📞

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Doanh nghiệp tư nhân đều là 'người của chúng ta', tổng động viên dốc sức khôi phục nền kinh tế

Chu Văn 13:29 | 11/03/2023
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các doanh nghiệp "quẳng gánh lo đi, trút bỏ gánh nặng, mạnh dạn phát triển" trong cuộc trò chuyện với đoàn đại biểu của Liên đoàn Công thương thuộc Chính hiệp, trong thời gian diễn ra kỳ họp Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân (Chính hiệp) và Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 'tổng động viên' doanh nghiệp 'quẳng gánh lo đi', dốc sức khôi phục nền kinh tế.

Sự chú ý của thế giới đổ dồn vào báo cáo công tác chính phủ Trung Quốc, vì xu hướng của nền kinh tế thứ hai thế giới không chỉ liên quan đến sinh kế của 1,4 tỷ người dân nước này, mà còn là kỳ vọng vực dậy tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Đây được đánh giá là một một cuộc tổng động viên khác nhằm dốc sức khôi phục nền kinh tế của Bắc Kinh sau khi nới lỏng chính sách phòng chống đại dịch Covid-19.

Là "người của chúng ta"

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tiếp nối các bài phát biểu trước đó, tập trung vào việc trấn an doanh nghiệp tư nhân, rằng doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân tư nhân đều là "người của chúng ta", nhà nước sẽ hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp tư nhân khi họ gặp khó khăn, bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp tư nhân, quyền và lợi ích của doanh nhân theo pháp luật.

Nhà nước sẽ đối xử với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân bình đẳng về mặt thể chế và pháp luật, khuyến khích và hỗ trợ sự phát triển và lớn mạnh của kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân, nâng cao niềm tin của thị trường, hỗ trợ các công ty nền tảng thể hiện năng lực trong tạo việc làm, mở rộng tiêu dùng và cạnh tranh quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân tư nhân.

Ngoài trấn an doanh nghiệp tư nhân, ông Tập Cận Bình còn đưa ra những yêu cầu mới đối với doanh nghiệp tư nhân trên cơ sở phát triển chất lượng cao, như doanh nghiệp tư nhân phải thực hiện quan điểm phát triển mới, thay đổi phương thức phát triển, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, thay đổi động lực tăng trưởng, bám sát ngành kinh doanh chính, củng cố ngành, tự giác đi theo con đường phát triển chất lượng cao.

Các doanh nghiệp tư nhân có năng lực và trình độ cần tăng cường đổi mới tự chủ và đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tự chủ về công nghệ và chuyển hóa thành tựu khoa học và công nghệ. Các doanh nghiệp cần kích thích sức sống của đầu tư vốn tư nhân, khuyến khích và thu hút hơn nữa vốn tư nhân tham gia xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án chuỗi cung ứng chuỗi ngành nghề trọng điểm, đóng góp ngày càng lớn vào việc xây dựng mô hình phát triển mới, thúc đẩy phát triển chất lượng cao. Doanh nghiệp cũng cần điều tiết, định hướng phát triển lành mạnh các loại vốn theo quy định của pháp luật, ngăn ngừa và tháo gỡ hiệu quả rủi ro tài chính hệ thống, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và cạnh tranh phát triển cho các loại hình doanh nghiệp.

Thủ tướng sắp hết nhiệm kỳ Lý Khắc Cường ngày 5/3 đã nhấn mạnh đến kinh tế tư nhân và những vấn đề hiện tại trong Báo cáo công tác chính phủ cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông.

Ông Lý Khắc Cường đã nhắc lại "hai điều kiên định" và nhấn mạnh phải thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển lành mạnh, phá bỏ mọi rào cản tiềm tàng, hỗ trợ về mặt chính sách như đối xử bình đẳng và thúc đẩy đầu tư tư nhân. Hoàn thiện hệ thống bảo vệ quyền sở hữu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nhân, phát huy tinh thần doanh nhân.

