Các đại diện của EuroCham dự họp báo sau buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh chụp màn hình) |
Phát biểu tại họp báo trực tuyến, Chủ tịch EuroCham cho biết, tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên EuroCham đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai cơ chế vaccine Covid-19... để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Ông Alain Cany nhận định, những phản hồi của Thủ tướng cho thấy sự sẵn sàng của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp châu Âu vượt khó khăn do Covid-19.
Theo Chủ tịch EuroCham, sau 3 tuần triển khai chiến dịch “Hồi sinh nhịp thở Việt Nam” (Breathe again Vietnam), EuroCham đã kêu gọi được hơn 1 triệu Euro (tương đương 28 tỷ đồng) để mua các trang thiết bị y tế, máy thở, hỗ trợ cho ngành y tế. Ông hy vọng, sẽ kêu gọi được 40 tỷ đồng cho chiến dịch.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chiều 9/9, EuroCham đã trao tấm séc biểu tượng của chiến dịch cho Việt Nam.
Theo ông Alain Cany, hiện tại, ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần 4 đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Trên thế giới, một số quốc gia đã mở cửa trở lại, nhu cầu ở châu Âu tăng mạnh, nhưng do không thể sản xuất được nên 18% đơn hàng của các doanh nghiệp châu Âu đã được chuyển đi và 16% đơn hàng khác đang cân nhắc chuyển sang nước khác.
Dù quyết định này chỉ là tạm thời, chưa có các nhà đầu tư nào rút ra khỏi Việt Nam và nhiều doanh nghiệp vẫn lạc quan, tin tưởng vào tương lai của quốc gia này nhưng Chủ tịch EuroCham mong muốn, Chính phủ hành động sớm để kiểm soát dịch bệnh, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Alain Cany thông tin, đến nay đã có 10 triệu liều vaccine của châu Âu được cung cấp cho Việt Nam qua cơ chế COVAX.
Ông khẳng định: "Chúng tôi đã làm việc với các Đại sứ châu Âu để khẳng định thông điệp, Việt Nam nên nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu trong các quốc gia đang phát triển để cung cấp vaccine. Thời gian tới, việc tiếp cận vaccine ngày càng khó khăn nhưng EuroCham sẽ cố gắng đàm phán để ưu tiên vaccine cũng như mua thêm thuốc điều trị hỗ trợ cho Việt Nam".
Chủ tịch EuroCham cũng chia sẻ, hiện tại, những gì các doanh nghiệp châu Âu cần là giải pháp giải quyết các rào cản đối với hoạt động thương mại và cung cấp cho họ một lộ trình để lên kế hoạch khởi động trở lại.
Một trong những vấn đề cấp bách nhất là cần có hộ chiếu vaccine điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine được tự do di chuyển.
Ông nói: "Đặc biệt, chúng tôi kêu gọi Chính phủ đẩy nhanh quy trình cho phép lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia và gia đình của họ quay trở lại Việt Nam. Thủ tục hiện tại vừa tốn thời gian, vừa gây ra nhiều khó khăn, đồng thời, là rào cản đáng kể đối với các hoạt động thương mại và đầu tư - vốn là yếu tố cần thiết để đạt được tăng trưởng kinh tế sau đại dịch".
Ông Alain Cany cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai tiêm chủng vaccine, ưu tiên những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất để cho phép mở cửa dần dần các tỉnh và thành phố, thúc đẩy các hoạt động thương mại trở lại bình thường.
Song song với đó, Việt Nam cần thống nhất các quy định nhằm giảm bớt tâm lý hoang mang cho các công ty, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt; cùng với việc hợp lý hóa và đơn giản hóa các thủ tục hải quan.
Tại họp báo, chia sẻ thêm về vấn đề vaccine, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho hay, nhiều đối tác đang hỗ trợ sát cánh cùng Việt Nam trong công tác phòng, chống Covid-19. Nhà đầu tư châu Âu cũng đang gặp khó khăn lớn nhất là duy trì hoạt động kinh doanh, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp trước tác động rất lớn của đại dịch Covid-19.
Đại sứ Nicolas Warnery khẳng định: "Các nhà đầu tư châu Âu và cả doanh nghiệp Việt Nam đều mong muốn giải quyết khó khăn để duy trì hoạt động, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, đóng góp vào nền kinh tế. Nhưng những hạn chế do đại dịch gây ra thì vấn đề tiêm vaccine là yếu tố thiết yếu.
Rất nhiều đối tác châu Âu đã hỗ trợ, sát cánh cùng Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh. Đây là cuộc chiến chung của tất cả các bên và chúng ta sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam để chống lại đại dịch".
Tuy nhiên, Đại sứ Pháp khuyến nghị, quá trình nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà quản lý đã tiêm vaccine đầy đủ vào Việt Nam cần cởi mở hơn. Điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế.
Ngoài ra, ông Nicolas Warnery cũng đề nghị các bên hỗ trợ việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).
| Chủ tịch EuroCham: Vaccine Covid-19 là cách chữa lành 'vết thương' kinh tế vĩnh viễn Chia sẻ với TG&VN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany nhận định, vaccine Covid-19 là chìa khóa ... |
| EuroCham: Việt Nam trong ‘tầm ngắm’ của các nhà đầu tư châu Âu Chia sẻ với TG&VN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany nhận định, EVFTA đã có hiệu lực. ... |