📞

Chống gián điệp công nghiệp: Cái khó... chưa ló cái khôn

15:08 | 20/03/2011
Câu chuyện gián điệp tại Renault, Pháp, rất có thể sẽ có một kết cục tai hại. Không những không thể thắng kiện mà hãng này có thể sẽ phải tuyển dụng lại ba lãnh đạo cao cấp bị cáo buộc làm gián điệp. Tại sao vậy?
Ảnh minh họa

Trong bối cảnh cả thế giới đang hướng sự quan tâm chú ý tới vụ động đất tại Nhật Bản, nhiều nhật báo tại Pháp đã khơi lên vấn đề gián điệp công nghiệp. Tờ Le Figaro mô tả những khó khăn của các doanh nghiệp Pháp trong việc đối phó với nạn gián điệp công nghiệp tràn lan. Hiện tại, các văn phòng tư vấn pháp lý lớn của Paris nhận được hàng núi hồ sơ, trong đó 25% liên quan đến các vụ gián điệp kinh tế.

Với tựa đề "Khi doanh nghiệp truy tìm gián điệp", Le Figaro thuật lại vụ gián điệp bị phát giác tại Michelin, hãng sản xuất lốp xe hàng đầu của Pháp. Một người phụ trách của hãng đã phải ra tòa, vì đã bán thông tin về thành phần hóa học của lốp xe cho Bridgestone, đối thủ của hãng, với giá 115.000 euro. Một điều hy hữu đã xảy ra là chính Bridgestone lại thông báo vụ này cho Michelin. Các nhân viên an ninh của Michelin đã giăng bẫy và bắt được người phụ trách kia. Tuy nhiên, theo Le Figaro, "kết thúc có hậu" vừa nêu chỉ là một ngoại lệ.

Tự làm ư... không dễ?

Để "tóm cổ" được thủ phạm, thông thường lãnh đạo các doanh nghiệp phải tự xắn tay vào việc, chứ không thể trông đợi ở các cơ quan điều tra của nhà nước. Phát hiện được thủ phạm chỉ là một chuyện, điều quan trọng nhất là phải "dồn" được thủ phạm vào chân tường, có nghĩa là có được các bằng chứng thuyết phục, theo đúng các quy định của pháp luật. Mà điều này là hết sức khó. Chính vì vậy, thông thường, đằng sau hoạt động của các luật sư, các doanh nghiệp thường nhờ đến sự can thiệp của các nhóm "tư nhân" dưới danh nghĩa là "thám tử tư" hoặc các tổ chức "bảo vệ sở hữu công nghiệp".

Tuy nhiên, đây là một công việc hết sức tế nhị. Bởi, theo người phụ trách văn phòng tư vấn pháp lý Gide, không có ranh giới rõ ràng giữa sự nghi ngờ và bằng chứng xác đáng. Việc áp dụng các biện pháp như xem trộm máy tính của người bị tình nghi hay nghe lén các cuộc điện thoại, không phải là các biện pháp có thể áp dụng dễ dàng.

Theo Le Figaro, bên cạnh các phương tiện kỹ thuật tân tiến, nhiều doanh nghiệp đã viện đến "các phương pháp cổ điển, nhưng hiệu quả". Đây thường là công việc của bộ phận an ninh nội bộ của các doanh nghiệp. Các kỹ thuật cổ điển thường được sử dụng như tìm ra một sợi tóc nằm kẹt trên cánh cửa hay ngăn kéo nhằm xác định lộ trình của nghi phạm, hoặc các trò đóng giả người đi tìm các thông tin quý. Một điều khá nghịch lý là các công nghệ ngày càng tiên tiến, thì lại càng cần phải có những tiếp xúc trực tiếp với nghi phạm để xây dựng được các quan hệ. Phần thưởng lớn đối với những người điều tra thường là một bức ảnh, dùng để đưa ra ánh sáng quan hệ mờ ám giữa nghi phạm với người mua thông tin.

Nhìn chung, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ điều tra nghi phạm, các nhóm điều tra tư nhân thường gặp phải nhiều cản trở. Ví dụ, trước khi xem xét ổ cứng máy tính của nghi phạm, họ phải nhận được sự chấp thuận của thẩm phán. Theo một luật sư, khi chủ doanh nghiệp đề nghị tiến hành điều tra tư nhân, về mặt nguyên tắc, các thông tin nào được đưa vào mục "đời sống riêng tư" (như mục các hoạt động "trong kỳ nghỉ gia đình") đều không được phép động vào. Vậy nên, theo nhiều chuyên gia, ngay cả khi có được một bộ hồ sơ điều tra nghi pháp khá hoàn chỉnh, có tới 80% các vụ kiện không thể đưa ra trước công lý. Phần lớn các nhân viên khi bị lộ tẩy đã lựa chọn giải pháp từ nhiệm, hơn là bị truy tố ra tòa.

Chính vì vậy, giới doanh nghiệp tại Pháp đang ủng hộ cho việc ra đời một bộ luật bảo vệ bí mật kinh doanh, theo kiểu Mỹ, đặc biệt là các thông tin chiến lược về doanh nghiệp, như bí mật sản xuất, tài liệu thương mại, danh sách giá, hay các hồ sơ lưu trữ.... Một dự luật như vậy đã được một nhóm dân biểu đệ trình vào tháng Giêng vừa qua, chỉ mấy ngày sau khi vụ tình nghi gián điệp tại hãng xe hơi Renault được công bố trước công luận. Thế mới biết phát hiện gián điệp đã khó, nhưng buộc được tội là càng khó hơn. Biết đến bao giờ, trong cái khó, mới ló được cái khôn.

Bình Minh (tổng hợp)