Đây là khẳng định của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu tại Hội nghị “Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh khu vực phía Bắc năm 2017” sáng 15/2 tại Hà Nội.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Trần Đắc Phu nhận định, ngoài những bệnh dịch đang diễn biến phức tạp trên thế giới như cúm gia cầm, Ebola, MERS-CoV, Zika…, một số bệnh dịch theo mùa như sốt xuất huyết, tay chân miệng, liên cầu lợn, viêm não virus…vẫn là thách thức lớn đối với việc giảm số mắc và tử vong.
Theo ông Phu, các bệnh có vaccine phòng bệnh vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh, có thể xảy ra các ổ dịch tại “vùng lõm” có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao và không quản lý tốt đối tượng tiêm chủng. Các bệnh ít được người dân quan tâm (như ký sinh trùng, viêm gan virus…) vẫn ghi nhận song chưa được quan tâm đầu tư.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Q.C) |
Nguyên nhân chính là do giao lưu thương mại, du lịch, lao động giữa có khu vực phát triển mạnh mẽ, đô thị hóa, biến đổi khí hậu, kháng thuốc của vi sinh vật gây bệnh và chu kỳ dịch. Ngoài ra, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, ý thức, tập quán người dân…cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh gia tăng.
Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh, để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, năm 2017, ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát thường xuyên tại cửa khẩu, cơ sở y tế và cộng đồng, đảm bảo phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên, báo cáo kịp thời. Đồng thời, triển khai giám sát trọng điểm bệnh cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản, Zika…tập huấn kỹ năng giám sát phát hiện, chẩn đoán một số bệnh.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh (EOC) tại Bộ Y tế, xây dựng thêm các Văn phòng EOC tại một số tỉnh, tổ chức đánh giá nguy cơ một số dịch bệnh mới; kiện toàn đội cơ động đáp ứng nhanh tại tất cả các tuyến.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm bệnh truyền nhiễm giai đoạn 2016 – 2020, duy trì và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đạt trên hoặc bằng 95% quy mô huyện, đảm bảo trên 90% quy mô xã phường, thôn bản.
Bộ Y tế tiếp tục duy trì và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đạt trên hoặc bằng 95% quy mô huyện. (Nguồn: Báo ĐCSVN) |
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, năm 2016, cả nước ghi nhận 110.876 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và 36 trường hợp tử vong. So với năm 2015, số ca mắc bệnh tăng 19% và tử vong giảm 18 trường hợp. Bệnh tay chân miệng ghi nhận hơn 45.000 trường hợp mắc, 1 trường hợp tử vong. So với năm 2015, số trường hợp mắc giảm 19,3% và số trường hợp tử vong giảm 5 trường hợp.
Bệnh do virus Zika ghi nhận 219 trường hợp (năm 2016) và 13 trường hợp (năm 2017). Các trường hợp nhiễm virus Zika chủ yếu tập trung tại TP. Hồ Chí Minh và có 1 trường hợp đầu nhỏ tại Đắk Lắk nghi ngờ liên quan.
Thạc sỹ Nguyễn Đức Tiến, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Cục đã phân công khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi, Khoa Nội tiếp nhận, điều trị cho người bệnh sốt xuất huyết, phản hồi 2 chiều theo công tác chỉ đạo tuyến những trường hợp điều trị chưa đúng hướng dẫn, chuyển viện không an toàn và thiếu chi tiết diễn biến điều trị. Đồng thời, ngành y tế đảm bảo nhân sự điều trị sốt xuất huyết tại các đơn vị, tăng cường hội chẩn kịp thời những ca khó, củng cố nhóm điều trị sốt xuất huyết, tập huấn chuyên sâu về hồi sức sốt xuất huyết nặng…