📞

Chuẩn bị gì cho tương lai, khi Covid-19 không phải là 'thảm họa chỉ xảy ra một lần'?

Đức Mạnh 10:41 | 30/12/2021
Dù thời gian qua đã chứng kiến sự phát triển thần kỳ của các loại vaccine phòng chống Covid-19, virus corona cùng các biến thể mới vẫn tiếp tục lây lan và gây ra tác động tiêu cực đến mọi mặt trong cuộc sống.
Các nhân viên y tế tại một bệnh viện ở New York di chuyển một bệnh nhân tử vong do Covid-19 trong thời điểm bắt đầu đại dịch ở Mỹ, tháng 4/2020. (Nguồn: UN News)

Tháng 11, Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra cảnh báo, biến thể mới của virus corona - Omicron, có khả năng lan truyền nhanh hơn nhiều so với biến thể Delta. Đến nay, những nhận định LHQ đã được chứng minh là đúng.

LHQ cho rằng không nên bất ngờ trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, do tổ chức liên tục đưa ra những cảnh báo về sự đột biến của Sars-CoV-2.

Trả lời phỏng vấn giới báo chí vào giữa tháng 12, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng Omicron đang “lây lan với tốc độ chưa từng thấy so với bất kỳ biến thể nào trước đó. Chúng ta đã đánh giá thấp sự nguy hiểm của loại virus này”.

Thảm họa đạo đức

Vào tháng 1/2021, Tổng thư ký LHQ António Guterres bày tỏ quan ngại về hiện tượng “chủ nghĩa dân tộc vaccine”: nhiều quốc gia không muốn chia sẻ vaccine của mình với các nước khác.

Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới WHO tại châu Phi, Matshidiso Moeti, đã lên án việc “tích trữ vaccine” của một số quốc gia. Theo ông, việc tích trữ vaccine sẽ kéo dài và trì hoãn cuộc chiến chống lại Covid-19 của nhân loại.

“Thật bất công khi người dân châu Phi - nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất - buộc phải chờ đợi vaccine trong khi nhóm người ít có nguy cơ mắc bệnh ở các nước giàu lại được tiêm chủng đầy đủ”, ông Matshidiso Moeti cho biết.

Đồng thời, WHO đưa ra cảnh báo rằng thời gian ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 càng kéo dài, nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có khả năng kháng vaccine sẽ cao hơn.

Ông Tedros nhận định, việc phân phối vaccine không đồng đều giữa các quốc gia là một “thảm họa về đạo đức”, “không ai khác mà chính là các nước nghèo sẽ phải trả giá cho thảm họa này bằng chính mạng sống của họ”.

Thời gian qua, WHO liên tục đưa ra những cảnh báo. Đến tháng 7, với sự hoành hành của biến thể Delta, là thời điểm đánh dấu cột mốc 4 triệu ca tử vong do biến thể này gây ra (con số ca tử vong đã tăng lên 5 triệu chỉ bốn tháng sau đó).

Ông Tedros cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu công bằng trong sản xuất và phân phối vaccine toàn cầu.

Nhằm hỗ trợ nhóm người dễ bị tổn thương, sáng kiến ​​COVAX ra đời (chương trình do WHO hậu thuẫn nhằm đảm bảo vaccine được phân phối công bằng trên toàn cầu, phần lớn do các chính phủ và các tổ chức từ thiện lớn tài trợ).

Sáng kiến được cho là nỗ lực mang tính toàn cầu có tốc độ nhanh nhất, hệ thống nhất và thành công nhất trong lịch sử phòng chống dịch bệnh.

Nhờ sự tài trợ từ các quốc gia phát triển và hơn 2 tỷ USD từ các nhà tài trợ tư nhân, COVAX chính thức được vận hành trong giai đoạn đầu tiên của đại dịch, nhằm đảm bảo những người sống ở các quốc gia nghèo hơn không bị bỏ rơi khi vaccine được đưa ra thị trường.

Việc phân phối vaccine cho các nước đang phát triển thông qua sáng kiến ​​COVAX, bắt đầu với Ghana và Côte d'Ivoire vào tháng 3.

Yemen - quốc gia bị chiến tranh tàn phá và đang trong tình trạng nghèo đói - cũng đã nhận được lô vaccine đầu tiên vào tháng 3, thời điểm các chuyên gia y tế cho là giai đoạn mang tính “thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến chống lại Covid-19.

Đến tháng 4, các lô vaccine đã được gửi đến hơn 100 quốc gia thông qua cơ chế COVAX.

Tuy nhiên, vấn đề bất bình đẳng về vaccine vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Vào ngày 14/9, WHO thông báo rằng hơn 5,7 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng chỉ 2% trong số đó được chuyển đến tay người châu Phi.

