Theo Chuyên gia Lê Quốc Vinh, nên mở cửa các du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sang trọng, nơi mà khách du lịch ở phân khúc cao có thể tận hưởng dịch vụ của Việt Nam trong môi trường an toàn. |
Trong bối cảnh Covid-19, thiệt hại du lịch gần như đã “chạm đáy”, ông đánh giá thế nào về sự cần thiết cũng như tính khả thi của việc mở cửa du lịch lúc này?
Vấn đề bây giờ không còn là có nên mở cửa cho du lịch không, mà là mở như thế nào. Chúng ta đã quá chậm so với thế giới, ngay cả so với các nước trong khu vực.
Du lịch đóng một vai trò rất lớn trong ngành kinh tế, nhưng đừng chỉ nghĩ đến du lịch đơn thuần là lữ hành và khách sạn. Mở cửa du lịch ở đây còn đồng nghĩa với việc đón khách quốc tế đến làm việc, giao thương, còn là mở cửa cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư nữa.
Tuy vậy, phải thừa nhận, chúng ta chưa thực sự sẵn sàng cho việc mở cửa. Có quá nhiều bất cập và thiếu sự chuẩn bị. Đặc biệt là chuẩn bị hạ tầng tiếp đón, các sản phẩm du lịch phù hợp, nhất là hệ thống công nghệ liên thông với dữ liệu tiêm vaccine và xét nghiệm quốc tế.
Một điều nữa mà chúng ta chưa sẵn sàng là tâm lý của chính quyền và người dân. Nỗi ám ảnh của “zero Covid”, thái độ cực đoan sẽ hạn chế các chính sách và hoạt động chuẩn bị cho mở cửa du lịch.
Do chưa thật sự sẵn sàng nên chính sách mở cửa hiện nay khá dè dặt. Mở cửa nhưng rào cản quá lớn, khiến cho chương trình thử nghiệm khó mà thành công được.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 tái bùng phát nên việc mở cửa du lịch cần thận trọng, an toàn đến đâu mở cửa đến đó hay cần lộ trình cụ thể thế nào, theo ông?
Dĩ nhiên, mở cửa du lịch cần thận trọng, an toàn. Điểm yếu của chúng ta là tốc độ tiêm vaccine còn chậm, hạ tầng y tế chưa thật sự đầy đủ, nhất là ở các địa phương trọng điểm du lịch. Hệ thống giám sát, truy vết, cảnh báo nguy cơ Covid-19 hầu như còn nhiều bất cập, chưa thực sự hoạt động hoặc còn rất thủ công.
Chúng ta còn rất lúng túng trong việc sử dụng các app công nghệ, mỗi nơi một phách, thử hỏi người nước ngoài đến đây sẽ làm thế nào?
Các nghiên cứu quốc tế cho thấy xu hướng của người du lịch hiện nay là tránh đi theo tour đông đúc. Họ thích tự kiểm soát lịch trình du lịch và chủ động thiết kế các hoạt động. Họ cũng có xu hướng tìm đến những nơi cho cảm giác an toàn, yên tĩnh, vui vẻ nhưng không xô bồ, đông đúc. Họ thích đến những nơi nghỉ dưỡng, thay vì tham gia các chuyến tour trọn gói.
Trong khi đó, chương trình thử nghiệm mở cửa du lịch lại hướng tới các tour cố định, lộ trình cố định và không có phép du khách nước ngoài thay đổi lịch trình. Hầu như du khách sẽ bị cách ly trong không gian chuyến tour. Như vậy sẽ chẳng thể thu hút du lịch được.
Lộ trình bây giờ đáng lẽ theo tôi là nên mở cửa các du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sang trọng, nơi mà khách du lịch ở phân khúc cao có thể tận hưởng dịch vụ của Việt Nam trong môi trường an toàn. Bên cạnh đó, thiết kế các sản phẩm du lịch được kiểm soát, như nhà hàng, dịch vụ sức khỏe, mua sắm lưu niệm, tham quan được thiết kế riêng.
Cùng với việc mở rộng tiêm vaccine, phủ rộng hơn, hệ thống xét nghiệm được tối ưu, thì có thể mở rộng khu vực được phép tiếp đón khách du lịch. Điều này phụ thuộc vào kết quả chuyển dịch trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt ở các địa phương.
Để mở cửa du lịch an toàn thì cần đảm bảo những yếu tố nào?
Lộ trình mở cửa đầu tiên phải tính đến sự chuẩn bị. Chuẩn bị hệ thống công nghệ liên thông với dữ liệu tiêm chủng, liên thông kết quả xét nghiệm âm tính của các thị trường quốc tế, liên thông với hệ thống quản lý xuất nhập cảnh, các hãng hàng không, cho đến tận địa phương ở cấp thấp nhất (phường, xã).
Hệ thống này cũng phải liên thông với bản đồ nguy cơ Covid-19, minh bạch với khả năng truy cập của tất cả mọi người, được chính quyền và các cơ quan chức năng kiểm soát "real time", sẵn sàng linh hoạt điều tiết ứng xử và hành động trong khu vực. Mà việc này rất cấp thiết rồi, phải làm ngay nếu không muốn quá tụt hậu.
