📞

Chống phá bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân: Hành động đáng lên án

Đồng Dao 19:30 | 21/05/2021
Các thế lực thù địch, phản động đã và đang tìm mọi cách phá hoại, phủ nhận hoạt động bầu cử bằng nhiều thủ đoạn đáng lên án.
Những tấm pano cổ động được trang trí tại khu vực đường Ngô Quyền. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVđại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của toàn dân.

Trong không khí khẩn trương chuẩn bị những khâu cuối cùng cho ngày bầu cử, nhân dân cả nước một lòng háo hức hướng đến ngày được cầm lá phiếu trên tay, trực tiếp bầu ra những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình.

Vậy mà, đi ngược lại niềm háo hức mong đợi của nhân dân là hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, tìm mọi cách phá hoại, phủ nhận hoạt động bầu cử bằng nhiều thủ đoạn đáng lên án.

Âm mưu cũ, chiêu trò mới

Không quá khó để nhận ra những chiêu trò, âm mưu của một vài nhóm dân chủ giả hiệu cùng với những trang mạng vốn thiếu thiện chí với Việt Nam - những lực lượng trắng trợn xuyên tạc hoạt động bầu cử, hô hào tẩy chay bầu cử.

Bên cạnh việc hô hào tẩy chay bầu cử, kêu gọi nhân dân không tham gia bầu cử; những thế lực này mặt khác lại hô hào kêu gọi tham gia tự ứng cử đại biểu Quốc hội, khẳng định sẽ tranh cử bằng mọi giá đồng thời mở các lớp “đào tạo dân biểu 4.0” để bôi nhọ Đảng và Nhà nước, lôi kéo nhân dân với những luận điệu gàn dở, ngô nghê.

Dù biết rất rõ những thế lực này không thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các tiêu chuẩn trung thành với Hiến pháp, gương mẫu chấp hành pháp luật, nhưng những kẻ này vẫn tự đi ứng cử.

Theo quy định của pháp luật về bầu cử, người ứng cử phải qua các vòng hiệp thương bầu cử và phải có trên 50% số phiếu đồng ý của cử tri nơi cư trú.

Cử tri đã sáng suốt nhận diện được chân tướng của những tên dân chủ giả hiệu, những kẻ chống đối, thù nghịch với nhân dân, do đó những thế lực này thật khó để có đủ số phiếu trong các vòng hiệp thương bầu cử.

Và khi không nhận được đủ số phiếu yêu cầu, những thế lực chống đối lại lên mạng xã hội rêu rao những luận điệu hết sức phản động như: chỉ có những người “theo phe” Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; phải để các ứng cử viên tự do tranh cử...

Thực chất, mục đích của việc thực hiện mưu đồ “tự ứng cử” là nhằm cài cắm các đối tượng phản động vào Quốc hội, biến Quốc hội trở thành diễn đàn để những thế lực này thực hiện hoạt động chống phá, hình thành lực lượng đối lập trong Quốc hội.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, đối lập với Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nhân dân, cũng là đối lập, chống đối lại nhân dân.

Để lá phiếu của cử tri có ý nghĩa

Còn nhớ cách đây hơn 75 năm, ngày 6/1/1946, thời điểm đánh dấu một mốc son lịch sử của dân tộc khi lần đầu tiên công dân của một nước Việt Nam độc lập được thực hiện quyền bỏ phiếu.

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ấy gặp muôn vàn khó khăn, khi nhân dân ta vừa phải trải qua cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài, để lại những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng lại nước nhà và ổn định đời sống của nhân dân.

Ở miền Nam, những tàn dư của chế độ cũ vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, vẫn còn những hoạt động phá hoại của các thế lực phản động dưới nhiều hình thức, kể cả hình thức vũ trang.

Song, với tinh thần yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã phấn khởi, tự hào cầm lá phiếu cử tri của một quốc gia độc lập đi bầu cử đại biểu.

Cũng phải nói thêm rằng, trong ngày bầu cử đó, có những nơi, những điểm bầu cử ở miền Nam, kẻ thù đã ra sức càn quét, bắn phá. Mỗi lần chúng thực hiện càn quét, nhân dân lại giấu hòm phiếu đi, phân công nhau quyết tâm bảo vệ an toàn hòm phiếu để cuộc bầu cử được tiếp tục diễn ra trọn vẹn.

Nhờ đó, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thành công trên phạm vi cả nước, bất chấp sự phá hoại của các thế lực phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam.

Nhắc lại lịch sử để thấy rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nào, dù cho các thế lực thù địch có phá hoại bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt đến đâu, thì sức mạnh và sự đồng thuận của nhân dân sẽ làm nên chiến thắng.

Cuộc bầu cử đầu tiên với muôn vàn khó khăn, cam go mà nhân dân ta vẫn đồng lòng ủng hộ thành công, thì ngày nay, với thế và lực mạnh mẽ của Nhà nước và nhân dân, Ngày hội non sông 25/3 sắp tới chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp.

Vậy vì sao nhân dân lại đồng tình, ủng hộ, bảo vệ bầu cử bằng mọi giá như vậy?

Lá phiếu của cử tri tuy nhỏ bé nhưng mang giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn. Để mỗi cử tri cầm được lá phiếu trên tay, nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được.

Lá phiếu là minh chứng cho quyền làm chủ thực sự của mỗi công dân trong một nhà nước độc lập, có chủ quyền, toàn vẹn và thống nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà”.

Mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không chỉ là niềm vinh dự, tự hào được thực hiện quyền làm chủ, mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm đối với biết bao thế hệ đã hy sinh xương máu để giành lại quyền thiêng liêng cho dân tộc.

Vì vậy, bầu cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri đối với vận mệnh nước nhà. Các hành vi phá hoại, chống đối bầu cử là hành động động đi ngược lại với quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, là sự chống đối, đối đầu với nhân dân!

(theo thinhvuongvietnam.com)