Trong bối cảnh Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo từ đầu năm, Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế và An ninh quốc gia Hàn Quốc (IFANS) nhận định thay đổi về cách tiếp cận của Bình Nhưỡng có thể gợi mở một số định hướng mới từ Bình Nhưỡng trong đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong tương lai.
Tên lửa siêu thanh được Triều Tiên phóng ngày 5/1/2022. |
Tín hiệu cho sự thay đổi
Kế hoạch phát triển “vũ khí hạt nhân chiến thuật” và học thuyết tấn công phủ đầu lần đầu xuất hiện tại Đại hội lần thứ VIII đảng Lao động Triều Tiên (1/2021), hướng tới nâng cao năng lực sử dụng loại vũ khí này trong chiến tranh. Ngoài ra, trọng tâm chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng gần đây hướng tới xây dựng tên lửa tầm ngắn và năng lực hạt nhân chiến thuật để sẵn sàng tấn công bất kỳ vị trí nào trên bán đảo Triều Tiên.
Điều này thể hiện rõ ở các thuật ngữ Bình Nhưỡng sử dụng: “Vũ khí chiến thuật” được sử dụng cho tên lửa và pháo tầm ngắn có phạm vi hoạt động trong bán đảo Triều Tiên, với “vũ khí chiến lược” dùng để chỉ các hệ thống có thể tấn công đảo Guam, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và lãnh thổ của Mỹ.
Sự phân loại này phản ánh năng lực “răn đe trừng phạt” và “răn đe tiêu diệt” của Triều Tiên, song cũng gợi mở các định hướng của của Bình Nhưỡng trong đàm phán phi hạt nhân hóa thời gian tới.
Sở dĩ Triều Tiên tăng cường năng lực răn đe hạt nhân với mục tiêu khu vực là để bù đắp chênh lệch tương quan lực lượng với sức mạnh tổng hợp của liên quân Mỹ-Hàn. Đồng thời, đây cũng là cách Bình Nhưỡng cảnh báo rằng bất kỳ cuộc chiến tranh nào trên bán đảo Triều Tiên đều có thể nhanh chóng leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Kể từ vụ thử hạt nhân lần thứ ba vào năm 2013 đến đầu năm 2018, hầu hết các tuyên bố từ Bình Nhưỡng tập trung vào khả năng triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa (nằm trong nhóm vũ khí hạt nhân chiến lược).
Tuy nhiên, trong quá trình xem xét kế hoạch và phương hướng phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật từ năm 2019, các ý kiến tại các cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương Đảng lao động Triều Tiên đã tập trung hơn vào yếu tố thời gian và tính sẵn sàng chiến đấu, có thể đáp trả ngay lập tức mọi đòn tấn công từ đối thủ.
Nói cách khác, Bình Nhưỡng đã tách biệt “tên lửa chiến thuật” như KN-23 và KN-24 mang đầu đạn hạt nhân khỏi các loại tên lửa liên lục địa kết hợp với đầu đạn hạt nhân hiệu suất cao.
Như vậy, các vũ khí hạt nhân chiến thuật giờ đây được Triều Tiên xếp cùng loại với các vũ khí quy ước thông thường, thay vì ở “chung mâm” với các vũ khí hạt nhân chiến lược.
Như vậy, các vũ khí hạt nhân chiến thuật giờ đây được Triều Tiên xếp cùng loại với các vũ khí quy ước thông thường, thay vì ở “chung mâm” với các vũ khí hạt nhân chiến lược. |
Xây dựng vị thế mới
Khi đó, Bình Nhưỡng có thể tìm kiếm ít nhiều lợi thế trên bàn đàm phán bằng cách từ bỏ năng lực hạt nhân một cách chọn lọc, thay vì hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Định nghĩa của Bình Nhưỡng về đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân, trong các phát biểu gần đây, có thể dần dần định hình lại khuôn khổ cho đàm phán tương lai về loại bỏ hoặc cắt giảm có chọn lọc các “vũ khí chiến lược” hoặc “vũ khí chiến thuật” của nước này.
Tháng 9/2021, Triều Tiên đã thử tên lửa hàng loạt để chứng minh nỗ lực hiện đại hóa tên lửa tầm ngắn và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Kể từ đó, Bình Nhưỡng đã sử dụng thuật ngữ “cân bằng quân sự” và “khả năng quân sự” trong khu vực.
Đồng thời, Triều Tiên cũng áp dụng khuôn khổ đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân tương tự như giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, với nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhận xét rằng kẻ thù số một “chính là chiến tranh”, chứ không phải Hàn Quốc hay Mỹ.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng đã chỉ trích thỏa thuận an ninh giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS), hay nỗ lực của Hàn Quốc mở rộng hệ thống tên lửa, bao gồm các vụ thử SLBM.
Phát biểu tại Triển lãm Phát triển quốc phòng (11/10/2021), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho rằng chính cuộc chạy đua vũ trang khu vực và sức mạnh quân sự ngày một lớn của Seoul đã buộc Bình Nhưỡng tăng cường năng lực phòng thủ.
Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, phát biểu trước Hội đồng Nhân dân Tối cao, ông Kim cho biết sẽ phát triển các chiến thuật hiệu quả, thực hiện triệt để chiến lược của nước này với Mỹ bằng cách phân tích toàn diện chính sách của Washington dưới thời ông Joe Biden, nội bộ nước Mỹ cũng như biến động nhanh chóng của tình hình quốc tế.
Nhìn rộng hơn, Bình Nhưỡng dường như đang nỗ lực đạt được sự công nhận của quốc tế như một cường quốc hạt nhân trên thực tế, cũng như một bên đủ tư cách đàm phán.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cho rằng kẻ thù lớn nhất của Triều Tiên là chiến tranh, chứ không phải Mỹ hay Hàn Quốc. |
Triển vọng nào cho đàm phán?
Có thể thấy, khuôn khổ đàm phán hạt nhân mới của Triều Tiên kỳ vọng rằng Bình Nhưỡng sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn tại các cuộc đàm phán hạt nhân trong tương lai.
Năm 2018, Triều Tiên từng yêu cầu dỡ bỏ trừng phạt quốc tế, đổi lại nước này sẽ năng lực hạt nhân trong tương lai hoặc giảm tốc quá trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Nói cách khác, vào thời điểm đó, Triều Tiên cho rằng mối đe dọa đến từ tên lửa hạt nhân có thể vươn tới Mỹ sẽ ít nhiều tạo đối trọng trong đàm phán với Washington.
Tuy nhiên, giờ đây Bình Nhưỡng lại muốn đàm phán riêng rẽ, tách vấn đề quan hệ với Washington ra khỏi câu chuyện phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Đặc biệt, thông điệp ngoại giao mới đây cho thấy Triều Tiên đang tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng quốc tế với năng lực hạt nhân và tên lửa nước này dày công phát triển từ năm 2019.
Trong bối cảnh đó, giới quan sát nhận định nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ đặt năng lực tên lửa liên lục địa (ICBM) tầm xa lên bàn đàm phán.
Tuy vậy, Mỹ và các quốc gia Đông Bắc Á khó có thể chấp nhận khuôn khổ này. Bởi lẽ, nó có thể dẫn tới xung đột lợi ích trong khu vực và Bình Nhưỡng có thể tận dụng để chiếm thế thượng phong tại các cuộc đàm phán hạt nhân trong tương lai.
Đây sẽ là thách thức đáng kể cho các bên liên quan trong xây dựng, triển khai lộ trình chi tiết hơn để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.