📞

Chống phân biệt chủng tộc: Toàn cầu cam kết tăng cường nỗ lực

An Chu 17:45 | 24/09/2021
Trong phiên họp với chủ đề “Bồi thường, công bằng chủng tộc và bình đẳng cho người gốc Phi”, Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết cam kết tăng cường nỗ lực chống nạn phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới.
Phiên họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 đã thông qua nghị quyết cam kết tăng cường nỗ lực chống nạn phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới. (Nguồn: Freepik)

Phiên thảo luận cấp cao nhằm kỷ niệm 20 năm "Tuyên bố Durban và Chương trình hành động" (DDPA) về chống phân biệt chủng tộc.

Nội dung nghị quyết ghi nhận một số tiến bộ về chống phân biệt chủng tộc trên thế giới, song thừa nhận tình trạng phân biệt đối xử, bạo lực và không khoan dung đối với người gốc Phi và nhiều nhóm sắc tộc khác đang gia tăng.

Nghị quyết nhấn mạnh quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc “nỗ lực hơn nữa để đưa cuộc chiến chống nạn phân biệt chủng tộc trở thành ưu tiên cao hơn của các quốc gia”, đồng thời chỉ ra những tác động của chế độ nô lệ, chủ nghĩa thực dân và nạn diệt chủng, và kêu gọi “đền bù tương xứng” cho những người gốc Phi.

Phát biểu tại phiên thảo luận, được tổ chức trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 76, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nêu rõ: “Những người gốc Phi, các cộng đồng thiểu số, các sắc dân bản địa, người nhập cư, người tị nạn, người phải rời bỏ nhà cửa và nhiều nhóm khác đang phải đối mặt với sự thù hận, kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực”.

Tuyên bố DDPA được đồng thuận thông qua tại Hội nghị Thế giới chống phân biệt chủng tộc tổ chức ở Nam Phi năm 2001, với nội dung đề xuất các biện pháp cụ thể để chống lại nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, bài ngoại và những hành động không khoan dung.

Tuyên bố này cũng thể hiện cam kết vững chắc của cộng đồng quốc tế trong việc chống lại phân biệt chủng tộc ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

DDPA thừa nhận không quốc gia nào có thể tuyên bố không có tình trạng phân biệt chủng tộc; nhấn mạnh rằng, phân biệt chủng tộc là mối quan tâm toàn cầu và cần một nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề này.

Mặc dù DDPA không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng có giá trị đạo đức mạnh mẽ và là cơ sở cho các nỗ lực vận động trên toàn thế giới.

DDPA cũng kêu gọi sự tham gia tích cực của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, các đảng phái chính trị, các tổ chức xã hội nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, truyền thông trong việc giải quyết vấn đề này.

Đến thời điểm hiện nay, DDPA đã trở thành nhân tố quan trọng trong việc xây dựng nền móng cho các nỗ lực toàn cầu chống lại và ngăn chặn tình trạng phân biệt chủng tộc, kỳ thị chủng tộc, bài ngoại và các hành động không khoan dung.

Tuyên bố này đã mang lại những lợi ích đáng kể trong việc thúc đẩy các quốc gia ban hành các văn bản pháp luật, xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia và các cơ chế giám sát và khiếu nại, đồng thời đẩy vấn đề phân biệt chủng tộc, bài ngoại và không khoan dung thành một vấn đề ưu tiên cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Theo số liệu thống kê, kể từ khi DDPA được thông qua, 42 quốc gia đã thông qua hoặc sửa đổi luật với nội dung cấm phân biệt chủng tộc; 35 quốc gia thành lập các cơ quan để chống phân biệt chủng tộc và thúc đẩy bình đẳng; 23 quốc gia và các tổ chức khu vực đã thông qua các chính sách quốc gia và khu vực chống phân biệt chủng tộc; 26 quốc gia khác đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, nâng tổng số quốc gia là thành viên của công ước này thành 182.

(theo TTXVN)