Nhỏ Bình thường Lớn

Chủ động khởi xướng và quản trị hiệu quả công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai của đất nước

Công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai qua sự chỉ dấu của Đại hội XIII cùng với tốc độ và quy mô mạnh mẽ của sự hình thành 5 nguồn lực cơ bản trong nền kinh tế sẽ đòi hỏi các nhà lãnh đạo và quản trị quốc gia sự dũng cảm, quyết đoán và trí tuệ hơn nhiều so với công cuộc lần thứ nhất.
Chủ động khởi xướng và quản trị hiệu quả công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai của đất nước
Cùng với sự hình thành của cách mạng công nghiệp 4.0 và sự hội nhập kinh tế thế giới, những thành quả nhất định của 40 năm đổi mới kinh tế đã định vị Việt Nam với những vị thế nổi trội trong bối cảnh mới. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tạo tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính vì vậy, Đại hội đã mang dấu ấn của thời kỳ mới và là bước ngoặt để Việt Nam chủ động khởi xướng công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai.

Điểm đột phá của công cuộc đổi mới lần thứ nhất

Công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ nhất của Việt Nam cuối thập niên 80 của thế kỷ trước với Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư trung ương Đảng ngày 13/1/1981 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp đã tạo ra bước phát triển to lớn trong sản xuất nông nghiệp và là khởi đầu hình thành nền kinh tế thị trường ở nước ta.

Sự đột phá và thành công của ngành sản xuất nông nghiệp đã kích thích và lan tỏa sang các lĩnh vực ngành sản xuất công nghiệp khác hướng tới nền kinh tế thị trường.

Cùng với sự hình thành của cách mạng công nghiệp 4.0 và sự hội nhập kinh tế thế giới, những thành quả nhất định của 40 năm đổi mới đã định vị Việt Nam với hai vị thế nổi trội trong bối cảnh mới:

Một là, Việt Nam đang trở thành một trong những nền kinh tế thị trường năng động nhất khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình dương với sự hình thành của 5 nguồn lực (vốn) của kinh tế đất nước: Tài chính, tự nhiên, sản xuất, con người và xã hội.

Hai là, Việt Nam trở thành một trong số rất ít quốc gia chiếm vị trí tối quan trọng trên Biển Đông - tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới.

Biển Đông mang tầm quan trọng chiến lược to lớn: Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông với lượng thương mại trị giá gần 5,5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc.

Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ngoài ra, khu vực này là nền tảng cơ bản của nghề thủy sản sinh lợi, rất quan trọng đối với an ninh lương thực của hàng trăm triệu người ở Đông Nam Á.

Vậy câu hỏi được đặt ra hiện nay là nếu như kinh tế thị trường và ngành nông nghiệp là lĩnh vực đột phá trong công cuộc đổi mới lần thứ nhất thì lĩnh vực kinh tế nào trong tình hình mới sẽ là điểm đột phá và có tính lan tỏa trong công cuộc lần thứ hai này?

Chủ động khởi xướng và quản trị hiệu quả công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai của đất nước
Mô hình 5 nguồn vốn.

Những yếu tố quan trọng trong công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ 2

Theo các nhà chiến lược kinh tế, quản trị nguồn lực: Duy trì và phát triển 5 loại vốn mới của đất nước gắn với thời cơ quốc tế sẽ đóng vai trò quyết định trong công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai của đất nước trong nền kinh tế thị trường.

Trong quá trình quản trị đó, việc phát triển vốn tự nhiên kết hợp với vốn sản xuất sẽ là khâu đột phá mang tính lan tỏa trong nền kinh tế.

Vốn tự nhiên là tài sản tự nhiên (chủ yếu là đất đai) với vai trò cung cấp các yếu tố đầu vào của tài nguyên thiên nhiên và các dịch vụ môi trường cho sản xuất kinh tế.