Những tác động nghiêm trọng

Bên cạnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới, đại dịch cũng đã để lại những tác động nghiêm trọng tới các dịch vụ y tế, giáo dục và chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Một y tá chăm sóc bệnh nhân ung thư đang hóa trị tại một bệnh viện ở quận Burera, Rwanda. (Nguồn: UN News)

Ví dụ, việc chẩn đoán và điều trị ung thư đã bị gián đoạn nghiêm trọng ở khoảng một nửa số quốc gia trên thế giới, hơn một triệu người không nhận được các dịch vụ chăm sóc bệnh lao phổi, hoặc các dịch vụ sinh sản cho hàng triệu phụ nữ đã bị đảo lộn.

LHQ cho biết, chỉ riêng ở Nam Á, sự gián đoạn nghiêm trọng trong các dịch vụ y tế do đại dịch Covid-19 đã góp phần khiến 239.000 trẻ em và bà mẹ tử vong vào năm ngoái.

Ở Yemen, tác động sâu sắc của đại dịch đã dẫn đến tình trạng cứ hai giờ lại có một phụ nữ chết khi sinh con.

Trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nề

Về khía cạnh sức khỏe tâm thần, thế giới năm vừa qua đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại, nhưng nặng nề nhất là đối với trẻ em và thanh niên.

Vào tháng 3, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết, trẻ em hiện đang sống trong một “cuộc sống bình thường mới bị tàn phá nặng nề”.

Về khía cạnh giáo dục, có 168 triệu học sinh trên toàn thế giới phải nghỉ học gần một năm kể từ khi đại dịch bắt đầu. Cứ ba em học sinh thì có một em không đủ khả năng để học trực tuyến khi các trường học bị đóng cửa.

Trẻ em ở các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng đặc biệt, với tỷ lệ trẻ em nghèo ước tính tăng khoảng 15%. Dự báo sẽ có thêm 140 triệu trẻ em ở các nước đang phát triển sẽ thuộc về các hộ gia đình sống dưới mức nghèo khổ.

Về khía cạnh giáo dục, có 168 triệu học sinh trên toàn thế giới phải nghỉ học gần một năm kể từ khi đại dịch bắt đầu. Cứ ba em học sinh thì có một em không đủ khả năng để học trực tuyến khi các trường học bị đóng cửa.

UNICEF nhắc lại thông điệp từ năm 2020 rằng việc đóng cửa trường học phải là giải pháp cuối cùng. Hồi tháng 1, Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết, chúng ta “không nên bỏ qua bất cứ nỗ lực nào” để giúp trẻ em có thể đến trường.

“Khả năng đọc, viết và làm toán cơ bản của trẻ em đã bị ảnh hưởng và các kỹ năng cần thiết để phát triển toàn diện đã giảm sút”, bà Henrietta Fore nói.

Vào tháng 8, UNICEF và WHO đã đưa ra các khuyến nghị về các biện pháp trở lại lớp học an toàn, bao gồm việc tiêm chủng cho nhân viên nhà trường trên toàn quốc và tiêm chủng cho tất cả trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Hy vọng về một hiệp định toàn cầu mới về phòng chống đại dịch

Bên cạnh việc kêu gọi thúc đẩy công bằng trong phân phối vaccine trong năm vừa qua, LHQ liên tục nhấn mạnh tính cấp thiết của phương pháp mới nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các đại dịch trong tương lai.

Vào tháng 5, kế hoạch thành lập một trung tâm quốc tế ở Berlin với mục tiêu kiểm soát đại dịch đã được công bố nhằm đảm bảo sự chuẩn bị tốt hơn trong cuộc chiến chống lại những dịch bệnh toàn cầu có thể xảy ra trong tương lai.

Một đứa trẻ ba tuổi ở nhà ở Lyon, Pháp, trong thời gian phong tỏa vì Covid-19. (Nguồn: UN News)

Vào tháng 7, nhóm các nền kinh tế lớn G20 đã công bố một báo cáo độc lập về khả năng chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo của thế giới. Bản báo cáo đã kết luận rằng an ninh y tế toàn cầu đang bị thiếu hụt kinh phí nghiêm trọng.

Chính trị gia Singapore Tharman Shanmugaratnam, người tham gia tích cực vào các cuộc họp tham vấn giữa các nhà khoa học và những người làm chính sách do WHO tổ chức, cho rằng Covid-19 không phải là “một thảm họa xảy ra một lần” và việc thiếu hụt kinh phí sẽ dẫn đến “những tổn thất kéo dài do đại dịch Covid-19, dẫn đến những đợt dịch liên tiếp lặp lại, gây ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia trên thế giới.

"Điều này cũng có nghĩa nhân loại sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các đại dịch khác trong tương lai”, chính trị gia này nói.

Tuy nhiên, năm 2021 khép lại cũng là lúc những hy vọng khác mở ra.

Tại một phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Y tế thế giới của WHO vào cuối tháng 11, các quốc gia nhất trí phát triển một hiệp định toàn cầu mới về phòng chống đại dịch.

Giám đốc WHO Tedros cho biết, dù vẫn còn nhiều nhiệm vụ nặng nề ở phía trước, song thỏa thuận này sẽ là “hy vọng mà tất cả chúng ta sẽ cần”.

(theo UN News)