TIN LIÊN QUAN | |
Dịch Covid-19: Tiểu bang Australia cho du học sinh rút 'lương hưu' sớm | |
Đại học Mỹ dừng các lớp học trực tiếp sau khi giảng viên nhiễm Covid-19 |
Học sinh lớp 12 tại Hà Nội sẽ làm bài khảo sát trực tuyến. |
Theo thông báo, từ ngày 29/5-31/5, học sinh lớp 12 trên toàn Thành phố Hà Nội sẽ tham gia kỳ thi thử Tốt nghiệp THPT do Sở GD-ĐT tổ chức, hình thức thi trực tuyến, các bài thi có hình thức trắc nghiệm khách quan.
Mỗi học sinh THPT sẽ làm 3 bài kiểm tra, trong đó có 2 môn bắt buộc (Toán, Tiếng Anh) và 1 môn tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Cũng theo thông báo của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường sẽ phải ban hành văn bản về công tác giám sát việc thực hiện kiểm tra giám sát, bố trí cán bộ giảng viên, giáo viên làm nhiệm vụ giám sát học sinh kiểm tra, đảm bảo chặt chẽ.
Sở cũng yêu cầu các trường tổng hợp kết quả khảo sát của học sinh sau mỗi đợt kiểm tra, chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phối hợp với cha mẹ học sinh chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất cho học sinh.
Sở yêu cầu sau mỗi lần kiểm tra, khảo sát, các tổ, nhóm chuyên môn của từng đơn vị căn cứ vào kết quả khảo sát, phân tích, tìm ra những điểm yếu, hạn chế của học sinh và có các biện pháp ôn tập củng cố, bổ sung kiến thức kịp thời.
Sở GD-ĐT không bắt buộc sử dụng kết quả này, tuy nhiên các trường có thể dùng điểm này làm điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên, không dùng làm điểm kiểm tra định kỳ theo quy định.
Trước thông báo này, cô Trần Lan Anh, giáo viên dạy Địa lý trường THPT Việt Đức cho biết, trong 2 ngày 24-25/5, trường THPT Việt Đức đã tổ chức cho toàn bộ học sinh khối lớp 12 thi thử nghiệm trực tuyến. Học sinh làm bài thi tại nhà. Cô Lan Anh cho rằng, kiểm tra trực tuyến là hình thức mới, tiện lợi, giúp học sinh tiết kiệm thời gian, không phải tập trung đông người hay di chuyển tới trường, đặc biệt trong điều kiện nắng nóng. Tuy nhiên, cô Lan Anh cũng bày tỏ lo ngại trước việc đảm bảo tính tin cậy của kết quả khảo sát khi học sinh làm bài trực tuyến.
“Nhà trường cần quán triệt để học sinh tự giác, nghiêm túc khi làm bài thi, hiểu được kết quả của đợt khảo sát này không lấy làm kết quả kiểm tra cuối kỳ, định kỳ mà dùng để điều chỉnh phương pháp ôn tập cho học sinh nhằm phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp tới”, giáo viên này cho biết.
Còn theo thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), tại tỏ ra băn khoăn về tính chính xác, nghiêm túc của đợt khảo sát trực tuyến.
“Sở yêu cầu các trường bố trí giáo viên giám sát việc học sinh dự kiểm tra nhưng việc giám sát sẽ như thế nào khi các em làm bài ở nhà, thầy cô không thể đến nhà từng em để theo dõi được. Thầy cô cũng chỉ có thể giám sát thụ động bằng cách hỏi học sinh có tham gia hay không, chứ không có cách nào khác để biết được. Thời gian học trực tuyến vì dịch Covid-19 đã có không ít em “qua mặt” thầy cô bằng cách tắt camera, vậy liệu thi ở nhà các em có trung thực làm bài không, kết quả của đợt khảo sát liệu có chính xác”, giáo viên này bày tỏ lo ngại.
Thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng, Sở tổ chức kiểm tra, yêu cầu giáo viên các trường dựa vào kết quả thi thử để đánh giá, lên kế hoạch ôn tập hiệu quả cho học sinh. Tuy nhiên, nếu kết quả của kỳ thi chưa chính xác, trung thực, giáo viên sẽ rất khó khăn trong việc ôn tập, phân luồng, hướng dẫn học sinh.
