Việc IS sở hữu các vùng đất ở Iraq và Syria đã tạo ra sự khác biệt giữa chúng với các nhóm có chung chí hướng khác như al Qaeda và trở thành trọng tâm truyền giáo khi chúng tự xưng một vương quốc Hồi giáo vào năm 2014, tuyên bố quyền chủ quyền với toàn bộ lãnh thổ và cộng đồng Hồi giáo.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của Nhà nước tự xưng đã tước đi công cụ truyền bá và tuyển mộ của IS, cũng như cả một căn cứ hậu cần dùng cho việc huấn luyện các tay súng và lên kế hoạch tổ chức các vụ tấn công ở nước ngoài. Về mặt tài chính, sự sụp đổ này đã tước đi của IS các nguồn thu lớn hơn của bất cứ phong trào thánh chiến thời hiện đại nào, bao gồm các khoản thuế áp đặt đối với người dân và tiền thu được từ việc bán dầu mỏ.
Binh lính thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). (Nguồn: BusinessInsider) |
Mối đe dọa ở Iraq và Syria
Khi còn mang lớp vỏ là một nhánh của al Qaeda ở Iraq cách đây một thập kỷ, IS đã vượt qua hoàn cảnh bất lợi bằng cách hoạt động ngầm, chờ thời để bất ngờ nổi dậy. Kể từ khi phải hứng chịu những tổn hại lớn khi đánh mất các lãnh thổ hồi năm 2017, IS vẫn kiên trì với chiến thuật này. Các nhánh của chúng ở Iraq án binh bất động, âm thầm chuẩn bị một chiến dịch bắt cóc và sát hại rải rác để gây suy yếu chính phủ Baghdad.
Nhóm này cũng tiến hành nhiều vụ đánh bom ở Đông Bắc Syria, nơi được các lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn kiểm soát, trong đó có một vụ hồi tháng 1 vừa qua khiến 4 người Mỹ thiệt mạng. Giới chức Mỹ và Kurd vì vậy đã lên tiếng cảnh báo rằng IS vẫn là một mối đe dọa tại khu vực này.
Tại Syria, các tay súng IS cũng đang có nguy cơ đánh mất thành trì cuối cùng Baghouz tại biên giới Iraq. Tuy nhiên họ vẫn duy trì sự hiện diện ở vùng lãnh thổ ít dân ở phía Tây sông Euphrates tại khu vực thuộc kiểm soát của chính phủ Syria.
Số phận các thủ lĩnh, tay súng và môn đồ IS
Số phận của thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi hiện vẫn là ẩn số. Các chuyên gia hàng đầu của Mỹ khẳng định tên này vẫn còn sống và khả năng là đang ẩn náu ở Iraq. Một số tên chỉ huy cấp cao khác cùng hàng nghìn tay súng nổi dậy và các môn đồ của nhóm này cũng đã bị tiêu diệt, hàng nghìn tên khác đã bị bắt. Một số khác vẫn duy trì ở cả Iraq và Syria.
Iraq hiện vẫn bắt giam và thường xuyên xử tử những tù nhân bị tình nghi là IS. Lực lượng Dân chủ Sysia (SDF) do Mỹ hậu thuẫn cũng đang bắt giữ hàng trăm tay súng IS, song số lượng này còn tăng lên gấp bội khi SDF tiến vào khu vực gần Baghouz.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ tại Washington mới đây cho biết khoảng 20.000 tay súng IS và các thành viên gia đình chúng đã tháo chạy khỏi Baghouz. Một quan chức SDF cho biết các lực lượng SDF đang bắt giữ khoảng 4.000 tên bị tình nghi là tay súng IS từ Iraq và Syria cùng hơn 1.000 tay súng nước ngoài.
Toàn cảnh thủ đô Damascus của Syria với những vụ nổ và khói lửa bởi các cuộc tấn công của Chính phủ nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). (Nguồn: Getty Images) |
Nguy cơ IS vẫn tiếp tục tổ chức hoặc tạo cảm hứng cho các vụ tấn công ở nước ngoài Trong bối cảnh IS đang nỗ lực bám giữ những mảnh đất cuối cùng của mình, người đứng đầu cơ quan tình báo Anh MI6 đã cảnh báo nhóm này có thể quay trở lại với các vụ tấn công “bất cân xứng”.
Ngay cả khi bắt đầu đánh mất nền tảng quân sự của mình, IS vẫn đứng ra nhận là thủ phạm các vụ tấn công tại nhiều quốc gia khác nhau, dù đôi khi trách nhiệm thuộc về các “con sói đơn độc” chứ không phải do IS chỉ huy.
Nhiều năm nay, IS đã bắt đầu tuyển mộ trên khắp các nước khác nhau để lên kế hoạch cho các cuộc tấn công, chứ không chỉ tập trung vào những tay súng được huấn luyện ở thực địa. Đầu năm 2018, người đứng đầu tư lệnh chỉ huy quân sự Mỹ cho biết IS vẫn rất dẻo dai và có khả năng “tạo cảm hứng các vụ tấn công trên khắp khu vực và cả ra ngoài Trung Đông”.
Hồi kết của chủ nghĩa thánh chiến toàn cầu
Mặc dù lãnh thổ nòng cốt của IS nằm ở Iraq và Syria, các nhóm thánh chiến tại các quốc gia khác điển hình là Nigeria, Yemen và Afghanistan vẫn tuyên thệ trung thành với chúng. Liệu các nhóm này có duy trì lớp vỏ ấy hay không, đặc biệt là nếu các nhóm tại Baghdad bị bắt giữ hoặc tiêu diệt, vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ, song dường như còn rất ít cơ hội chúng có thể sớm kết thúc các chiến dịch của mình.
Al Qaeda vẫn duy trì các nhánh của chúng trên toàn thế giới, còn các nhóm dân quân Hồi giáo khác thì hoạt động tại các quốc gia mà sự cai trị thông thường đã sụp đổ. Hệ tư tưởng thánh chiến từ lâu đã chứng tỏ khả năng thích nghi với sự thay đổi hoàn cảnh, và sẽ không thiếu sự xung đột, bất công, đàn áp, nghèo đói, chủ nghĩa bè phái và sự thù hận tôn giáo để các phần tử Hồi giáo lợi dụng.