Ảnh minh họa. |
Một lần đi công tác, tôi có dịp gặp lại chị Nguyễn Thị Tuyến - người cuối cùng trong làng Hậu Ái, xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) còn theo nghề làm đồ chơi truyền thống. Sau bao nhiêu năm, dù khó khăn nhưng chị vẫn theo đuổi công việc đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẫn mà tổ tiên truyền lại.
Là đời thứ tư của gia đình hành nghề, với những bí quyết qua các thế hệ, đồ chơi Trung thu của nhà chị được khách hàng ưa thích vì luôn được cải tiến về mẫu mã để sinh động và hấp dẫn hơn. Song, kết cấu của những món đồ chơi vẫn được giữ nguyên theo lối cổ như những gì mà các cụ đã dạy. Với chiếc đèn ông sao, toàn bộ các quy trình từ chẻ tre, uốn, ghép, cắt dán họa tiết... đều được chị làm thủ công. Vững chãi và chắc chắn như vậy nên đèn nhà chị Tuyến không cần phải thêm một đoạn tre dài, uốn cong thành hình tròn để cố định như những chiếc đèn ông sao mà mọi người thường thấy. Chơi xong Trung thu năm nay, người ta có thể đem đèn cất đi để đến sang năm.
Đồ chơi truyền thống ngày càng bị mai một bởi sự “tấn công” của đồ chơi “ngoại”. Điều đáng suy nghĩ hơn là những nghệ nhân làm đồ chơi Trung thu cổ cũng không còn cơ hội để sống với nghề hay truyền nghề cho các thế hệ đi sau.
Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng, dù là thời đại nào, trẻ con vẫn rất yêu thích và hứng thú với các loại đồ chơi truyền thống. Tuy nhiên, cái thiếu là không gian sáng tạo và người hướng dẫn. Khi làm đồ chơi dân gian, trẻ em sẽ học được đức tính cần cù, cẩn thận. Đồng thời, chúng sẽ biết yêu quí những giá trị truyền thống của dân tộc. Khi trực tiếp lao động, các em còn được kích thích trí tưởng tượng, biết trân trọng công sức của những người thợ thủ công. Các bậc phụ huynh chắc hẳn sẽ rất vui khi nhìn con em mình say mê cắt dán rồi trầm trồ thích thú với những món đồ tự tay mình làm ra.
Hiện nay, khi mà trẻ em, nhất là các bạn nhỏ ở thành phố thường gắn bó với các thiết bị điện tử và ít trò chuyện với gia đình, bạn bè thì những hoạt động như vậy sẽ có lợi cho việc phát triển tâm lý của trẻ. Các ông bố, bà mẹ cũng đừng quên kể cho con cái nghe sự tích gắn liền với mỗi những chiếc đèn. Có lẽ, vì không hiểu được ý nghĩa nên trẻ con bây giờ mới thờ ơ với các món đồ chơi truyền thống như vậy.
Các lớp nghệ nhân dân gian sẽ dần lùi xa. Là lớp người giao thời giữa cái cũ và cái mới, nhìn lại những món đồ chơi giản dị nhưng đáng quý trong mỗi kỳ Trung thu, chúng ta cần có hành động thiết thực nhằm tiếp thêm hy vọng cho "những người muôn năm cũ" như chị Tuyến.
Nguyên Bảo (Hà Nội)