Mỗi một cá thể cây đều kể một câu chuyện riêng, thậm chí có những cây còn hơn thế nữa, chúng giúp con người lưu giữ những ký ức (tuổi thơ vui đùa dưới bóng cây…), tạo ra niềm tin vào thế lực siêu nhiên (như thần cây đa, ma cây gạo…) và ghi nhớ những nỗi buồn đau.
Chúng ta thường chỉ tưởng tượng về cây cối, về cách thức sinh trưởng kỳ lạ và cũng rất tuyệt vời của chúng nữa, rồi về cả những khu rừng, ẩn sâu trong đó là những điều kỳ bí xen lẫn những câu chuyện rùng mình. Theo truyền thuyết, rừng là nơi cư ngụ của những hồn ma, những mụ phù thủy và người ta đồn rằng còn có những con chó sói vừa to lớn vừa hung dữ thoắt ẩn thoắt hiện nữa.
Cây đại thụ ở sân ngôi đền thờ Nữ thần Kishimujin ở Tokyo, Nhật Bản, được tin là sẽ phù hộ cho các cặp vợ chồng mau chóng có con. (Nguồn: National Geographic) |
Những câu chuyện về rừng xanh cũng kể rằng, có một vị ẩn sĩ luôn xuất hiện đúng lúc mỗi khi có tay thợ săn nào đó chuẩn bị sát hại một con hươu trắng để rồi giúp chú hươu đó an toàn thoát khỏi mũi tên hung bạo kia.
Ẩn dụ và cảm hứng
Cây cối mang đến cho chúng ta một phép ẩn dụ: chiếc lá mới sẽ đâm chồi nảy lộc, rồi ra hoa, kết trái, tức là chúng ta có nền tảng, rồi từ đó nảy sinh những ý tưởng, cuối cùng là gặt hái thành công. Dù có thế nào chúng ta cũng phải luôn đặt quyết tâm cao nhất, nền tảng phải luôn vững chắc nhất; thì mới có hy vọng được nhìn thấy cây cối đâm chồi nảy lộc.
Cây cối truyền cảm hứng cho chúng ta không phải thông qua ngôn ngữ mà là thông qua ý tưởng. Chắc chắn rằng một trong những giai thoại đáng chú ý nhất trong những câu chuyện kể đầy cảm hứng về cây cối sẽ là về một cây rất nổi tiếng - đó là cây táo, xung quanh có hàng rào bao quanh, tại một vườn cây ăn quả ở Lincolnshire, nước Anh. Ở đó, năm 1666, có một quả táo đã rơi trúng đầu một chàng trai trẻ tên là Isaac Newton để rồi câu hỏi được đặt ra là "Tại sao quả táo lại luôn rơi xuống mặt đất theo phương thẳng đứng?”
Một văn bản viết tay loằng ngoằng có từ thế kỷ 18 được lưu trữ trong kho của Hoàng gia Anh ở London có ghi rằng: trên đường Newton từ Cambridge về nhà (bệnh dịch đã khiến cho trường đại học mà ông đang theo học ở Cambridge phải đóng cửa) ông đã ghé vào một khu vườn và ngồi nghỉ, suy tư, cho đến khi bất chợt một quả táo rơi xuống trúng đầu. Theo tư liệu mà William Stukeley để lại (ông này là bạn của Newton và cũng là người viết tiểu sử Newton) "khái niệm về lực hấp dẫn đã nảy sinh trong đầu của Newton... khi ông bị tác động bởi quả táo rơi xuống tại thời điểm mà ông đang trầm tư suy nghĩ vô định." Sau đó Newton đã phát minh ra Định luật Vạn vật hấp dẫn.
Cây táo nơi Newton đã ngồi nghỉ chân. (Nguồn: National Geographic) |
Đó không phải là khoảng khắc khám phá khoa học đầu tiên có liên quan đến cây cối. Không phải Đức Phật cũng đã tự mình khai sáng khi đang trầm tư dưới gốc bồ đề sao? Cây cối tạo ra cảm giác mơ màng đối với con người. Truyện kể rằng có một vị cao tăng khi nghe tiếng chim hót trong rừng đã khám phá ra rằng hàng trăm năm đã trôi qua chỉ trong nháy mắt.
Chuyện khác cho biết, sau khi nhúng chiếc bánh madeleines vào trong cốc trà được pha với những cánh hoa đoan, nhà văn Marcel Proust đã rơi vào trạng thái "nhớ lại mọi chuyện đã qua", và thế là cuốn tiểu thuyết cùng tên đã ra đời.
Cây cối chính là miền ký ức của tự nhiên, thậm chí ở cả góc độ phân tử. "Từng lớp vỏ cây sinh trưởng hàng năm đều hấp thụ và mang hơi thở của chính năm đó, từ đó được chuyển hóa thành cacbon, bởi vậy cây cối là những cá thể lưu giữ sự vận động và biến đổi của cả một thành phố", theo nhận định của Benjamin Swett, tác giả của cuốn sách New York City of Trees (Cây cối của thành phố New York), khi được phỏng vấn trên đài phát thanh.
Lưu giữ ký ức
Có những ký ức làm yếu lòng, cũng có những ký ức mang tính gợi mở, tổng hợp. Nói một cách ẩn dụ, trong cuộc đời mỗi người, nếu cây tạo ra khoảng tối khi tỏa bóng thì phần xanh của cây chính là sự cứu rỗi, giống như cá thể cây du được bao bọc bởi bức tường granite tại thành phố Oklahoma vậy.
Ngày 19/04/1995, Timothy McVeigh, một cựu chiến binh có tư tưởng bất mãn chế độ đã đặt bom phá hủy tòa nhà Liên bang Alfred P. Murrah cao chín tầng tại trung tâm thành phố, cướp đi mạng sống của 168 người.
Cây du cao 10,6m ở ngay cạnh đó, sống sót qua vụ nổ, ngày nay đã trở thành biểu tượng sinh tồn của Bảo tàng kiêm Đài tưởng niệm Quốc gia của thành phố Oklahoma, mang lại sự an ủi cho những người dân như ông Doris Jones, người có cô con gái, Carrie Ann Lenz 26 tuổi, tử vong trong thảm họa năm đó.
Cây Du nổi tiếng ở thành phố Oklahoma, Mỹ. (Nguồn: National Geographic) |
Hiện tại cây du đã cao hơn 12m, có chu vi 18m. Tháng 11 là quãng thời gian cây bắt đầu rụng lá và đến tháng 1 thì chỉ còn những cành cây khẳng khiu. Đến tháng 4 thì cây xanh tốt trở lại và sẽ rực rỡ đón Hè trong tháng 6.
"Dường như là cây cối cũng có ý chí để sinh tồn", ông Mark Bays, một cán bộ lâm nghiệp đô thị, người đã giúp cây Du này hồi phục nhận xét. "Nó hiểu, khi không ai trong chúng ta hiểu rằng nó cần được sống."