Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ phối hợp tổ chức sự kiện kết nối Đắk Lắk và doanh nghiệp Mông Cổ. |
Ngày 30/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ đã phối hợp với đoàn công tác tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo kết nối Đắk Lắk và doanh nghiệp Mông Cổ.
Hội thảo có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Tuấn Thanh, Vụ trưởng Dịch vụ khách hàng thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Mông Cổ (MNCCI) Badamkhorol.E và đại diện các doanh nghiệp điều hành chuỗi siêu thị lớn, các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản của Mông Cổ.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, trong 70 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ đã không ngừng phát triển. Hai nước luôn ủng hộ và dành cho nhau sự giúp đỡ vô tư, trong sáng và là những đối tác tin cậy, chân thành của nhau. Thế mạnh kinh tế của hai nước không mang tính cạnh tranh mà mang tính bổ trợ cho nhau rất cao.
Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng điện tử, ôtô, các mặt hàng nông sản (gạo, cà phê, các loại rau, củ quả tươi, thịt gia cầm, trứng), thực phẩm, thủy hải sản, dược phẩm, may mặc...
Mông Cổ có thế mạnh trong khai thác và xuất khẩu các sản phẩm như khoáng sản, kim loại quý hiếm, các sản phẩm thịt gia súc, sữa, len, dạ, da...
Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh bày tỏ tin tưởng, tỉnh Đắk Lắk và các doanh nghiệp của Mông Cổ sẽ tìm thấy các nhu cầu, các cơ hội hợp tác và sẽ kết nối được với nhau; sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp hai bên tìm kiếm được các cơ hội đầu tư; xuất khẩu được nhiều hàng hoá sang thị trường của nhau, góp phần nâng cao và thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, mang lại lợi ích bền vững.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã khái quát một số thế mạnh của tỉnh; làm rõ tầm nhìn phát triển của Đắk Lắk trong dài hạn; nhất trí cung cấp môi trường đầu tư thuận lợi tại Đắk Lắk cũng như gợi mở một số phương án hợp tác với doanh nghiệp Mông Cổ trong thời gian tới.
Bà Badamkhorol.E, Vụ trưởng Dịch vụ khách hàng của MNCCI cho biết, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 130 triệu USD; khẳng định MNCCI sẵn sàng hỗ trợ kết nối doanh nghiệp hai nước nhằm thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Công ty Banana Brothers Farm cho biết, hiện sản phẩm chuối của Công ty BBF đi vào khai thác ổn định với sản lượng bình quân 65 tấn/ha/năm và đã xuất khẩu gần 8.000 tấn chuối tươi sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản trong năm 2023.
Bà Hạnh cho biết thêm, chuối sẽ được xuất khẩu sang Mông Cổ từ đại lý của BFF tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc giúp rút ngắn khoảng cách địa lý giữa hai nước.
Đại diện Hội hữu nghị Mông Cổ-Việt Nam cam kết sẽ đồng hành cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ, giúp trực tiếp kết nối doanh nghiệp hai nước, tháo gỡ các rào cản về các vấn đề như thông tin thị trường, văn hóa, ngôn ngữ…
Các doanh nghiệp Mông Cổ đã đặt ra các câu hỏi cho đoàn làm việc tỉnh Đắk Lắk nhằm hiểu rõ thêm về các chính sách ưu đãi, quy trình, thủ tục xuất khẩu cũng như các sản phẩm xuất khẩu là thế mạnh của tỉnh.