Nên xây dựng các vùng xanh, an toàn cho du khách, ví dụ như tập trung tiêm vaccine trong khu du lịch, đơn giản hoá quy trình và tốc độ xét nghiệm, kiểm soát việc check-in bằng QR Code chủ động.
Khách du lịch chỉ đến các nơi an toàn, thân thiện và mang lại trải nghiệm tốt đẹp. Một khi họ còn thấy khó khăn, còn nhiều ngăn trở thì chẳng ai đến với chúng ta đâu.
Sau thời gian giãn cách, việc mở lại các hoạt động du lịch không hề đơn giản. Ông có đề xuất gì trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ du lịch để mở cửa an toàn?
Tôi chưa có điều kiện đo lường mức độ sẵn sàng của ngành du lịch ở thời điểm này. Rất nhiều hướng dẫn viên du lịch đã phải tạm chuyển nghề để tồn tại. Nhiều công ty du lịch, lữ hành cũng phải chuyển hướng, hoặc tạm ngừng hoạt động. Các khách sạn cũng sẽ phải tuyển dụng mới nhân lực.
Nếu không có chính sách hỗ trợ, để họ thích nghi trở lại, tuyển dụng đủ nhân lực phù hợp, thì việc phục hồi ngành du lịch sẽ rất chậm chạp.
Các chính sách đó có thể là giảm, hoãn thuế, hoãn nộp bảo hiểm xã hội, tái đầu tư thuế vào đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm.
Ngành du lịch phải tính đến thiết kế lại sản phẩm du lịch, dịch vụ. (Ảnh: Yến Nguyệt) |
Việc tạo ra điểm đến, địa phương an toàn là cần thiết, không chỉ có giá trị cho ngành du lịch mà còn cho nhiều ngành nghề khác phát triển sau đại dịch này. Vậy, ngay bản thân ngành du lịch lúc này cũng cần phải “làm mới mình” ra sao?
Như tôi phân tích ở trên, du lịch phục vụ phân khúc cao cần sự đầu tư lớn và lâu dài. Cho nên, ngành du lịch phải tính đến thiết kế lại sản phẩm du lịch, dịch vụ. Ngoài ra, phải tính đến sự thay đổi trong trải nghiệm khách hàng, để các sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với tiêu chuẩn mới.
Việc chuyển hướng này sẽ đồng thời là đòn bẩy cho các dịch vụ, sản phẩm đi kèm, hoặc nằm trong chuỗi giá trị. Ví dụ, dịch vụ hàng không, thuê xe, du thuyền, trực thăng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp, sắc đẹp, hàng xa xỉ, nghệ thuật ẩm thực…
Ông có suy nghĩ thế nào về việc thích ứng an toàn nhưng phải thận trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 tăng trở lại?
Thích ứng an toàn bản thân nó đã hàm ý là thận trọng rồi. Chúng ta thừa nhận sự tồn tại của virus trong cuộc sống trong thời gian dài tới, nghĩa là chấp nhận, không thể hoàn toàn tiêu diệt nó, buộc phải sống chung với sự hiện diện của nó. Trong khi đó, chúng ta không thể đóng cửa, ngủ đông, gặm nhấm hết tích luỹ để chờ tiêu diệt hết virus.
Nghĩa là, chúng ta vẫn phải tiếp tục sống, hoạt động giao thương, kinh doanh, sản xuất, trong khi hiểu rõ nguy cơ lây nhiễm bên cạnh. Chúng ta buộc phải không sợ nó nữa, vẫn phải bước ra ngoài, nhưng trang bị cho mình, cho gia đình mình, cho cộng đồng xung quanh những biện pháp phòng bị tốt hơn, nghiêm túc hơn, với tâm thế chủ động.
Những biện pháp phòng bị đó chính là tuân thủ triệt để 5K, là trang bị sẵn kiến thức và trang thiết bị y tế, thuốc men để hỗ trợ và tự hỗ trợ khi trở thành F0, tự chữa trị trong tình huống không có triệu chứng hoặc nhẹ.
Điều đó có nghĩa là thái độ đối với việc phát hiện F0 và trở thành F1, F2 phải thay đổi, với các biện pháp xử lý nhân văn hơn, không gây áp lực lớn lên hệ thống y tế và nguồn lực xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là cần chuẩn bị hệ thống y tế, chữa trị tốt hơn, sẵn sàng cho những tình huống nhiều ca F0.
Mặt khác, chúng ta cũng phải linh hoạt thay đổi trạng thái tuỳ theo mức độ nguy cơ thay đổi liên tục ở từng vùng, từng địa phương. Khi virus tấn công thì chúng ta lùi lại, phòng thủ. Khi nó suy yếu thì chúng ta tự tin tiến lên.
Đó là thái độ và hành vi thích ứng an toàn, linh hoạt, có thể vừa duy trì được hoạt động kinh tế, xã hội, dân sinh, vừa chống đỡ được với Covid-19, mà không làm tiêu tốn quá nhiều nguồn lực của Nhà nước và nhân dân.
Xin cảm ơn ông!