Bên cạnh đó, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh cũng băn khoăn về việc đảm bảo điều kiện tham gia làm bài khảo sát của toàn bộ học sinh lớp 12. Để hơn 85.000 học sinh lớp 12 của Hà Nội có đủ điều kiện để làm bài khảo sát vào cùng một thời điểm không dễ bởi còn phụ thuộc vào điều kiện thiết bị (máy tính, điện thoại, máy tính bảng…); mạng điện (có thể xảy ra tình trạng mất điện đột ngột), mạng internet…
Giáo viên này đề xuất không cần thiết tổ chức đến 3 lần kiểm tra khảo sát. “Chỉ nên tổ chức một lần. Quan trọng hơn Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên tổ chức thi khảo sát toàn thành phố một lần trực tiếp, học sinh đến tận trường để làm bài thi như hằng năm để cả thầy và trò đều được tập dượt”, thầy giáo Tùng kiến nghị.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cũng cho rằng mục đích của việc tổ chức khảo sát thực tuyến với học sinh lớp 12 là tốt, song trong điều kiện thời gian đi học của học sinh còn khá ngắn, cần cân nhắc lại việc có cần tổ chức thi trực tuyến nhiều lần tại nhà hay không?
“Hà Nội đưa ra ý tưởng thi trực tuyến có ý tích cực, để học sinh định hình được trong tương lai không chỉ có học mà còn có cả những cuộc thi trực tuyến. Việc này cũng thúc đẩy giáo viên phải nghiên cứu, tìm tòi, sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến, kiểm tra đánh giá trực tuyến, phục vụ mục đích học tập suốt đời, học tập mọi lúc mọi nơi. Nhưng nếu tổ chức trong năm nay có lẽ chưa thực sự phù hợp, bởi từ nay đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, thời gian dạy và học của thầy trò còn rất ngắn. Mục đích của kỳ thi để kiểm tra, đánh giá kiến thức của học sinh, việc này Sở nên giao về cho các trường tự tổ chức, hoặc Sở có thể ra đề, tổ chức kiểm tra bằng hình thức thông thường như thi tốt nghiệp THPT thay vì để học sinh tự thi trực tuyến tại nhà. Hơn nữa, kỳ thi của các em cũng là thi trên giấy, không phải thi trên máy tính. Việc cho học sinh biết thêm những hình thức thi mới là tốt, nhưng không cần thiết ở thời điểm hiện tại, nên để các em tập trung ôn tập”, thầy Bình cho biết.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới GD-ĐT giai đoạn 2016-2021 của Chính phủ cũng cho rằng, việc thi thử là một trong những cách để học sinh tự ôn tập và đánh giá lại kiến thức hiệu quả trước các kỳ thi lớn. Song nếu tổ chức thi trực tuyến ở nhà, mà vẫn yêu cầu giáo viên giám sát sẽ rất khó khả thi.
Thầy Lâm cho rằng, thay vào đó, Sở nên chỉ đạo các trường dành thời gian tổ chức thi trực tiếp tại trường, có sự giám sát của giáo viên, để học sinh làm quen với không khí phòng thi, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trước kỳ thi.
Thầy Lâm cũng băn khoăn rằng không phải học sinh nào cũng có máy tính, đường truyền mạng ổn định. Nhưng nếu tổ chức thi thử online tại trường, các trường cũng rất khó đáp ứng đủ cơ sở vật chất. Do đó, thầy Nguyễn Tùng Lâm đề xuất, Sở GD-ĐT nên chia sẻ các phần mềm chấm thi trắc nghiệm cho các trường, để trường THPT tự tổ chức thi thử trên máy và chấm thi.
“Cần tổ chức sao cho khoa học, có hiệu quả, nếu chỉ tổ chức mang tính hình thức, không kiểm tra được tính hiệu quả, thực chất, thì không cần thiết”, thầy Lâm nhấn mạnh.
| Học viện Ngoại giao công bố 3 phương thức tuyển sinh Đại học năm 2020 TGVN. Ngày 14/5, Học viện Ngoại giao công bố phương thức tuyển sinh hệ Đại học chính quy năm 2020 thông qua 3 phương thức ... |
| Dịch Covid-19: Giải pháp nào cho học trực tuyến? TGVN. Phương pháp học trực tuyến là giải pháp hay, phù hợp trong thời điểm dịch Covid-19 kéo dài và phức tạp như hiện nay, nhưng ... |
| Giáo viên phải khám phá, truyền cảm hứng cho học sinh trong tiết học trực tuyến TGVN. Để đạt được hiệu quả trong dạy học trực tuyến (online), giáo viên phải biết tìm tòi, khám phá và ứng dụng công nghệ thông ... |