Ngày 27/7, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại chuyên đề “Những chuyển dịch của kinh tế thế giới thời kỳ hậu Covid-19 và định hướng phát triển kinh tế Việt Nam”. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 04 ngày với 07 chuyên đề về một số lĩnh vực, vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết, phục vụ trực tiếp cho công tác đối ngoại trong giai đoạn hiện nay.
Chương trình bồi dưỡng vinh dự có sự tham dự của Tiến sỹ khoa học Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại chuyên đề “Những chuyển dịch của kinh tế thế giới thời kỳ hậu Covid-19 và định hướng phát triển kinh tế Việt Nam”.
Tiến sỹ khoa học Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại sẽ tiếp tục là dòng chảy chính của thế giới. Tuy nhiên, đứng trước những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của tình hình khu vực và thế giới, Việt Nam cần phải chủ động hơn nữa để đón đầu các cơ hội và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực do xu thế này mang lại.
Tiến sỹ khoa học Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trao đổi với các cán bộ chủ chốt Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trong bối cảnh toàn Đảng toàn dân đang hướng về Đại hội lần thứ XIII của Đảng, một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, nhằm nhìn lại công tác thực hiện đường lối công tác Đảng trong 5-10 năm qua và đề ra đường lối trên các lĩnh vực trong thời gian tới, Giáo sư - Tiến sỹ - Nhà giáo ưu tú Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã có những chia sẻ rất cởi mở về một số điểm mới then chốt trong văn kiện Đại hội Đảng, thể hiện những thay đổi, kỳ vọng mới, nhất là đối với ngành ngoại giao nói riêng.
Giáo sư - Tiến sỹ - Nhà giáo ưu tú Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chia sẻ với các cán bộ chủ chốt ngành Ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã và đang luôn nhận được sự quan tâm sát sao của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Chương trình bồi dưỡng cấp cao năm 2020 vinh dự có sự tham gia chủ trì, chỉ đạo của Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ và các chuyên gia, cố vấn cấp cao trong công tác đối ngoại như Đại sứ Phạm Quang Vinh, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga...
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao đổi với các cán bộ. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trao đổi tại Chương trình bồi dưỡng cao cấp dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ trao đổi tại Chương trình bồi dưỡng cao cấp dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Một điểm đáng chú ý của chương trình bồi dưỡng năm nay là đã có sự kết hợp giữa các chuyên đề về kiến thức với các chuyên đề về kỹ năng. Hai chuyên đề về “Kỹ năng đề xuất sáng kiến đối ngoại trong thời đại số và hội nhập sâu rộng” và “Kỹ năng sử dụng truyền thông số trong hoạt động đối ngoại” với sự tham gia của các Đại sứ giàu kinh nghiệm, Thủ trưởng các đơn vị trong Bộ cũng như các diễn giả nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông như: ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Phạm Vũ Tùng, chuyên gia PR và marketing, giảng viên thỉnh giảng Đại học Sunderland (Anh) và Học viện Báo chí tuyên truyền, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Công ty sách Alpha Books… đã mang lại nhiều ý tưởng mới để làm sao mỗi cán bộ ngoại giao, đặc biệt là các cán bộ cấp lãnh đạo, quản lý có thể vận dụng được tốt nhất, phục vụ cho chính công tác đối ngoại của mình cũng như cho sự phát triển chung của đơn vị.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh (phải) và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga (trái) trao đổi với các cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Nhân dịp này, Ban Tổ chức cũng đã mời một số Đại sứ tại Việt Nam, các đại diện của các tổ chức quốc tế, những người đều là chuyên gia hàng đầu về luật pháp, chính trị, kinh tế quốc tế… như Đại sứ Thụy Sỹ, Đại sứ Đức, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Văn phòng World Bank tại Hà Nội, để chia sẻ về những chủ đề mà Việt Nam đang đặc biệt quan tâm trong bối cảnh nước ta đang ngày càng tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng.
Các nội dung về hòa giải quốc tế, chiến lược toàn cầu của EU thời kỳ hậu Covid-19, các xu hướng nổi bật của kinh tế toàn cầu thời kỳ hậu Covid-19… đều là những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm, góp phần phục vụ cho công tác nghiên cứu, hoạch định, triển khai chính sách của Việt Nam trong tình hình mới.
(Ảnh: Tuấn Anh) |
Chương trình bồi dưỡng cao cấp dành cho Thủ trưởng các đơn vị, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện và các cán bộ lãnh đạo, quản lý trong diện quy hoạch Vụ trưởng Bộ Ngoại giao với những đổi mới về hình thức, nội dung, phương pháp tiếp cận… đã thành công tốt đẹp, thể hiện quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Bộ Ngoại giao trong bối cảnh đối ngoại Việt Nam đang đứng trước những thời cơ lớn và quan trọng.