Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Belarus có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, năng động và hiệu quả hơn trong thời gian tới; tình hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc, sự tin cậy chính trị và quyết tâm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Belarus, những kết quả hợp tác tích cực đạt được trong thời gian qua là cơ sở vững chắc để đưa quan hệ phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng lợi ích của cả hai bên.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá các thỏa thuận quan trọng được ký kết và đã có hiệu lực giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế-thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu và Nghị định thư Việt Nam-Belarus về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải gắn động cơ trên lãnh thổ Việt Nam sẽ tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Đánh giá về những thành tựu những năm qua của quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, trong suốt hơn 65 năm qua, từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950, trở thành Đối tác chiến lược năm 2001 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện tháng 7/2012, quan hệ chính trị với độ tin cậy cao ngày càng được tăng cường thông qua cơ chế trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương thường xuyên ở các cấp, đặc biệt là cấp cao và cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược.
Hợp tác kinh tế-thương mại tiếp tục phát triển năng động; trao đổi thương mại song phương đang tăng trưởng tích cực; việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất ôtô hứa hẹn đem đến những chuyển biến tích cực trong quan hệ kinh tế Việt Nam-Liên bang Nga.
Hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa và du lịch giữa hai nước được đẩy mạnh.
Các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Nhìn tổng thể, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, có thể khẳng định, quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực.
Tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, chúng ta cần tăng cường hợp tác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cả hai bên, đưa quan hệ hai nước phát triển bền vững và hiệu quả hơn nữa.
Để nâng cao hiệu quả và phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga thời gian tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, hai nước cần tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị tin cậy, triển khai mạnh mẽ hợp tác trong các lĩnh vực trụ cột về thương mại, năng lượng, quốc phòng-an ninh, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như công nghệ cao, vật liệu mới…
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao việc Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam, tin tưởng việc triển khai hiệu quả Hiệp định này sẽ tạo động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu với mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2020.
Hiệp định Thương mại tự do này có ý nghĩa chiến lược, tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EAEU nói chung cũng như với từng nước thành viên nói riêng.
Đây là Hiệp định đầu tiên mà EAEU ký với một nước ngoài khối và cũng là hiệp định đầu tiên Việt Nam ký với một khối, một thị trường chung rộng lớn và đầy triển vọng của 5 nước gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kirgizia, với tổng GDP 2.200 tỷ USD và 183 triệu dân.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, sau khi Hiệp định có hiệu lực, dự kiến kim ngạch thương mại Việt Nam-Liên bang Nga tăng bình quân 18-20%/năm, đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020.
Với Belarus, Chủ tịch nước đánh giá, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu mang đến cơ hội quý báu, một không gian mới để phát triển quan hệ kinh tế-thương mại.
Về tổng thể, hai bên đã cam kết dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.
Mức ưu đãi thuế quan mà hai bên dành cho nhau cho phép Việt Nam và Belarus tăng khối lượng xuất khẩu sang thị trường của nhau, nhất là các mặt hàng chủ lực.