàng và nay đến lượt ngành tài nguyên-khoáng sản được niêm yết cũng đồng nghĩa với các thông tin sẽ được phổ biến một cách rộng rãi hơn nữa đến các NĐT đại chúng.
Để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm cũng như chuẩn hóa các quy trình chế biến vonfram, Masan Resources cũng đã chủ động tìm kiếm và liên doanh với Tập đoàn công nghệ luyện kim công nghệ cao hàng đầu thế giới H.C. Starck của CHLB Đức. Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C. Starck là công ty liên doanh giữa Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (thuộc Masan Resources) và H.C. Starck. Công ty Núi Pháo chịu trách nhiệm cung cấp (bán nguyên liệu) đầu vào WO3 60% cho Công ty Liên doanh. Công ty Núi Pháo góp 51% vốn điều lệ và Tập đoàn H.C. Starck góp 49%. Tập đoàn này cam kết chuyển giao công nghệ tinh luyện vonfram và bao tiêu sản phẩm sau tinh luyện. Công ty Núi Pháo và H.C. Starck đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng và hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt đưa vào vận hành thử từ quý IV/2014 và hoàn thiện ngày 15/2/2015 Nhà máy chế biến sâu Vonfram công nghệ cao với sản phẩm tinh luyện trên 90% với sản phẩm chế biến sâu là APT (Ammonium paratungstate), BTO (Oxit vonfram xanh) và YTO (Oxit vonfram vàng). Việc hình thành liên doanh chế biến sâu với công nghệ cao vonfram được Chính phủ, các Bộ, UBND tỉnh Thái Nguyên biểu dương, ủng hộ và được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao. Việc chế biến các sản phẩm vonfram đã tạo điểm nhấn cho ngành công nghiệp chế biến khoáng sản tại Việt Nam và khu vực với công nghệ cao, tinh luyện vonfram, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, tận thu, giảm thiểu lãng phí tài nguyên do xuất khẩu thô. Với trữ lượng vonfram được đánh giá đứng thứ hai thế giới, trữ lượng florit đứng thứ nhất thế giới, Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo phấn đấu là hình mẫu về khai thác, ứng dụng công nghệ cao và môi trường. Hiện tại, thị phần của Masan Resources đối với Vonfram chiếm khoảng 33% thị trường ngoài Trung Quốc, dự tính trong tương lai không xa, với việc đầu tư tìm kiếm khai thác mở rộng thêm, Masan Resounces có khả năng sẽ chiếm tới hơn 50% thị phần. Masan Resources đang được biết đến là nhà cung cấp sản phẩm vonfram tinh luyện, florit hàng đầu thế giới, ghi tên Việt Nam trên bản đồ khoáng sản thế giới, với tôn chỉ hành động cao cả của Masan Resources "Cùng nhau thực hiện niềm tin Việt Nam".
Bài và ảnh: Thắng Văn