Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, hiệu quả nhằm triển khai Đề án Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài - một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ngoại giao văn hóa của Bộ Ngoại giao. Đại sứ có thể chia sẻ kinh nghiệm mang lại những thành công này?
Sau khi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao lần lượt ban hành “Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030” và “Kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030”, nhận thức rõ ngoại giao văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela đã tích cực, chủ động triển khai Chiến lược, nghiên cứu, tham mưu cho các cơ quan trong nước về chính sách ngoại giao văn hóa và việc tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa ở nước ngoài.
Trong khuôn khổ triển khai Đề án Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng Giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài, Đại sứ quán đã chủ động xây dựng cách thức mới trong việc tuyên truyền, vinh danh và lan tỏa tư tưởng Hồ Chí Minh.
Lễ dâng hoa kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự tham dự của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và Cơ quan Tùy viên Quốc phòng tại Venezuela. |
Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tổ chức dịch và gắn phụ đề tiếng Tây Ban Nha cho bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh-Chân dung một con người” của đạo diễn Bùi Đình Hạc, công chiếu trên kênh truyền hình quốc gia Venezuela vào đúng dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2020).
Đây là lần đầu tiên sau 30 năm, bộ phim về thân thế và sự nghiệp của Bác được dịch sang tiếng Tây Ban Nha. Đại sứ quán đã chia sẻ tư liệu quý báu này với các cơ quan đại diện ta tại khu vực Nam Mỹ và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bộ phim tư liệu về Bác với phụ đề tiếng Tây Ban Nha đã được các cơ quan đánh giá cao và sử dụng hiệu quả tại các địa bàn.
Đồng thời, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) triển khai các hoạt động vinh danh, tuyên truyền về Bác nhân các dịp kỷ niệm như tổ chức Lễ dâng hoa tưởng niệm tại tượng đài Bác trên đại lộ Bolivar.
Đặc biệt, buổi lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác đã được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình quốc gia Venezuela. Đại sứ quán cũng đã tổ chức các hoạt động văn nghệ tại Tòa thị chính Caracas với sự tham dự của các nghệ sĩ Venezuela trình diễn các bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Tây Ban Nha.
Dịp này, Đại sứ quán đã triển khai công tác tu bổ, rà soát nội dung và tiến hành gắn biển tên mới tại tượng đài Bác với các thông tin vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).
Chúng tôi cũng xác định trọng tâm, phối hợp với Bộ Giáo dục Đại học Venezuela, chính quyền bang Guárico và Đại học Rómulo Gallegos thành lập Bộ môn Chính trị-Kinh tế-Xã hội Hồ Chí Minh tại Đại học Rómulo Gallegos và khánh thành không gian trưng bày tư liệu, hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam tại khuôn viên trường với những vật phẩm bao gồm tượng bán thân và ảnh chân dung Bác Hồ, các ấn phẩm về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người, về đất nước, con người Việt Nam, nón lá, tài liệu du lịch và bản đồ Việt Nam…
Đây là khoa Hồ Chí Minh đầu tiên tại Venezuela, là nơi nghiên cứu, trao đổi và giảng dạy về tư tưởng Hồ Chí Minh cho các thế hệ sinh viên Venezuela.
Đồng thời, Đại sứ quán đã trao tặng cho trường những chậu sen giống đưa từ Nam Đàn, Nghệ An quê Bác, như những tình cảm sâu sắc dành tặng cho các thế hệ sinh viên của trường, kết nối giữa hai vùng đất xa xôi về địa lý nhưng cùng chung những tình cảm trân trọng, kính mến dành cho Người.
Lễ dâng hoa tại tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Người tại Venezuela với sự tham dự của Đại sứ quán Việt Nam, bạn bè quốc tế và đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. |
Tiếp nối thành công đó, nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại sứ quán đã phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Thực nghiệm Quân đội Venezuela (UNEFA) khai trương Khoa Việt Nam: Đất nước và Văn hóa thời đại Hồ Chí Minh.
Trường Đại học UNEFA là hệ thống đào tạo có bề dày gần 50 năm đào tạo với trên 110.000 sinh viên và là một trong những trường đại học lớn nhất tại Venezuela với 21 cơ sở đào tạo trên toàn lãnh thổ.
Khoa đã triển khai giảng dạy, nghiên cứu các bộ môn về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế, chính trị Việt Nam và trong tương lai sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan Việt Nam trao đổi học thuật, thông tin, tài liệu, giáo trình về Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, Hiệu trưởng trường UNEFA, Thượng tướng Pascualino Angiolillo bày tỏ mong muốn nhân rộng mô hình Khoa Việt Nam: Đất nước và Văn hóa thời đại Hồ Chí Minh tại 21 các cơ sở của trường trên toàn quốc và cam kết xây dựng Khoa trở thành một trung tâm nghiên cứu, giảng dạy và phổ biến thông tin về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chi Minh tại Venezuela, Mỹ Latinh và trên thế giới.
Đại sứ có ấn tượng gì về tình cảm đặc biệt của người dân bản địa dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam?
