Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Đặng Thị Hải Tâm. |
Cộng hòa Phần Lan là điểm dừng chân cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sau Cộng hòa Áo và Vương quốc Bỉ.
Chia sẻ với Báo TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Đặng Thị Hải Tâm đã nêu bật tầm quan trọng và ý nghĩa của chuyến thăm chính thức duy nhất trong chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Dấu mốc mới
Theo Đại sứ Đặng Thị Hải Tâm, chuyến thăm chính thức Phần Lan của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng.
Đây là chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Phần Lan sau 28 năm, là dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước và hai cơ quan lập pháp; đồng thời, thông qua Phần Lan thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Bắc Âu và Baltics.
Diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII và kết thúc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Phần Lan nhằm thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng, mở rộng đối ngoại nhân dân - một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Phần Lan, đồng thời xây dựng quan hệ ở cấp Lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam với các nước.
Các hoạt động của Đoàn Chủ tịch Quốc hội nhằm góp phần thực hiện ngoại giao phục vụ kinh tế, vận động Phần Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), tiếp xúc cộng đồng doanh nghiệp Phần Lan, khẳng định chủ trương của Việt Nam duy trì môi trường ổn định, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cởi mở, là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư.
Đại sứ Đặng Thị Hải Tâm nhận định: “Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Phần Lan sẽ mở đầu cho một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai nước, theo đó hai bên tăng cường gắn kết các thành phần kinh tế năng động của hai nước cho sự phát triển chung, hai bên cùng có lợi”.
Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hiện tại còn góp phần vận động các nguồn lực từ châu Âu hỗ trợ Việt Nam chống dịch Covid-19, triển khai ngoại giao vaccine và thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế thông qua thu hút các dự án mới đầu tư, hợp tác vào Việt Nam.
Đại sứ Đặng Thị Hải Tâm cho biết cộng đồng người Việt tại Phần Lan vô cùng vinh dự và tự hào khi được đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sang thăm.
“Chuyến thăm là nguồn cổ vũ, động viên, quan tâm của Đảng và Nhà nước với người Việt ở Phần Lan”, nữ Đại sứ nhấn mạnh.
Chuyến thăm Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng. (Nguồn: TTXVN) |
Hợp tác ưu tiên và thiết thực
Theo Đại sứ Đặng Thị Hải Tâm, Việt Nam và Phần Lan duy trì và phát triển tích cực mối quan hệ hữu nghị truyền thống, bạn bè tốt, thủy chung kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/1/1973.
Đại sứ quán Phần Lan thành lập tại Hà Nội năm 1974 và Việt Nam mở Đại sứ quán tại Phần Lan năm 2005. |
Trong chặng đường gần nửa thế kỷ, Phần Lan đã tích cực ủng hộ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.
Tại các diễn đàn đa phương quốc tế, hai nước tích cực ủng hộ lẫn nhau. Trong khi Phần Lan coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, thì Việt Nam cũng nhận định Phần Lan là điểm sáng trong quan hệ với các nước khu vực Bắc Âu.
Trong những năm qua, Phần Lan luôn coi Việt Nam là một trong các đối tác ưu tiên trong việc phân bổ nguồn hỗ trợ phát triển không hoàn lại không điều kiện với tổng giá trị hơn nửa tỷ Euro.
Sự giúp đỡ của Phần Lan với Việt Nam đi vào các lĩnh vực thiết thực như xây dựng hệ thống nước sạch, xoá đói giảm nghèo, khai thác và bảo tồn tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu, giáo dục đào tạo…
Với những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam về kinh tế và xã hội, Phần Lan vui mừng đánh giá các khoản hỗ trợ phát triển dành cho Việt Nam đã được thực hiện hiệu quả.
Khi Việt Nam đạt tới ngưỡng phát triển của nước có thu nhập trung bình thấp, quan hệ hai nước đi vào giai đoạn chuyển đổi, chuyển dần từ hợp tác phát triển sang quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác kinh doanh cùng có lợi.
Đại sứ Đặng Thị Hải Tâm đánh giá, hợp tác kinh tế là ưu tiên hàng đầu và cũng là điểm nhấn trong bức tranh quan hệ song phương hiện nay.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước tăng liên tục qua các năm mặc dù giá trị tuyệt đối không thật lớn do quy mô dân số của Phần Lan chỉ ở mức hơn 5,5 triệu dân. Năm 2020, kim ngạch hai chiều đạt 337,4 triệu USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu 196,6 triệu USD và xuất khẩu 140,8 triệu USD.
