📞

Chống biến đổi khí hậu: Sự chia rẽ “chưa từng có” trong G7

10:33 | 14/06/2017
Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) diễn ra tại thành phố Bologna, miền Bắc Italy, từ 11 - 12/6 mà không đạt được sự đồng thuận trong Tuyên bố chung về nội dung chống biến đổi khí hậu giữa Mỹ và 6 thành viên còn lại.

Ngoài các thành viên G7 (gồm Italy, Canada, Nhật Bản, Pháp, Anh, Đức và Mỹ), hội nghị có sự tham gia của các ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, Bộ trưởng môi trường 4 nước Chile, Maldives, Ethiopia và Rwanda.

Thỏa thuận Paris là không thể đảo ngược

Diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, nên tại hội nghị, các bộ trưởng đã tập trung thảo luận về những chủ đề quan trọng liên quan đến thách thức đối với môi trường toàn cầu. Đó là, tình hình thực hiện các mục tiêu được ấn định bởi Hiệp định Paris nhằm chống biến đổi khí hậu và Các mục tiêu Phát triển Bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.

Bộ trưởng Môi trường các nước G7 tham gia hội nghị tại Italy, ngày 11-12/6. (Nguồn: Reuters)

Đây cũng là lần đầu tiên, bộ trưởng môi trường các nước G7 thảo luận tại một cuộc gặp của G7 về các chủ đề liên quan giữa kinh tế và môi trường như: Cải cách thuế môi trường; các khoản trợ cấp gây hại môi trường; vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương; tài chính xanh và bền vững.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã thảo luận về các vấn đề truyền thống quan trọng của G7 như “Rác thải trên biển” và “Tính hiệu quả của tài nguyên”. Về chủ đề “Tính hiệu quả của tài nguyên, mục tiêu của Hội nghị là đưa ra “Lộ trình Bologna”, tập trung vào một số vấn đề quan trọng: Các chỉ số về tính hiệu quả của tài nguyên, sự can dự và ý thức của công dân về chất thải từ thực phẩm, phân tích kinh tế về việc sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Phát biểu với báo chí sau ngày làm việc đầu tiên, Bộ trưởng Môi trường Italy Gian Luca Galletti, nước chủ nhà hội nghị tuyên bố, Italy và tuyệt đại đa số các nước đều xem thỏa thuận Paris là “không thể đảo ngược cũng như không thể đàm phán lại”.

“Lập trường trong nhiều vấn đề, đặc biệt là đối với thỏa thuận Paris có thể khác nhau song điều quan trọng là không thể đi lạc hướng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng cần phải duy trì đối thoại, tiếp tục làm việc với nhau dù quan điểm có khác nhau”, ông Gian Luca Galletti nhấn mạnh.

Về quyết định rút khỏi Hiệp định Paris của Mỹ, Bộ trưởng Môi trường Pháp Nicolas Hulot khẳng định, cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu toàn cầu là không thể đảo ngược, thậm chí có thể được đẩy nhanh bất chấp quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris.

Ông Hulot cho biết, các đồng minh của Mỹ quyết tâm không để lập trường gây tranh cãi của ông Trump trong vấn đề khí hậu ảnh hưởng đến sự hợp tác về các vấn đề sinh thái khác. “Khuôn khổ pháp lý duy nhất cho các cuộc đàm phán về vấn đề khí hậu chính là hiệp định và những mục tiêu đã được ấn định ở Paris. Chắc chắn Hiệp định Paris cũng như những mục tiêu này là không thể đảo ngược”.

The người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Erik Solheim, các cuộc thảo luận về môi trường tại hội nghị đã nhấn mạnh “quyết tâm tuyệt đối” của 6 quốc gia thành viên G7 thúc đẩy các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, bất chấp lập trường của nước thành viên còn lại là Mỹ.

Mỹ không tán thành nội dung về biến đổi khí hậu

Cũng theo ông Hulot, các cam kết của Mỹ về những vấn đề môi trường khác, nhất là việc làm sạch các đại dương trên thế giới, là chắc chắn. Ngoài ra, cam kết của những bên tham gia ngành công nghiệp về việc sử dụng các công nghệ xanh và năng lượng tái tạo sẽ không bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng phụ trách vấn đề môi trường của Mỹ Scott Pruitt tại hội nghị. (Nguồn: AP)

Mặc dù thừa nhận việc Tổng thống Trump chấm dứt sự tài trợ của Mỹ cho những nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu là một sự tụt dốc quan trọng, ông Hulot cho biết, Pháp và các nước khác đang tìm cách để “đền bù” thông qua các ngân hàng đa phương.

Trong tuyên bố chung của hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7, Mỹ đã không tán thành những phần nội dung về vấn đề biến đổi khí hậu cũng như các kế hoạch khác nhằm tài trợ cho việc phát triển bền vững.