Về những vấn đề tồn tại, ông Lý Khắc Cường thẳng thắn thừa nhận tính bất ổn của môi trường bên ngoài ngày càng tăng, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, đà tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới đang suy yếu, áp lực và kiềm chế từ bên ngoài ngày càng gia tăng. Nền tảng ổn định và đi lên của tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn cần được tiếp tục củng cố, các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, hộ công thương nghiệp cá thể đang gặp nhiều khó khăn.

Thách thức với mục tiêu tăng trưởng 5%

Trong báo cáo công tác cuối cùng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 5% mà ông Lý Khắc Cường đưa ra phù hợp với dự đoán của các tổ chức quốc tế và các nhà kinh tế trong nước. Mặc dù báo cáo công tác năm nay không tập trung nhiều vào kế hoạch cụ thể về phát triển kinh tế trong năm tới, nhưng các tổ chức quốc tế tin Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu này.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, sự phát triển kinh tế năm 2023 của Trung Quốc đối mặt với tình hình trong và ngoài nước khó khăn, nhiều yếu tố bất lợi cho sự phát triển kinh tế, niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư còn thiếu tính định hướng, trong khi nhiều yếu tố thuận lợi chưa được đi sâu vào chi tiết, các biện pháp kích thích kinh tế cụ thể cần được chính phủ mới đưa ra.

Ông Trọng Đại Quân, Chủ nhiệm Trung tâm quan sát và nghiên cứu kinh tế Bắc Kinh, cho rằng mục tiêu tăng trưởng này là hợp lý, dân số giảm, bất động sản bão hòa, nhu cầu giảm. Sau bao nhiêu năm xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá và cao tốc đường sắt đã được sửa chữa và tàu điện ngầm cũng đã được đào ở mức độ tương tự. Do đó, việc giảm tốc là hợp lý, lấy các nước lớn phương Tây làm ví dụ. Với họ, tốc độ tăng trưởng kinh tế 3 hoặc 4% là không tệ.

Theo Chủ nhiệm Trọng Đại Quân, cùng với việc nhiều người dân đi du lịch nước ngoài kể từ Tết Nguyên đán, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường tiêu dùng trong nước đang phục hồi. Từ góc độ tình hình chung, dòng vốn nước ngoài tiến vào tương đối ổn định, nhưng dữ liệu cho thấy ngoại thương đã giảm, điều này còn phải xem Trung Quốc sẽ chuyển đổi mô hình như thế nào trong tương lai.

Ông Trọng Đại Quân cũng cho rằng, những thay đổi trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây, giữa Trung Quốc và Mỹ có ảnh hưởng nhất định đến kinh tế Trung Quốc. Dòng vốn ngoại rút đi trong thời gian qua là do hai yếu tố, một là do họ không kiếm được tiền ở Trung Quốc nên trực tiếp rời đi; hai là do họ phải chịu một số tác động bởi các yếu tố chính trị, văn hóa.

Trên thực tế, tổng kết toàn diện những thành tựu công tác trong 5 năm khóa này và 10 năm nhiệm kỳ của mình, ông Lý Khắc Cường nêu bật nhiều biện pháp giảm thuế, hạ phí, trợ cấp ổn định việc làm, kích thích tiêu dùng và hỗ trợ trong những năm dịch bệnh, để đạt được những kết quả rõ rệt.

Năm 2022 là năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, ba siêu đô thị có vai trò quan trọng đối với kinh tế quốc gia là Thâm Quyến, Thượng Hải và Quảng Châu đã bị phong tỏa trong thời gian dài, khiến các nhà máy ngừng hoạt động, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức tích cực, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 40.000 tỷ NDT. Xung đột Nga-Ukraine khiến giá lương thực và dầu mỏ tăng vọt, tỷ lệ lạm phát của các nước lớn trên thế giới đã đạt mức cao nhất trong 40 năm qua, trong khi giá cả trong nước chỉ tăng 2%.