Về quan hệ nghị viện, trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước được duy trì tốt đẹp thông qua trao đổi một số đoàn cấp Lãnh đạo và các Cơ quan của Quốc hội, trong đó phải kể đến đoàn Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Phần Lan năm 1993, và Chủ tịch Quốc hội Phần Lan thăm Việt Nam năm 2010.
Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, hai bên duy trì tiếp xúc, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP).
Tiềm năng vô hạn trong thời đại mới
Đánh giá về tiềm năng hợp tác Việt Nam-Phần Lan trong tương lai, Đại sứ Đặng Thị Hải Tâm cho rằng hai nước còn rất nhiều dư địa để hợp tác trên nhiều lĩnh vực quyết định trong thời đại mới như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ môi trường, năng lượng, giáo dục…
Theo Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan, hai bên cần khai thác triệt để tính bổ sung của hai nền kinh tế cho giai đoạn mới trong phát triển kinh tế.
Phần Lan là đất nước có chỉ số sáng tạo đứng hàng đầu châu Âu với các công nghệ mới, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới.
Trong khi đó, Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, có khả năng chế tác chế tạo, có mạng lưới Hiệp định thương mại tự do (FTA) phủ rộng khắp toàn cầu, có mối quan hệ đối ngoại hoà bình với tất cả các nước trên thế giới. Những yếu tố này sẽ giúp hàng hoá sản xuất ở Việt Nam bằng công nghệ Phần Lan có thể đến khắp nơi trên thế giới.
Đầu năm nay, Hiệp định khung về triển khai công cụ hỗ trợ đầu tư công của Phần Lan tại Việt Nam đã đi vào hiệu lực, theo đó Chính phủ Phần Lan sẽ hỗ trợ lên tới 100 triệu Euro cho các doanh nghiệp Phần Lan có hợp tác với Việt Nam ở các lĩnh vực mà Phần Lan có thể mạnh như công nghệ môi trường (xử lý rác thải thành điện, năng lượng sạch…), đô thị thông minh, các giải pháp chuyển đổi số, y tế, đào tạo, công nghệ mới…
Đại sứ Đặng Thị Hải Tâm và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö ngày 12/2/2020. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Phần Lan) |
Đại sứ Đặng Thị Hải Tâm đặc biệt nhấn mạnh đến tiềm năng ở chính yếu tố con người khi có khoảng gần 2.500 sinh viên Việt Nam học tập hàng năm tại Phần Lan và hơn 10.000 người thuộc cộng đồng người Việt tại xứ sở nghìn hồ.
“Đây sẽ là những nhịp cầu quan trọng giúp duy trì và phát triển quan hệ song phương hai nước trong thời gian tới”, nữ Đại sứ kỳ vọng.
Trong các nước Bắc Âu, hợp tác giáo dục của Việt Nam với Phần Lan là mạnh mẽ nhất với cộng đồng sinh viên đông đảo, được đào tạo tiêu chuẩn, giúp cung cấp nhân lực thiếu hụt cho các nước Bắc Âu khác.
Từ năm 2020, một số địa phương của Phần Lan bắt đầu triển khai chương trình tạo cơ hội học tập miễn phí cho học sinh trung học Việt Nam đủ tiêu chuẩn sang học tại Phần Lan bằng tiếng Phần Lan với mục đích cư trú làm việc lâu dài để bù đắp thiếu hụt lao động của tình trạng già hoá dân số.
Hiện Bộ Ngoại giao Phần Lan đang triển khai chương trình thu hút tài năng (Talentplus) hướng tới thị trường Việt Nam nhằm thu hút nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao… cho các doanh nghiệp Phần Lan.
Được ví như mảnh đất ươm mầm tài năng, Phần Lan là địa điểm khởi nghiệp thành công của một số doanh nhân trẻ người Việt, cũng là nơi mà người lao động Việt Nam có thể nhắm tới trong lĩnh vực ngành nông nghiệp và điều dưỡng.
Các doanh nghiệp Phần Lan do người Việt thành lập cũng là cơ sở kết nối hợp tác giữa Bắc Âu và Việt Nam, đem các giải pháp công nghệ tiên tiến về cho Việt Nam hoặc hỗ trợ chuyển giao công nghệ để sản xuất tại Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Đại sứ Đặng Thị Hải Tâm bày tỏ tin tưởng chuyến thăm chính thức Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thành công tốt đẹp, mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai nước, biến tiềm năng thành khả năng, thành động lực để phát triển quan hệ Việt Nam-Phần Lan trong tương lai.
Từ ngày 5-11/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan. |
| Toàn văn thông điệp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 Nhân dịp khai mạc Hộị nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 vào ngày 7/9, tại thủ đô Vienna, CH Áo, ... |
| Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên đường dự WCSP5, thăm và làm việc với EP, Bỉ và Phần Lan Sáng 5/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam ... |