📞

Chủ động khuyến khích các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đóng góp tích cực cho Việt Nam

11:44 | 04/07/2018
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức chính phủ nước ngoài (TCPCPNN) Bùi Thanh Sơn chia sẻ như vậy với báo chí trước thềm Hội nghị Tổng kết 20 năm hoạt động của Uỷ ban công tác về các tổ TCCPCPNN, sẽ được tổ chức vào ngày 5/7 tại Hà Nội.

Từ năm 1996-2017, khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) cho Việt Nam đã lên đến 4,1 tỷ USD. Ông đánh giá thế nào về đóng góp của nguồn lực này đối với quá trình phát triển của Việt Nam?

Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn: Việt Nam xác định lĩnh vực đối ngoại nhân dân, trong đó có mối quan hệ với các TCPCPNN là bộ phận quan trọng cùng với đối ngoại Đảng và đối ngoại Nhà nước. Trong bối cảnh thực hiện chủ trương đổi mới và hội nhập, ngoài những nỗ lực cải cách trong nước, Việt Nam luôn huy động tối đa hiệu quả của các mối quan hệ hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác các tổ chức PCPNN nói riêng. Để quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài tại Việt Nam, ngày 24/5/1996, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 339/TTg thành lập Ủy ban Công tác về các TCPCPNN để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác phi chính phủ của Việt Nam và các TCPCPNN.

Sau đó, để phù hợp với tính chất hoạt động và công tác quản lý hoạt động của TCPCPNN, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 59/2001/QĐ-TTg ngày 24/4/2001 về việc thành lập Uỷ ban Công tác về các TCPCPNN. Nhằm tăng cường chỉ đạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của Uỷ ban, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 765/QĐ-TTg ngày 22/5/2013 và Quyết định số 44/QĐ-TTg ngày 12/1/2017 để kiện toàn Uỷ ban.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: T.V)

Nhìn lại 20 năm qua có thể thấy rằng, Uỷ ban Công tác về các TCPCPNN là một cơ quan rất đặc thù của Việt Nam, đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức từ trung ương đến địa phương về tầm quan trọng của công tác PCPNN, cũng như tranh thủ được viện trợ của các TCPCPNN.

Xin ông cho biết tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức một cách thống nhất từ trung ương đến các địa phương trong hợp tác với các TCPCPNN?

Uỷ ban Công tác về các TCPCPNN là cơ quan gồm các thành viên là các bộ, ban ngành có liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân và công tác quản lý với các TCPCPNN. Mục tiêu hoạt động của Uỷ ban là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trung ương trong việc triển khai toàn diện từ việc vận động, quản lý, đến tranh thủ mời gọi các tổ chức vào hoạt động với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội và nâng cao đời sống nhân dân Việt Nam.

20 năm qua, cơ chế hoạt động của Ủy ban từng bước được hoàn thiện. Đặc biệt, khi quá trình hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng hơn, đường lối đối ngoại triển khai toàn diện, Việt Nam cũng đang tích cực mở rộng thêm các thành viên của Ủy ban để chủ động hơn trong công tác này.

Ở địa phương, công tác được giao cho các lãnh đạo tỉnh và các sở ngành phụ trách.

Có thể nói, cơ chế hoạt động ở trung ương và địa phương đã phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo hoạt động phù hợp với mục đích yêu cầu và pháp luật của Việt Nam, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của Việt Nam cũng như hướng tới hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Đồng thời, các hoạt động của Ủy ban cũng góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân thế giới.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cơ quan thường trực Ủy ban Công tác về các TCPCPNN, giá trị viện trợ PCPNN giải ngân cho Việt Nam tăng từ 79 triệu USD năm 1996 lên mức 304,7 triệu USD nằm 2011 (năm có giá trị giải ngân cao nhất) và 279,9 triệu USD năm 2017. Tổng giá trị viện trợ PCPNN giải ngân cho Việt Nam từ năm 1996-2017 đạt trên 4,1 tỷ USD.

Để công tác PCPNN ngày càng đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, theo Thứ trưởng, cần triển khai những biện pháp gì?

Phải nói rằng, trong thời gian qua, Ủy ban đã làm được rất nhiều việc. Việc quan trọng nhất là nâng cao nhận thức từ trung ương đến địa phương về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác PCPNN, cũng tranh thủ được viện trợ của các TCPCPNN.

Thời gian tới, trước hết, vẫn cần tăng cường công tác này đối với người dân, các cơ quan từ trung ương đến địa phương, các cá nhân, tổ chức trực tiếp liên quan đến công tác PCPNN, thậm chí phải phối hợp chặt chẽ hơn với nhau để thúc đẩy các hoạt động như vậy ở Việt Nam.

Thứ hai là hoàn thiện các văn bản pháp quy, phát luật liên quan đến công tác PCPNN để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức này hoạt động, đồng thời cũng phải có hành lang pháp lý để giám sát, kiểm tra những hoạt động không phù hợp với mục đích yêu cầu và luật phát của Việt Nam.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác PCPNN các cấp và tranh thủ vận động viện trợ từ nước ngoài. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và nguồn viện trợ PCPNN đang có xu hướng giảm, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ này là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, việc tuyền truyền quảng bá và vận động giảm bớt thủ tục hành chính sẽ khuyến khích các TCPCPNN đóng góp tích cực hơn cho Việt Nam.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Trọng Vũ

(ghi)