Vốn sản xuất là tập hợp các cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ sẵn có để sử dụng vào việc cung cấp dịch vụ và để thực hiện mục đích kinh tế. Vốn tự nhiên là tài nguyên quý báu, đóng vai trò quyết định trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Tin liên quan
Mô hình 5 loại vốn: Hướng tới xây dựng nền kinh tế thịnh vượng Mô hình 5 loại vốn: Hướng tới xây dựng nền kinh tế thịnh vượng

Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn lực này, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt tới công tác quản lý đất đai, thường xuyên tiến hành xây dựng, hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật đất đai, đề ra và tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nhằm phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong từng thời kỳ lịch sử.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã đề ra những nhiệm vụ: “quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên”.

Đây là điểm hoàn toàn mới được khẳng định trong văn kiện mà chưa được đề cập trước đó, bởi văn kiện Đại hội XII của Đảng ta chỉ đề cập: Tăng cường công tác quản lý tài nguyên phục vụ phát triển bền vững theo hướng bảo đảm tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, trong đó, lợi ích lâu dài là cơ bản, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn.

Đầu tư cơ sở hạ tầng

Tuy nhiên quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả không phải là sự quản lý bị động mà cần phải chủ động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho nó, như người Trung Quốc thường nói: "Muốn làm giàu phải làm đường trước".

Hay nói cách khác, muốn giàu lên, muốn phát triển nguồn vốn tự nhiên và làm cho đất đai có giá trị hơn thì phải đầu tư hạ tầng nhất là giao thông vì giao thông là thành phần không thể tách rời và là phần tốn kém nhất của logistics (hậu cần).

Trong nền kinh tế số và hội nhập thì hậu cần đóng vai trò quyết định không chỉ đối với chất lượng sống của người dân mà còn quyết định sự thành bại của chuỗi cung ứng quốc gia, khu vực và toàn cầu…

Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào đất đai như giao thông… dĩ nhiên sẽ cần nguồn đầu tư tài chính lớn.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tổng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu vào năm 2030 cho giao thông, sản xuất điện, truyền tải và phân phối, nước và viễn thông sẽ lên tới 71 tỷ USD. Con số này chiếm khoảng 3,5% GDP thế giới hàng năm từ năm 2007 đến năm 2030.

Tuy nhiên, đầu tư này sẽ làm tăng vốn tự nhiên (đất đai) về trung, dài hạn và làm tăng sự hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam. Giá trị này sẽ tăng lên nhiều lần khi Biển Đông ngày càng đóng vai trò trung tâm trong chuỗi logistics toàn cầu.

Hơn nữa, phát triển vốn tự nhiên sẽ làm cho giá trị của vốn sản xuất tăng lên theo quy luật gắn bó hữu cơ đặc thù của hai nguồn lực này, góp phần tăng năng suất lao động và giải quyết tốt vấn đề lao động cho một đất nước đông dân như Việt Nam trên bình diện quốc gia.

Mở rộng phương thức thu hút vốn đầu tư

Với vị thế quốc gia và tầm nhìn khu vực mới, Chính phủ cũng cần tăng cường ban hành chính sách vay tiền làm đường, thu phí hoàn trả, thu các phụ phí mua sắm xe cộ, lập quỹ xây dựng giao thông riêng. Nhà nước cần cải cách thể chế, thu hút vốn đầu tư giao thông, mở ra cánh cửa thị trường bị đóng kín như đường sắt xưa nay.

Vốn đầu tư nên chăng từ chỗ chủ yếu dựa vào thu phí giao thông theo quy định cần phát triển mạnh sang hướng áp dụng các phương thức như vay vốn ngân hàng, phát hành công trái, phát hành cổ phiếu, thu tiền chuyển nhượng quyền kinh doanh đối với loại đường thu phí (thực chất là bán quyền kinh doanh cho các doanh nghiệp) và sử dụng vốn nước ngoài,…

Hoàn thiện văn bản pháp luật

Quốc hội cần cùng với Chính phủ nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai và thực thi nghiêm các chính sách, pháp luật về đất dành cho phát triển hạ tầng kỹ thuật.

Đặc biệt, gắn cơ hội sửa đổi Luật đất đai sắp tới với quy hoạch tổng thể hệ thống mạng lưới giao thông nhất là quy hoạch mạng lưới đường bộ và đường sắt cao tốc quốc gia.

