Nhiều ngành hàng xuất khẩu đã tận dụng ngay lợi thế của UKFTA. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) là hiệp định thương mại tự do (FTA) được đàm phán trong thời gian ngắn kỷ lục - chưa đầy một năm, đi vào thực thi cũng “thần tốc” - chưa đầy một tháng sau khi ký kết biên bản kết thúc đàm phán.
Và sau 2 tháng thực thi kể từ ngày 1/1/2021, doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng xuất khẩu có lợi thế đi Anh đón bắt rất nhanh cơ hội để tăng xuất khẩu và hưởng ưu đãi thuế quan.
Đón bắt nhanh
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Anh trong 2 tháng đầu năm 2021 đã tăng 29,2% so với cùng kỳ, ước đạt 1,1 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh tăng 33% so với cùng kỳ, đạt 998 triệu USD.
Đây là mức tăng ấn tượng khi Covid-19 tác động lớn đến hoạt động thương mại, đồng thời cho thấy UKVFTA hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu giữa Việt Nam - Anh. Những ngành hàng được hưởng lợi lớn từ hiệp định này là thủy hải sản, gạo, dệt may, da giày, gỗ, rau quả…
Tạo nên những con số ấn tượng trên phải kể đến sự đóng góp của các mặt hàng thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chẳng hạn, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 1/2021 đã tăng 371% so với cùng kỳ, trị giá 253 triệu USD, thiết bị và dụng cụ phụ tùng đạt 74,58 triệu USD, tăng 109,9%; máy tính và sản phẩm linh kiện điện tử 31,82 triệu USD, tăng 91%; sắt thép các loại đạt 15,96 triệu USD, tăng 11%…
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nhóm điện thoại và linh kiện chủ yếu nhờ vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó các dự án đầu tư của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đóng góp lớn nhất.
SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là hai nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp điện thoại di động lớn nhất và hiện đại nhất của Samsung Electronics trên toàn cầu. Riêng với điện thoại, khoảng 60% sản phẩm mà Samsung bán ra trên thị trường toàn cầu được lắp ráp sản xuất ở các nhà máy tại Việt Nam.
Doanh nghiệp hứng khởi
Trong nhóm hàng nông sản, gạo và rau quả có số lượng lớn sản phẩm được hưởng thuế 0% sớm sang Anh. Đơn cử, với sản phẩm gạo thơm Jasmine, thay vì mức 17,4%, thuế nhập khẩu vào Anh đã về 0% ngay khi có UKVFTA.
Chỉ sau ít ngày UKVFTA có hiệu lực, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã xuất được 60 tấn gạo thơm đi Anh để hưởng mức thuế 0%. Sản phẩm trong lô hàng này hiện đã được bày bán tại chuỗi siêu thị của Long Đàn ở London với giá bán lẻ 465.000 đồng/10kg.
Trong năm 2019, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Anh đã có bước nhảy vọt với mức tăng trưởng kim ngạch lên đến 376%. Tuy nhiên, mức thuế năm 2019 vẫn cao, nên gạo Việt khó cạnh tranh với sản phẩm các nước khác. Việc được miễn thuế nhập khẩu từ năm 2021 sẽ khiến hạt gạo Việt Nam tăng sức cạnh tranh ở thị trường đầy tiềm năng này.
Rau quả - ngành hàng đóng góp trong năm cao điểm 2018 tới 3,8 tỷ USD cho xuất khẩu cả nước cũng có nhiều cơ hội, thể hiện ở mức tăng trưởng 148% ngay tháng đầu tiên thực thi UKVFTA.
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) phân tích, trước đây, trái cây xuất khẩu vào EU nói chung và Anh nói riêng rất khó cạnh tranh với sản phẩm của Indonesia, Trung Quốc, Malaysia… do giá cao hơn.
Theo cam kết UKVFTA, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế 0%. Với ưu đãi này, nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có FTA với Anh.
Theo ông Khuê, UKVFTA hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cùng nhiều FTA khác có hiệu lực đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt thêm khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu tại các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Philippines, Malaysia…) và các nước có cùng điều kiện khí hậu ở Nam Mỹ như Peru, Ecuador, Costa Rica...
Đơn cử, với mặt hàng chanh leo cô đặc xuất sang Hà Lan, đối tác của DOVECO được giảm thuế nhập khẩu từ 7,5% về 0%. Giá trị từ việc giảm thuế giúp sản phẩm tăng cạnh tranh, doanh nghiệp có động lực đẩy mạnh xuất khẩu, tăng đầu tư sản xuất hàng hóa chất lượng…
Để tận dụng các cơ hội do các FTA mang lại, DOVECO đã chủ động tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm cuối cùng, thay đổi mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị trường EU, nỗ lực hơn để đáp ứng các quy định mới về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động… Ngoài ra, Công ty đang tích cực trồng các loại quả tươi theo tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu như chuối, chanh leo, dứa MD2.
Theo đánh giá tổng thể của Bộ Công thương, doanh nghiệp Việt sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu và xuất khẩu nhờ UKVFTA. Với các cam kết mở cửa thị trường, cộng thêm hạn ngạch đối với những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp có thêm cơ hội xuất khẩu vào Anh. Theo tính toán, giá trị thuế nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước đạt 3.500 tỷ đồng/năm (tương đương 14 triệu Bảng). |