Chủ tịch nước Lương Cường và các nhà lãnh đạo APEC. |
Tham dự Hội nghị có các nhà Lãnh đạo và Trưởng đoàn 21 nền kinh tế thành viên và khách mời là Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tin liên quan |
APEC 2024: Việt Nam coi Nhật Bản là một trong những đối tác tin cậy, quan trọng và lâu dài |
Với chủ đề “Trao quyền - Bao trùm - Tăng trưởng”, Hội nghị khẳng định quyết tâm hiện thực hóa Tầm nhìn Putrajaya 2040 về một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương cởi mở, năng động, tự cường và hòa bình, bảo đảm mọi người dân được tham gia và thụ hưởng từ tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm.
Hội nghị cũng nhấn mạnh ưu tiên duy trì APEC là diễn đàn hợp tác năng động và tự cường, dựa trên các nguyên tắc cơ bản như tự nguyện, không ràng buộc và đồng thuận.
Chia sẻ về tình hình kinh tế thế giới, Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh những dấu hiệu tích cực như lạm phát đang giảm, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế APEC cao hơn mức trung bình của thế giới.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại, và thương mại hiện không còn là động lực tăng trưởng toàn cầu do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng phân mảnh và bảo hộ gia tăng.
Trước tình tình đó, các Nhà Lãnh đạo APEC nhất trí tiếp tục xây dựng một môi trường thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, không phân biệt đối xử, minh bạch; ủng hộ các nỗ lực cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để ứng phó hiệu quả hơn các thách thức kinh tế và thương mại hiện nay.
Tổng thống Peru đón Chủ tịch nước Lương Cường đến Hội nghị cấp cao APEC 2024. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Các nhà Lãnh đạo thống nhất đẩy mạnh hợp tác nâng cao sức chống chịu của các nền kinh tế APEC; chuyển đổi số trên toàn khu vực, phát triển hạ tầng số và kỹ năng số, tạo thuận lợi cho thương mại điện tử; ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu; đồng thời tạo thêm việc làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và các nhóm yếu thế, qua đó thu hẹp khoảng cách phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Lương Cường đã chỉ ra 3 nét tương phản lớn trong một bức tranh kinh tế thế giới hiện nay: Căng thẳng địa chính trị, bất ổn vĩ mô đang ảnh hưởng tăng trưởng toàn cầu, song châu Á - Thái Bình Dương vẫn là đầu tàu, động lực tăng trưởng của thế giới.
Tình trạng bảo hộ, phân mảnh, phân cực gia tăng, song nhu cầu hợp tác, liên kết kinh tế vẫn rất mạnh mẽ. Khoảng cách phát triển và các vấn đề môi trường toàn cầu tiếp tục là những thách thức hàng đầu, tuy nhiên sự phát triển của các công nghệ đột phá, xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngày càng sâu rộng và toàn diện, đang mang đến nhiều giải pháp sáng tạo và cơ hội hợp tác.
Để APEC tiếp tục đứng vững trước thách thức và nắm bắt hiệu quả các cơ hội, Chủ tịch nước đề xuất 3 định hướng hợp tác lớn cho APEC thời gian tới.
Một là, tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ. Kiến tạo và duy trì các liên kết kinh tế thông suốt. Tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng chảy tài chính, công nghệ, tri thức và lao động xuyên biên giới. Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng có sức chống chịu cao, bền vững.
Hai là, đẩy mạnh các chương trình hợp tác, sáng kiến về tăng trưởng bao trùm, công nghệ bao trùm. Lấy người dân làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ưu tiên các giải pháp thu hẹp khoảng cách số, hỗ trợ các cộng đồng yếu thế ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các công nghệ số và thành quả của đổi mới sáng tạo. Đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng xanh, hạ tầng số, hợp tác chia sẻ ứng dụng công nghệ mới trong xử lý các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu.
Ba là, không ngừng nâng cao năng lực thể chế và quản trị toàn cầu. Đẩy mạnh cải cách cơ cấu, hoàn thiện thể chế của APEC theo hướng tinh gọn, năng động, thích ứng, đón đầu, sẵn sàng kiến tạo các động lực tăng trưởng mới. Khuyến khích sự tham gia, đóng góp sâu rộng của doanh nghiệp và người dân - những chủ thể, mục tiêu và trung tâm của hợp tác APEC.
APEC 2024. |
Chủ tịch nước cũng khẳng định trong vai trò nước đăng cai APEC 2027 và thành viên Nhóm xây dựng chương trình cải cách cơ cấu mới của APEC giai đoạn 2026-2030, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực và triển khai hiệu quả các định hướng và tầm nhìn của hợp tác APEC.
Sau phần thảo luận, Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung các Nhà Lãnh đạo APEC cùng 02 sáng kiến dấu ấn của nước chủ nhà Peru gồm Lộ trình thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức và toàn cầu, và Tuyên bố về cách nhìn mới về khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Các Nhà Lãnh đạo cũng hoan nghênh Hàn Quốc đăng cai APEC 2025, Trung Quốc đăng cai APEC 2026, và Việt Nam đăng cai APEC 2027.
* Chiều ngày 16/11, theo giờ địa phương, Chủ tịch nước Lương Cường cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Sân bay quốc tế Jorge Chavez, Lima, lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 và thăm chính thức Cộng hòa Chile và Cộng hòa Peru.
| Mở ra không gian hợp tác rộng lớn hơn cho quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brazil Với nền tảng quan hệ tốt đẹp trong hơn 3 thập kỷ qua, chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và hoạt ... |
| Toàn cảnh lễ đón lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2024 dự Hội nghị cấp cao Sáng 16/11, Chủ tịch nước Lương Cương đã tham dự lễ đón lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2024 dự Hội nghị cấp cao ... |
| APEC 2024: Chủ tịch nước Lương Cường gặp, trao đổi với lãnh đạo các nền kinh tế Ngày 15/11, bên lề Hội nghị cấp cao APEC 2024 tại Lima, Peru, Chủ tịch nước Lương Cường đã gặp Tổng Bí thư Chủ tịch ... |