Đồng thời, đổi mới chính sách thuế sử dụng đất và các quy định giá hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng, bảo đảm sự công bằng, linh hoạt theo giá trị thị trường.

Được như vậy, Luật đất đai (với lợi thế nguồn vốn đất đai là sở hữu toàn dân) sẽ phục vụ yêu cầu của đất nước là chính trị ổn định, kinh tế phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng hiện đại, thiết lập hệ thống vận tải tổng hợp và đẩy nhanh hiện đại hóa giao thông làm nền tảng xây dựng đường băng cho đất nước bay lên.

Sự tham gia của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng có thể giúp giảm áp lực lên tài chính công và tăng danh mục các dự án trong chương trình đầu tư của khu vực công.

Các chính phủ cũng có thể hưởng lợi từ các kỹ năng của khu vực tư nhân và thu về chi phí và hiệu quả bằng cách giao việc xây dựng và đôi khi là việc quản lý các dự án cơ sở hạ tầng cho các nhà đầu tư tư nhân.

Chủ động khởi xướng và quản trị hiệu quả công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai của đất nước
Sự quản trị chủ động kết hợp phát triển hai nguồn lực đất đai và hạ tầng giao thông trong nền kinh tế thị trường sẽ đóng vai trò quyết định của công cuộc đổi mới. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Từ góc độ tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng không chỉ là yếu tố thúc đẩy phát triển và tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư tư nhân và khả năng cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc gia và khu vực, mà còn có thể là một cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Tuy nhiên, mặc dù các cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng rất dồi dào, nhưng hiện nay các nhà đầu tư không nắm bắt được cơ hội đầy đủ - thường là do những lỗ hổng trong môi trường thuận lợi cho việc đầu tư đó mang lại những rủi ro cụ thể cho các nhà đầu tư tư nhân. Một sự cải cách chính sách có mục tiêu tốt của Chính phủ có thể tăng chất lượng và số lượng đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng, một phần bổ sung đáng kể cho đầu tư công.

Tóm lại, công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai qua sự chỉ dấu của Đại hội XIII cùng với tốc độ và quy mô mạnh mẽ của sự hình thành 5 nguồn lực cơ bản trong nền kinh tế sẽ đòi hỏi lòng dũng cảm, quyết đoán và trí tuệ hơn nhiều so với công cuộc lần thứ nhất của các nhà lãnh đạo và quản trị quốc gia. Trong đó, sự quản trị chủ động kết hợp phát triển hai nguồn lực đất đai và hạ tầng giao thông trong nền kinh tế thị trường sẽ đóng vai trò quyết định của công cuộc đổi mới.

Khi hai nguồn lực này kết hợp phát triển một cách tích cực nó sẽ đột phá và lan tỏa thúc đẩy phát triển của ba nguồn lực còn lại: Tài chính, con người và xã hội để hướng tới một đất nước bền vững và thịnh vượng. Quá trình này đòi hỏi sự nỗ lực và chủ động tối đa của tất cả các chủ thể kinh tế vì lợi ích lâu dài của dân tộc, nhất là trong thời kỳ có nhiều rủi ro liên quan đến đại dịch, các cuộc xung đột chính trị và cạnh tranh kinh tế giữa các siêu cường.

Đặc biệt, sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cao nhất Chính phủ và Quốc hội với việc sửa đổi Luật đất đai và tầm nhìn quy hoạch giao thông gắn với chính sách tận dụng tốt sự thay đổi chuyển biến địa chính trị khu vực sẽ tạo sự khác biệt lớn nhất trong sự nghiệp phát triển kinh tế thành công của đất nước.

Cải cách kinh tế đang cần một động lực mới

Cải cách kinh tế đang cần một động lực mới

Những yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam cùng những nội dung, vấn đề cải cách ...

OECD: Nhịp độ cải cách không đồng đều đe dọa tăng trưởng kinh tế

OECD: Nhịp độ cải cách không đồng đều đe dọa tăng trưởng kinh tế

Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) đã đưa ra cảnh báo trên tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống ...