📞

Chủ tịch BRICS: Nga và Ấn Độ không cần đồng USD, triển khai lập rổ tiền tệ quốc tế mới

Minh Anh 08:05 | 31/08/2022
Chủ tịch Diễn đàn quốc tế BRICS Purnima Anand cho biết, Nga và Ấn Độ không còn cần đồng USD của Mỹ trong việc thanh toán chung.
Chủ tịch BRICS: Nga và Ấn Độ không cần USD của Mỹ, triển khai lập rổ tiền tệ quốc tế mới. (Nguồn: Kitco)

Hồi tuần trước, ông Anand đã tuyên bố trước giới truyền thông rằng, một cơ chế mới đã được thiết lập giữa hai nền kinh tế lớn này, trong đó họ chỉ sử dụng đồng Ruble của Nga và Rupee của Ấn Độ.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA dẫn lời ông Anand cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện cơ chế công nhận lẫn nhau trong thanh toán song phương bằng đồng Ruble và Rupee. Bởi vậy, chúng tôi không cần thiết phải sử dụng USD trong các khu vực chung”.

Ông Anand nói thêm, một cơ chế tương tự đang được phát triển giữa Nga và Trung Quốc để loại bỏ việc sử dụng đồng bạc xanh và chỉ sử dụng đồng Ruble và Nhân dân tệ.

Cách thanh toán hàng hóa này mang lại cho Nga một giải pháp để tránh các lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này sau chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Theo như Chủ tich Diễn đàn quốc tế BRICS Purnima Anand, “Các nước BRICS đang mở cửa với Nga, tạo cơ hội để nước này khắc phục hậu quả của các lệnh trừng phạt”.

Thời gian qua, Nga đã nỗ lực tăng cường quan hệ với Ấn Độ, kết quả đáng chú ý là thương mại song phương đã tăng gấp 5 lần trong vòng 4 thập kỷ qua.

Ấn Độ đã nhập khẩu nhiều dầu hơn từ Nga, trong khi Moscow tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp, dệt may và thuốc.

Ấn Độ là nền kinh tế hàng đầu châu Á không tuân theo sức ép từ phương Tây về việc cấm mua dầu của Nga. "Khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu, đã có áp lực buộc Ấn Độ phải ngừng nhập khẩu dầu của Nga, nhưng New Delhi đã bác bỏ áp lực này.

Phía Nga được đảm bảo rằng, nguồn cung cấp sẽ không bị ngừng và lệnh trừng phạt sẽ không có cách nào ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nước chúng tôi", ông Anand nêu rõ.

Đầu mùa Hè này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) đang phát triển một loại tiền dự trữ dựa trên rổ tiền tệ mới.

"Vấn đề tạo ra một loại tiền dự trữ quốc tế dựa trên một rổ tiền tệ của các quốc gia của chúng tôi đang được bàn bạc", ông Putin phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh BRICS vào cuối tháng 6 vừa qua.

"Chúng tôi sẵn sàng làm việc công khai với tất cả các đối tác một cách công bằng. Năm quốc gia cũng đang cố gắng tạo ra một cơ chế thay thế cho thanh toán quốc tế, Tổng thống Nga nói thêm.

Ngoài ra, trong thời gian tới, nhóm BRICS cũng có thể thấy số lượng thành viên được mở rộng, với Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Saudi Arabia đang xem xét gia nhập nhóm.

Để triển khai những đường hướng chung nói trên, ngay trong mùa Hè này, Ấn Độ và Nga đã tổ chức các cuộc thảo luận để chấp nhận các hệ thống thanh toán RuPay và Mir địa phương của nhau, theo Deccan Herald.

Các nhà phân tích coi đề xuất tiền tệ dự trữ BRICS mới này là một giải pháp thay thế cho USD của Mỹ và Quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

"Người ta chỉ có thể nghĩ rằng, đây là một động thái nhằm bỏ qua quyền bá chủ của IMF và sẽ cho phép BRICS xây dựng phạm vi ảnh hưởng riêng, cũng như công nhận đơn vị tiền tệ của riêng họ trong phạm vi đó", Chris Turner, người đứng đầu thị trường toàn cầu của ING cho biết.

Những nỗ lực của Nga nhằm phi đô la hóa không còn là điều mới mẻ, nhưng họ đã tăng tốc từ khi các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với Moscow, sau căng thẳng với Ukraine vào cuối tháng 2/2022.

Hiện tại, đồng USD mới thiết lập mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Nhiều chuyên gia phân tích dự đoán rằng, đà tăng giá của đồng bạc xanh vẫn chưa dừng lại. Đồng USD được củng cố sức mạnh nhờ vào điểm yếu của những đồng tiền khác. Đồng EUR liên tục chịu ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng tài chính, trong khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc dựa nhiều vào chính sách tiền tệ của Bắc Kinh. Tuy nhiên, các đồng tiền thay thế vẫn đang dần trỗi dậy.

(theo Kitco News)