📞

Chủ tịch CBI cảnh báo kịch bản xấu nhất về Brexit

14:45 | 03/03/2017
Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) Paul Drechsler cho rằng, Anh rời Liên minh châu Âu (EU) – hay còn gọi là Brexit, mà không đạt được thỏa thuận thương mại nào sẽ gây ra những hậu quả về kinh tế đối với nước Anh.

Ông Drechsler nói, tại Anh và trên khắp EU, các doanh nghiệp đang lo ngại về kịch bản xấu nhất đó, với một số chuẩn bị sẵn sàng cho việc giảm thiệt hại về kinh tế, trong khi số khác không có sự chuẩn bị, do còn hy vọng về một thỏa thuận, nhưng thực tế thì nhiều doanh nghiệp không thể chuẩn bị bởi cái giá cho sự thay đổi đơn giản là quá lớn để có thể tính đến.

Theo ông Drechsler, Anh sẽ chịu thuế đánh vào 90% giá trị hàng xuất khẩu vào EU và đối mặt với một loạt trở ngại pháp lý mới. Trong khi đó, nếu là thành viên EU, các doanh nghiệp Anh không phải đóng bất kỳ khoản thuế nào cũng như tuân thủ quy định của EU.

Người đứng đầu tổ chức gồm 190.000 doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực và quy mô này cũng cho biết Liên đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp trên khắp EU để hướng tới một thỏa thuận toàn diện có lợi cho tất cả các bên. Ông cho rằng những người ủng hộ Anh "tay trắng" ra khỏi EU không chỉ là sai lầm mà còn là vô trách nhiệm.

Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Anh Paul Drechsler cho rằng, việc ủng hộ Anh "tay trắng" ra khỏi EU không chỉ là sai lầm mà còn là vô trách nhiệm. (Nguồn: PA)

Nếu ra khỏi EU mà hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại, Anh sẽ phải dựa vào các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một loạt thuế sẽ ngay lập tức làm tăng giá hàng hóa của cả hai bên nhưng tác động đến Anh sẽ lớn hơn do sự phụ thuộc của nước này vào thương mại với EU lớn hơn so với chiều ngược lại.

Theo quy định của WTO, Anh sẽ không thể giao thương với các đối tác cũ trong EU theo những điều khoản có lợi hơn so với các nước không có thỏa thuận thương mại với EU như Mỹ. Do đó, EU sẽ áp thuế lên khoảng 15.000 hàng hóa theo một cách không đồng nhất, với một số hàng hóa của Anh như dược phẩm sẽ không chịu thuế bổ sung, nhưng đại đa số sản phẩm sẽ không tránh được khả năng đó. Ngược lại, hàng hóa từ EU vào Anh cũng sẽ phải chịu thuế. Bởi vậy, hai bên sẽ có chiều hướng nhất trí về một thỏa thuận thương mại mới, không chỉ là về thuế mà còn về các tiêu chuẩn và quy định. EU đặt ra những hạn chế đối với sản phẩm như thực phẩm biến đổi gene.

Thủ tướng Anh Theresa May được cho là sẽ khởi động tiến trình đàm phán chính thức cho việc rời EU vào cuối tháng này. Việc kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon sẽ khởi động tiến trình đàm phán hai năm về các điều khoản liên quan đến Brexit. Bà May hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại mới với EU, nhưng có những nghi ngại khi việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do thường kéo dài nhiều năm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: EPA)

Cũng liên quan đến quan hệ Anh-EU, tại một cuộc họp mới đây, đa số các nghị sỹ EU nhấn mạnh Anh phải tuân thủ quy định về quyền đi lại tự do của những công dân EU đang sinh sống tại Anh cho đến khi ra khỏi khối. Vấn đề này được đưa ra thảo luận khi truyền thông đưa tin bà May sẽ tự động chấm dứt các quyền này khi bà kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Trong một diễn biến khác, Cơ quan quản lý thị trường và chứng khoán EU đang tìm kiếm các cách thức để ngăn chặn tình trạng các cơ quan quản lý các nước cạnh tranh không công bằng nhằm thu hút các công ty tài chính từ Anh hậu Brexit. Cơ quan này đang đánh giá rủi ro của việc một số nước thành viên nới lỏng giám sát hơn so với các nước khác để có được việc làm và tiền đóng thuế cao từ các công ty tài chính.

(theo ABCNews, The Guardian)