Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều đại biểu Quốc hội đã phân tích về những bất cập trong đợt dịch vừa qua và đề xuất giải pháp.
Đại biểu quốc hội Phạm Văn Thịnh. |
Ngoại giao vaccine - chiến lược cơ bản, lâu dài
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đánh giá cao việc Chính phủ chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, sát thực tiễn và việc các lãnh đạo cấp cao nỗ lực triển khai ngoại giao vaccine.
Lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, lực lượng tuyến đầu ở Trung ương, địa phương đã không quản vất vả, nguy hiểm xuống tận cơ sở, đi vào tâm dịch hỗ trợ kịp thời, hiệu quả các địa phương trong công tác phòng, chống dịch.
Chính phủ đã có quyết định quan trọng chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Đặc biệt, đại biểu Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh, trong bối cảnh rất khó khăn về vaccine Covid-19, sinh phẩm, thiết bị cho xét nghiệm thì lãnh đạo cấp cao đã nỗ lực triển khai ngoại giao vaccine.
Tin liên quan |
Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Sơn: 3 điều kiện cơ bản để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh |
Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, đến nay chúng ta đã có 195 triệu liều vaccine có hợp đồng cung ứng. Tính đến hết ngày 7/11, đã tiêm được 90 triệu liều, tỷ lệ dân số trên 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đạt 84,13%.
"Đây là chiến lược cơ bản, lâu dài trong cuộc chiến phòng, chống dịch và bảo đảm sức khỏe cho nhân dân", đại biểu Phạm Văn Thịnh khẳng định.
Cũng theo đại biểu này, qua đợt dịch Covid-19, truyền thống đoàn kết, tinh thần sẻ chia, tình đồng bào lại được phát huy, những tấm gương cán bộ ngành y tế, chiến sĩ quân đội, công an không ngại vất vả, hiểm nguy quên mình trong thực thi nhiệm vụ, hình ảnh các tầng lớp nhân dân nhường cơm, sẻ áo, ủng hộ đồng bào vùng dịch đã làm xúc động nhân dân cả nước.
Trong khi đó, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cũng cho rằng, chiến lược ngoại giao vaccine trong thời gian qua rất hiệu quả.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước để chủ động nguồn cung và tự chủ vaccine đảm bảo cung cấp cho người dân trong nước. Chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống Covid-19 để đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả và phân bổ vaccine hợp lý.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh. |
Tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở
Cũng theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, để khắc phục được những khó khăn bởi đại dịch, trước hết, cần đẩy mạnh các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Nghiên cứu tăng cường dự báo xu hướng dịch Covid-19, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt ứng phó với dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, cần tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho y tế cơ sở. Rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
Ngoài ra, cần đánh giá hiệu quả các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 để đề ra những giải pháp trong những năm tiếp theo. Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương. Kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo công bằng, không để sót và lọt đối tượng.
Đại biểu cũng nhấn mạnh yêu cầu phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm chi phí cho phòng chống dịch và các gói an sinh xã hội. Cương quyết xử lý nghiêm, đúng theo quy định pháp luật, các trường hợp phát hiện có sai phạm.
Đồng thời, đại biếu kiến nghị xây dựng những quy định về biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp vào công tác phòng chống dịch và các hoạt động thiện nguyện.
Cần huy động sức mạnh toàn dân
Từ đầu cầu TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết, gần 20.000 đồng bào đã ra đi do Covid-19 và còn nhiều trường hợp không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn này và có thể gián tiếp ra đi vì Covid-19.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. |
Đại biểu trăn trở, làm sao công tác chống dịch hiệu quả hơn thời gian tới và khắc phục những gì đã xảy ra.
Để sống chung với dịch và chủ động linh hoạt khống chế tỷ lệ nhiễm, giảm ca nặng và tử vong thì trong thời gian vừa qua, TP. Hồ Chí Minh có kinh nghiệm thực tế, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đây chính là bài học xương máu.
Về thực trạng y tế cơ sở, đại biểu cho rằng, cần phải xem lại, thực tế chỉ khoảng 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng số địa phương thực hiện được còn ít. Chưa kể con số 30% là rất thấp so với sự cần thiết, nhu cầu của người dân. Cho nên phải phân bổ hợp lý để đáp ứng với quy mô dân cư, chứ không phải dựa trên vấn đề về địa lý.
Từ đó, bà cho rằng Chính phủ cần có chính sách, chủ trương xuyên suốt và chỉ đạo Bộ Y tế về xây dựng quan điểm phòng chống dịch.
"Về y tế cơ sở, tôi nghĩ không phải chỉ vấn đề về tiền, mà còn vấn đề về nhân lực, làm sao thu hút được nhân lực...", đại biểu nhấn mạnh.
Còn theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), việc xã hội hóa trong phòng, chống dịch Covid-19 là biện pháp quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân. Tuy nhiên, xã hội hóa cần được thực hiện có tổ chức, thống nhất, trong một hành lang pháp lý, cơ chế huy động, kiểm soát rõ ràng, minh bạch và được tôn vinh xứng đáng. Đồng thời phải phòng ngừa, ngăn chặn những lùm xùm, tiêu cực như trong một số hoạt động thiện nguyện vừa rồi.
Ông cũng chỉ ra một số bất cập trong công tác phòng, chống dịch như điều kiện thiếu thốn, khó khăn, quá tải ở nơi cách ly tập trung, thu dung, điều trị người mắc Covid-19; trong khi khách sạn, cơ sở lưu trú lại không được sử dụng. Hay như việc cơ sở y tế tư nhân gần như đứng ngoài cuộc, trong khi y tế công lập quá sức.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị rà soát, xem xét lại cơ chế chính sách để tận dụng tốt hơn nguồn lực sẵn có, phát huy tốt vai trò chủ động, sức mạnh của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh. Chính phủ cần rà soát, ban hành quy định kịp thời thống nhất, luật hóa các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ xã hội.
Ngoài ra, người dân cần được tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ các biện pháp cụ thể, có tính chuyên môn và ràng buộc trách nhiệm pháp lý khi tham gia phòng, chống dịch như điều trị, cách ly tại gia đình, khu tập trung.
| Vaccine Covid-19 không gây các vấn đề lâu dài cho sức khỏe Theo các nhà miễn dịch học, việc vaccine sau nhiều năm vẫn có tác dụng muộn hoặc lâu dài là không thể xảy ra do ... |
| BVDC 2.3 chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ người dân Nam Sudan chống chọi với đợt mưa lũ nặng nề ... |