Phải nói rằng, tình cảm của người dân Venezuela đối với Việt Nam nói chung và Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng là rất đặc biệt. Người dân Venezuela luôn tôn trọng, ngưỡng mộ đất nước Việt Nam anh hùng với lịch sử kiên cường bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trước các thế lực ngoại xâm và ngày nay đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Người dân Venezuela cũng đặc biệt kính trọng và yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại mang tầm quốc tế với những tư tưởng thiên tài, luôn giản dị và gần gũi với quần chúng nhân dân.
Văn hóa chính trị của Venezuela đề cao tinh thần giải phóng và coi trọng Lãnh tụ. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo Venezuela thường ví Chủ tịch Hồ Chí Minh với Lãnh tụ Simón Bolívar – nhà Giải phóng vĩ đại của các dân tộc Mỹ Latinh.
Bên cạnh đó, có lẽ không ở nơi nào khác trên thế giới ngoài Việt Nam, lại có nhiều bài hát rất hay về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh như tại Venezuela.
Nhạc sĩ, ca sĩ Alí Primera, một nhạc sĩ cách mạng nổi tiếng của Venezuela, đã để lại một di sản hết sức quý báu cho quan hệ hai nước Việt Nam-Venezuela với những bài hát về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà gần như người Venezuela nào đã trải qua thời kỳ xuống đường tuần hành ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và thống nhất đất nước cũng đều có thể hát một cách tự nhiên, say mê và đầy cảm hứng.
Đó là các bài như Bác Hồ, Tiến lên Việt Nam, Người phụ nữ Việt Nam với giai điệu hào hùng, tình cảm, mang đậm hơi thở của nền âm nhạc Mỹ Latinh.
Ngoài ra, tại thủ đô Caracas, khu vực tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được lực lượng cảnh sát bảo vệ nghiêm ngặt, thường xuyên thực hiện công tác tuần tra nhằm duy trì và bảo vệ tính trang nghiêm của tượng đài.
Đại sứ Lê Viết Duyên phát biểu tại tọa đàm "Thực tiễn đổi mới, phát triển đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và bài học kinh nghiệm với Venezuela" tại Khoa Việt Nam: Đất nước và Văn hóa thời đại Hồ Chí Minh, trường UNEFA. |
Kế hoạch của Đại sứ quán nhằm thúc đẩy hơn nữa việc tuyên truyền và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước sở tại trong thời gian tới?
Đại sứ quán sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Tư tưởng Hồ Chí Minh của Việt Nam tại Đại học Rómulo Gallegos, tổ chức kết nối giữa các cơ quan, học viện nghiên cứu Hồ Chí Minh của Việt Nam với Khoa Việt Nam: Đất nước và Văn hóa thời đại Hồ Chí Minh tại Đại học UNEFA với mục đích lan tỏa tư tưởng Hồ Chí Minh đến mọi tầng lớp người dân Venezuela, đặc biệt là tầng lớp sinh viên, thế hệ trẻ.
Đồng thời, nhằm hỗ trợ cho việc triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đang liên hệ với các đơn vị đầu mối trong nước đề nghị hỗ trợ cung cấp các tư liệu, ấn phẩm về Bác và tài liệu giảng dạy về Tư tưởng Hồ Chí Minh bằng tiếng Tây Ban Nha mà hiện đang rất thiếu.
Cùng với việc mời bạn bè sở tại và Ngoại giao đoàn tham dự các buổi lễ vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tượng đài Bác, Đại sứ quán cũng tiếp tục trao đổi với các nhà báo, nhà nghiên cứu, chuyên gia, học giả, bậc lão thành cách mạng của Venezuela chia sẻ những câu chuyện, thông tin về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người dân Venezuela nói riêng và nhân dân thế giới nói chung.
Theo Đại sứ, để việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng có ý nghĩa và hiệu quả thực sự, công tác này cần có những đổi mới gì?
Bên cạnh các hoạt động phối hợp, hỗ trợ các nước có nguyện vọng và mong muốn xây dựng tượng đài, đặt biển tên đường mang tên Bác… thì việc thúc đẩy nghiên cứu, trao đổi, giảng dạy, phổ biến và quảng bá tư tưởng Hồ Chí Minh mang tầm phổ quát, đồng thời cũng rất sâu sắc và thực tế với các học giả, tầng lớp sinh viên, thế hệ trẻ là cách làm có tầm lan tỏa rộng rãi, thấm thía và bền vững với người dân Venezuela nói riêng và bạn bè trên thế giới nói chung.
Đại sứ Lê Viết Duyên tại Lễ khai trương Khoa Việt Nam: Đất nước và Văn hoá thời đại Hồ Chí Minh tại trường UNEFA. |
Việc hình thành và xây dựng các khoa nghiên cứu về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập trung vào việc giảng dạy, nghiên cứu, phổ biến và truyền bá tư tưởng của Người là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, ta nên khuyến khích, hợp tác và hỗ trợ việc xây dựng các khoa Hồ Chí Minh tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở những địa bàn phù hợp.
Đặc biệt, tại Venezuela, các chính khách, chuyên gia, học giả và người dân hết sức khâm phục, ngưỡng mộ và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ bày tỏ mong muốn có điều kiện nghiên cứu về văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt là tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm tìm ra những điểm tương đồng để áp dụng vào thực tiễn công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI tại Venezuela.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!