Dù phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có và vẫn có thể vượt qua nhưng các chuyên gia cho rằng không nên đánh giá thấp các tác động đối với kinh tế Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 5,5% dựa trên số liệu khảo sát ở thành thị, nhưng trên thực tế, một số lượng lớn người lao động không sống được ở các thành phố lớn và trở về nông thôn không được đưa vào thống kê.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các cửa hàng bán lẻ và kinh doanh ăn uống, đã đóng cửa trên diện rộng, những doanh nghiệp tiếp tục mở cửa cũng đang phải vật lộn để chống đỡ. Tuy nhiên, chính sách cắt giảm thuế, giãn nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của chính phủ đã không thể tiếp tục duy trì. Điều này sẽ trở nên khó khăn hơn cho người kinh doanh.

Năm 2022, các biện pháp kích cầu tiêu dùng, phát phiếu mua hàng tiêu dùng thúc đẩy ngành bán lẻ nhưng tổng mức bán lẻ hàng tiêu dùng vẫn giảm 0,2%, việc giảm, miễn thuế mua ô tô đã thúc đẩy ngành ô tô, đặc biệt là doanh số bán ô tô sử dụng năng lượng mới tăng 93,4%. Tuy nhiên, các biện pháp kích thích tiêu dùng này đã cạn kiệt và chính phủ chưa tiết lộ bất kỳ biện pháp mới nào.

Năm qua, ngoại thương đạt mức cao mới, Trung Quốc tiếp tục trở thành quốc gia có thương mại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, khó khăn trong năm 2023 cũng sẽ trở thành thách thức mới. Các nước châu Âu và Mỹ tiếp tục chịu áp lực lạm phát, sức mua giảm sút, nhiều công ty ngoại thương bắt đầu phàn nàn không có đơn hàng mới sau đầu năm, hoặc lượng đơn hàng sụt giảm.

Trong khi đó, giá dầu và lương thực quốc tế vẫn ở mức cao, chi phí ngày càng tăng, chuỗi cung ứng mất cân bằng và chi phí vận chuyển tăng cao, nên việc liệu ngoại thương có thể duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong năm nay hay không là điều đáng nghi ngờ.

Có thể nói, kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 đang gặp khó khăn ở cả trong và ngoài nước, báo cáo công tác của chính phủ đưa ra tỷ lệ thâm hụt là 3%, tăng nhẹ so với mức 2,8% của năm 2022.

Báo cáo đặt ưu tiên khôi phục và mở rộng tiêu dùng. Mặc dù nhiều yếu tố đã gây áp lực lớn đến tăng trưởng kinh tế, nhưng không phải tất cả đều bình lặng. Năm 2022, tiền gửi bằng NDT đã tăng 26.260 tỷ NDT, tăng 6.590 tỷ NDT so với cùng kỳ, trong đó tiền gửi hộ gia đình tăng 17.840 tỷ NDT, chứng tỏ người dân có tiền đủ để thúc đẩy nhu cầu trong nước, nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cải thiện niềm tin của người tiêu dùng.

Mặc dù áp lực ngoại thương rất lớn nhưng xuất khẩu sang các nước dọc sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã tăng gần 20% trong năm 2022, vượt xa tốc độ tăng trưởng chung, cộng thêm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) đã có hiệu lực 1 năm và việc giảm thuế giữa các nước thành viên sẽ trợ giúp xuất khẩu.

Năm 2022, Trung Quốc thực tế sử dụng vốn nước ngoài là 1.200 tỷ NDT, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, Trung Quốc vẫn được coi là “nơi trú ẩn an toàn” đối với đầu tư quốc tế, hơn nữa dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vẫn trên 3.000 tỷ USD, đủ để đáp ứng các chi phí nhập khẩu cần thiết. Việc sử dụng những yếu tố thuận lợi này như thế nào để biến chúng thành tỷ lệ đóng góp của ngoại thương và tăng trưởng kinh tế vẫn cần được chính phủ giải trình thêm.

(theo HK01, Ming Pao, TTXVN)