Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). |
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); đã có 102 lượt ý kiến phát biểu thảo luận ở Tổ, 26 lượt ý kiến phát biểu tại Phiên thảo luận tại Hội trường, 3 ý kiến tranh luận và 3 ý kiến bằng văn bản. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết, quan điểm xây dựng và nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.
Đến ngày 15/3/2021, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản tham gia góp ý của 48 Đoàn đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra tổng hợp, nghiên cứu và chủ trì phối hợp cùng các cơ quan liên quan để tiếp tục tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, khắc phục các hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Dự thảo Luật có các điểm mới chủ yếu như sau:
(1) Bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, nguyên tắc phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cần phải được kiểm soát.
(2) Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy.
(3) Bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy, cụ thể như sau:
- Người sử dụng trái phép chất ma túy được quản lý bởi Ủy ban nhân dân cấp xã. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
- Người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp (hoặc cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế).
- Người nghiện ma túy trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.
- Người hoàn thành cai nghiện ma túy (tự nguyện, bắt buộc), người hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế phải chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.
- Trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.
(4) Quy định rõ các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy. Nhà nước bảo đảm kinh phí xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và kinh phí xác định tình trạng nghiện.
(5) Bổ sung các quy định nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp cai nghiện ma túy:
- Xác định rõ các giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy
- Quyền và trách nhiệm của cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng;
- Chính sách của Nhà nước hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện.
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc bổ sung từ “tội phạm” để tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và để bao quát phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép chỉnh lý Điều 1 như sau: “Luật này quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy”.
Về bố cục của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của toàn dân và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, bên cạnh các quy định chung về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong phòng, chống ma túy quy định tại Chương II, thì cần cụ thể hóa trách nhiệm của một số chủ thể trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy .v.v… tại các quy định có liên quan khác của dự thảo Luật.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy, cần có một chương riêng về quản lý nhà nước là cần thiết. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm thống nhất với Luật Tổ chức Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát nội dung Chương VI của dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy của một số bộ ngành chủ chốt trong công tác phòng, chống ma túy.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tích hợp nội dung của các Điều 5, 11 và 29 của dự thảo Luật Chính phủ trình thành một điều về chính sách Nhà nước như thể hiện tại Điều 3 của dự thảo Luật và bổ sung trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy đối với một số chủ thể quy định trong Chương II.
Về trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (Điều 11), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên tắc chủ trì, phối hợp trong phòng, chống tội phạm về ma túy như quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 13 Luật hiện hành. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giữ nguyên tắc chủ trì, phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tội phạm về ma túy như Luật hiện hành, thể hiện tại khoản 2 và khoản 3 Điều 11 của dự thảo Luật.
Để tránh sự trùng lặp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng không quy định cụ thể trong Luật này một số hoạt động mà các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan được tiến hành, thể hiện tại Điều 11 của dự thảo Luật.
Về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (Chương IV), báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cũng chỉ ra rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng:
- Bổ sung quy định về xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể (Điều 22);
- Quy định thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 01 năm mà không phân biệt độ tuổi (khoản 2 Điều 23);
- Rà soát các quy định về nội dung quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (khoản 3 và khoản 4 Điều 23), các trường hợp dừng quản lý (khoản 5 Điều 23);
- Trách nhiệm khai báo hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 24); trách nhiệm của gia đình, cơ quan, cộng đồng (Điều 25) để bao quát đầy đủ, tránh quy định một cách tùy nghi và bảo đảm tính khả thi.
Về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng (Điều 30), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng:
- Quy định rõ thời hạn cai nghiện ma túy từ 06 tháng đến 12 tháng và người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà hoàn thành ít nhất 03 giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy (quy định tại khoản 1 Điều 29) thì được hỗ trợ kinh phí;
- Quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; trách nhiệm của người cai nghiện, cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp hoạt động cai nghiện ma túy. Các nội dung chỉnh lý được thể hiện tại Điều 30 của dự thảo Luật.
Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). |
Về cai nghiện ma túy bắt buộc (Điều 32), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ các trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nội dung chỉnh lý được thể hiện tại Điều 32 của dự thảo Luật.
Đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định về xác định tình trạng nghiện ma túy (Điều 27 của dự thảo Luật) theo hướng bảo đảm nguyên tắc chỉ cai nghiện ma túy đối với người đã được xác định là nghiện ma túy.
Về cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (Điều 33), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung điều về lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc như thể hiện tại Điều 34 của dự thảo Luật.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nêu rõ, về cơ sở cai nghiện ma túy (Điều 35 và 36), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung quy định về điều kiện, hoạt động, quyền và trách nhiệm của cơ sở cai nghiện ma túy công lập, cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện như thể hiện tại Điều 35 và 36 của dự thảo Luật.
Đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giữ quy định quản lý sau cai nghiện ma túy. Nội dung về quản lý sau cai nghiện được thể hiện tại Điều 40 của dự thảo Luật.