Những nét nổi bật nhất trong hợp tác công nghiệp và thương mại Việt Nam - Lào trong thời gian qua là gì, thưa Bộ trưởng?
Thứ nhất, hợp tác thương mại hàng hóa giữa hai nước đã được duy trì phát triển một cách ổn định và bền vững, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của hai nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh chứng kiến bộ Công Thương hai nước ký kết và trao đổi văn kiện hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, ngày 8/1/2022. (Nguồn: VGP) |
Quy mô thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Lào không ngừng được mở rộng trong các năm qua. Từ năm 2016 tới năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào tăng từ 823,4 triệu USD lên 1,37 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 10%/năm.
Riêng năm 2021, kim ngạch song phương đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020 bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Nối tiếp đà tăng trưởng, trong sáu tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Lào đạt 824 triệu USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu hàng hóa trao đổi giữa hai nước đã có sự chuyển dịch theo hướng ổn định, bền vững, bổ sung thêm các mặt hàng sản xuất như các mặt hàng tiêu dùng, nông sản, sắt thép, các loại máy móc thiết bị phục vụ xây dựng, nông nghiệp.
Thứ hai, cơ sở pháp lý hỗ trợ hoạt động thương mại giữa hai nước ngày càng hoàn thiện.
Cụ thể, hai bên đã hoàn tất việc đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào (năm 2015) nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất ưu đãi đối với một loạt các mặt hàng (50% thuế suất ATIGA). Một số mặt hàng đặc biệt như gạo, lá thuốc lá chưa chế biến và phế liệu thuốc lá còn được hưởng mức thuế ưu đãi đặc biệt 0%.
Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào ký năm 2015 phát huy tốt vai trò khuyến khích, tạo các điều kiện thuận lợi về giấy phép, kiểm dịch cho thương nhân, cư dân biên giới trao đổi thương mại. Hai bên đang tích cực đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào; tiếp tục đàm phán Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới.
Thứ ba, hợp tác thương mại biên giới giữa hai nước phát triển tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế, cải thiện đời sống xã hội, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho cư dân biên giới.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới lần thứ XII giữa bộ Công Thương Việt Nam và bộ Công Thương Lào. |
Hạ tầng khu vực biên giới đã và đang được Chính phủ hai nước quan tâm đầu tư phát triển. Khu vực bến bãi vận tải, giao nhận hàng hóa thường xuyên được nâng cấp, mở rộng. Nhiều cặp cửa khẩu đã được mở và nâng cấp. Đến thời điểm hiện tại, hai nước đã có hơn 30 cặp cửa khẩu (bao gồm cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia và cửa khẩu phụ).
Xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ hiện chiếm tỷ trọng từ 70% đến 80% tổng giá trị xuất nhập khẩu song phương, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách trung ương và địa phương các tỉnh biên giới.
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo luồng chảy thương mại, Chính phủ hai nước cũng đã hết sức linh động và sáng tạo, nghiên cứu các phương thức để đảm bảo thông thương giữa hai nước. Nhờ vậy, trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra, kim ngạch thương mại hai nước không bị gián đoạn mà còn tăng trưởng ấn tượng.
Thứ tư, hợp tác mua bán điện thời gian qua đóng góp đáng kể vào kim ngạch thương mại song phương, hỗ trợ tích cực vào phát triển kinh tế của cả hai nước.
Từ năm 2016, Chính phủ hai nước đã ký Thỏa thuận tạo khuôn khổ pháp lý cho việc mua bán điện. Việt Nam cam kết mua điện từ Lào đến 1000 MW vào năm 2020, 3000 MW vào năm 2025 và 5000 MW vào năm 2030. Hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện nhập khẩu điện từ Lào đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện là 2689 MW.
Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều đang triển khai chuyển dịch năng lượng theo tinh thần giảm phát thải khí nhà kính, nguồn năng lượng tái tạo dồi dào từ thủy điện của Lào sẽ góp phần giúp Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đồng thời chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững. Ở chiều ngược lại, Lào cũng có nguồn thu ngân sách đáng kể từ xuất khẩu điện sang các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Thời gian tới, hai nước cần thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng nào?
Hợp tác thương mại - công nghiệp - năng lượng giữa Việt Nam - Lào trong các năm qua liên tục phát triển. Tuy nhiên, các kết quả đạt được, mặc dù rất đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Cảng Chân Mây có vị trí quan trọng kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa Việt Nam và Lào. |
Ở góc độ xuất khẩu, hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng, mẫu mã, giá cả cũng rất cạnh tranh lại chưa chiếm được thị phần cao tại Lào do vấp phải sự cạnh tranh từ hàng hóa tiêu dùng Thái Lan. Có thể thấy, dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tiềm năng của phân khúc thị trường này còn rất lớn. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần chủ động tận dụng cơ hội, xây dựng chiến lược tuyên truyền quảng bá để nhanh chóng thâm nhập, khẳng định thương hiệu tại thị trường Lào.
Chính phủ Lào cũng liên tục kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao để khai thác hết tiềm năng ở các tỉnh phía Bắc và Nam Lào. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần gia tăng xuất khẩu mặt hàng sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ, các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thức ăn gia súc.
Trang trại đầu tiên trong Tổ hợp bò sữa Lao - Jagro tại Xiêng Khoảng của Vinamilk đã hoàn thành các hạng mục xây dựng cơ bản. (Nguồn: Vinamilk) |
Ở góc độ nhập khẩu, từ đầu năm 2021, Chính phủ Lào đã điều chỉnh một số chính sách về xuất khẩu gỗ, cho phép gỗ xẻ, gỗ tấm được phép xuất khẩu. Trong bối cảnh ngành xuất khẩu gỗ của Việt Nam gặp nhiều thách thức do thiếu vùng nguyên liệu, nguồn gỗ và sản phẩm gỗ từ Lào sẽ góp phần làm giảm áp lực đầu vào cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ của Việt Nam.
Thêm vào đó, mặt hàng khoáng sản, nguyên vật liệu chiến lược từ Lào cũng là nguồn cung ứng tiềm năng cho sản xuất công nghiệp - năng lượng của Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức chủ động, gắn kết và hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp Lào để đảm bảo hiệu quả khai thác, chế biến, thương mại khoáng sản; không những duy trì được chuỗi cung ứng nguyên vật liệu chiến lược mà còn tận dụng được cơ hội để gia tăng giá trị xuất nhập khẩu.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
| Ngoại trưởng Hoa Kỳ mong muốn thúc đẩy các ưu tiên chung về hợp tác Tối 1/9 (theo giờ Hà Nội), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken thay mặt chính phủ nước này gửi lời chúc mừng đến Chính ... |
| Ấn Độ - Nơi bắt đầu cũng là nơi kết thúc Bắt đầu sự nghiệp ngoại giao với nhiệm kỳ công tác nước ngoài đầu tiên ở Ấn Độ rồi trở thành Đại sứ Việt Nam ... |
| Không ngừng vun đắp quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào Quan hệ Việt Nam-Lào là mối quan hệ mẫu mực trong quan hệ quốc tế như Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã khẳng định: “Trong lịch ... |
| Nhiều triển vọng mới trong hợp tác du lịch Việt Nam-Lào Việt Nam và Lào hợp tác chặt chẽ trong nhiều diễn đàn du lịch khu vực như ASEAN, Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng... |
| Lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế gửi Điện, Thư chúc mừng 77 năm Quốc khánh Việt Nam Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022), Lãnh đạo các nước và ... |