Mỹ giải thích rằng, việc nước này không tán thành các nội dung do những đồng nghiệp G7 khác đưa ra về vấn đề biến đổi khí hậu và về các ngân hàng phát triển đa phương là phản ánh quyết định gần đây của Washington rút khỏi cũng như ngừng ngay lập tức việc thực hiện Hiệp định Paris và các cam kết tài chính liên quan. Mỹ sẽ tiếp tục can dự với các đối tác quốc tế chủ chốt theo cách phù hợp với những ưu tiên trong nước để bảo vệ cả nền kinh tế lẫn một môi trường lành mạnh.

Hãng tin ANSA cho biết, văn kiện cuối cùng của Hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7 đã được toàn thể các đại biểu thông qua, nhưng kèm theo phần chú thích trong đó Mỹ nói rằng họ không tuân thủ phần nội dung về biến đổi khí hậu và các ngân hàng phát triển.

Cần nỗ lực và thiện chí của các nước

Lập trường của Mỹ không nhất trí về nội dung biến đổi khí hậu trong Tuyên bố chung của G7 là theo tinh thần quyết định hồi đầu tháng 6/2017 của Tổng thống Trump về việc rút khỏi Hiệp định Paris.

Ông Trump công bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris tại Nhà Trắng ngày 1/6. (Nguồn: Reuters)

Theo ông Trump, việc tham gia Hiệp định Paris sẽ gây phương hại cho nền kinh tế Mỹ, làm giảm số lượng việc làm, khiến chủ quyền quốc gia của Mỹ bị suy yếu và đẩy nước này vào thế bất lợi lâu dài so với các nước khác.

Quyết định của Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã gây nên cú sốc đối với toàn thế giới, làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc về tương lai của “Hành tinh Xanh”. Là quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, việc Mỹ “quay lưng” với thỏa thuận quốc tế này không những sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và hệ sinh thái toàn cầu, mà còn là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực chung của quốc tế trong việc kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu.

Hơn bao giờ hết, vấn đề cấp thiết đặt ra là các quốc gia trên thế giới cần thể hiện hơn nữa vai trò của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu để có thể đảm bảo cho tương lai vốn đang bấp bênh của Hiệp định Paris.

Sự rút lui của Mỹ có thể được xem như một "bước thụt lùi" đối với chính Washington, bởi cựu Tổng thống Barack Obama từng mô tả Hiệp định Paris, được 195 nước ký kết năm 2015, là “một bước ngoặt lớn cho hành tinh của chúng ta” và Mỹ cũng từng giữ vai trò đầu tàu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Người dân Mỹ và cộng đồng quốc tế đều đánh giá quyết định của Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris là sai lầm, thậm chí là "thảm họa" đối với nước Mỹ.

Bước đi của Mỹ cũng sẽ khiến nhân loại khó tránh khỏi nguy cơ đối mặt với nền nhiệt độ gia tăng hơn 2 độ C vào năm 2100, khi Washington tiếp tục thải ra môi trường một lượng lớn khí CO2, từng lên tới 5,1 triệu kiloton vào năm 2015, nhiều hơn tất cả các quốc gia EU cộng lại và chiếm gần 1/6 lượng khí thải toàn cầu. Nguy cơ về biến đổi khí hậu sẽ càng trầm trọng thêm mà viễn cảnh tồi tệ nhất được giới khoa học dự báo là nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm 0,3 độ C vào cuối thế kỷ này khi Mỹ từ bỏ các cam kết trong thỏa thuận biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học đều đồng ý rằng nhiệt độ tăng cao sẽ làm nước biển dâng, các thành phố ven biển bị ngập lụt, sự tuyệt chủng hàng loạt, hạn hán, các cuộc khủng hoảng di cư, những đợt nắng nóng, mùa màng thất bát và các cơn bão lớn,... Sự rút lui của Mỹ khỏi nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu chắc chắn sẽ để lại một lỗ hổng lớn trong hệ thống điều phối khí hậu quốc tế.

Thực tế này đã khiến cộng đồng quốc tế phải gấp rút hành động để cứu Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu khỏi nguy cơ đổ vỡ. Và hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7 lần này cũng nhằm mục đích nỗ lực thúc đẩy về vấn đề chống biến đổi khí hậu đồng thời tin tưởng rằng vẫn có thể thuyết phục Mỹ quay trở lại với Hiệp định Paris.

Tuy nhiên với việc Mỹ không nhất trí về nội dung biến đổi khí hậu trong Tuyên bố chung của G7, giới chuyên gia cho rằng sự chia rẽ này trong G7 là "chưa từng có" và để giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu đòi hỏi phải có những nỗ lực mạnh mẽ cũng như sự hợp tác đa phương, quyết tâm và cả thiện chí chính trị của các bên.

(theo TTXVN)