📞

Chương trình lớp 1 mới: Sao chưa thử nghiệm đã áp dụng đại trà?

Yến Nguyệt 15:20 | 06/10/2020
TGVN. Chia sẻ với Báo TG&VN về chương trình lớp 1 mới, chuyên gia giáo dục, TS. Vũ Thu Hương cho rằng, làm mới thì có thể đúng và sai, không ai có thể chắc chắn mình làm đúng từ đầu. Tuy nhiên, bất kể một chương trình mới nào cũng cần được thử nghiệm trước khi đem ra áp dụng đại trà.
Chương trình mới lớp 1 khiến cả cô lẫn trò và phụ huynh đều khổ. (Ảnh: Yến Nguyệt)

Sau một tháng cô trò 'đánh vật' với môn tiếng Việt lớp 1, không ít phụ huynh kêu khó, áp lực. Những ngày qua, không ít phụ huynh than thở chương trình lớp 1 khá nặng. TS. nghĩ sao?

Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do sự bố trí chương trình không hợp lý. Khi số tiết Tiếng Việt quá nhiều so với các môn khác, tăng gấp rưỡi so với chương trình cũ nên trẻ cảm thấy quá tải do không nhớ hết số âm và vần được học trong tuần cũ đã phải học âm mới, vần mới.

Bà có thể nói cụ thể hơn?

Vì áp lực từ phía dư luận, sách giáo khoa đã được thiết kế để học sinh không ghi chép vào đó. Vì không được ghi chép vào sách, các tác giả sách đã phải thiết kế thêm sách bài tập cho các con. Mỗi môn có thêm một cuốn sách bài tập. Do đó, số lượng sách của trẻ lớp 1 tăng đột biến.

Theo tôi, nếu giải thích hợp lý để cộng đồng hiểu về việc rất nên cho học sinh tiểu học điền vào sách thì chắc chắn số sách trẻ tiểu học phải sử dụng sẽ không nhiều và trẻ sẽ không vất vả như hiện nay.

Thứ đến, tôi nhận thấy không có sự thống nhất giữa các môn học trong các bộ sách. Giáo viên đã phản ánh tình trạng trẻ chưa được học chữ “đ” và “s” trong môn Tiếng Việt nhưng lại được yêu cầu điền chữ “đ” và “s” trong bài tập của môn học khác. Các cuốn sách của các môn học khác nhau trong các bộ sách khác nhau như các “ốc đảo riêng tư” mà không có sự nghiên cứu hài hòa dẫn đến việc giáo viên và học sinh thật sự bấn loạn khi sử dụng.

Đặc biệt, số tiết Tiếng Việt lớp 1 tăng lên đột biến, 12 tiết thay vì 8 tiết như chương trình cũ. Điều này nghe có vẻ hợp lý vì các cô giáo có nhiều thời gian hơn để dạy trẻ. Tuy nhiên, trẻ lớp 1 mới bước vào con đường học vấn, có quá nhiều điều bỡ ngỡ cần làm quen.

Lần đầu tiên đến lớp, thay vì 35 phút học như mầm non, các con lại phải ngồi cả ngày trên ghế nhà trường. Với 12 tiết Tiếng Việt, trẻ không thể nhớ hết nổi sau 1 tuần học. Sang đến tuần sau, bài mới, 12 tiết Tiếng Việt mới, trẻ gần như rối loạn khi vần cũ, âm cũ chưa nhớ đã phải học vần mới âm mới. Điều này đã khiến chủ trương giảm tải nhận được hiệu ứng ngược, thành ra lại... tăng tải.

Có vài cuốn sách được thiết kế để học sinh học quá nặng ngay từ những tuần lễ đầu tiên. Học sinh vừa học vần xong, đã phải đọc trơn, viết thạo. Thậm chí có cuốn sách đã hướng dẫn giáo viên dạy chính tả cho trẻ ngay khi trẻ còn chưa thẩm thấu xong quy tắc đánh vần. Rõ ràng, áp lực của môn Tiếng Việt quá lớn khiến nhiều trẻ đã có biểu hiện quá tải, rối loạn, học trước quên sau.

Theo bà, vì sao chương trình mới, đổi mới tưởng giảm tải cho học sinh nhưng lại nặng hơn như vậy?

Các tác giả tính là tổng thể sẽ không nặng nhưng sự bố trí không hợp lý, bài học dồn dập lúc mới vào học và giảm dần khi gần cuối năm khiến cho áp lực đầu năm rất nặng nề. Vì áp lực nên dẫn đến câu chuyện phụ huynh buộc phải cho con em họ đi học trước lớp 1.

Thực tế là những học sinh học trước đã tiếp quản chương trình nhẹ nhàng hơn các bạn không học trước. Điều này gần như "cổ súy" cho tình trạng học trước phát triển. Thậm chí, phụ huynh còn chất vấn: tại sao Bộ bảo không cho học trước mà lớp 1 lại học nặng như thế?

Với những bất cập bộc lộ trong quá trình dạy học ở các trường tiểu học hiện nay, việc Bộ GD&ĐT chờ hết năm học mới tính chẳng khác nào "đoạn đê" có nguy cơ bị vỡ?

Việc áp dụng chương trình khi chưa thử nghiệm rõ ràng đã để lại vô vàn hệ lụy khiến cả ngành giáo dục rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Các gia đình có con mới vào lớp 1 thật sự phát khóc với các bài học Tiếng Việt quá khó.

Trong khi đó, giáo viên không biết phải dạy trẻ thế nào khi các cuốn sách không thống nhất. Giáo viên cũng gặp khó khăn lớn khi thời lượng môn Tiếng Việt quá nặng trong 1 tuần, học sinh quá tải, bắt đầu nảy sinh các vấn đề như phá lớp, không nghe lời, ăn vạ…

Áp lực hiện nay có thể dẫn tới hệ lụy thế nào, theo bà?

Nếu việc học trở nên quá tải ngay từ lúc mới vào, trẻ có thể gặp các bất ổn về tâm lý. Trẻ có thể sợ học, ghét học, ghét đến trường. Thậm chí, có cháu sẽ hoảng loạn khi nghĩ đến việc học, vật vã, khóc lóc đòi nghỉ học, đòi quay trở lại mầm non.

Cũng có trẻ sẽ bị quá tải, không nhớ nổi, rối loạn và nhầm lẫn lung tung giữa các chữ, âm, vần. Từ đó, việc học của trẻ sẽ khó khăn hơn nhiều. Chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng sẽ có trẻ bị trầm cảm nặng với chương trình, gây ra hệ lụy lớn cho sức khỏe tâm thần.

Có nhiều ý kiến cho rằng chương trình mới, sách giáo khoa mới cần được thử nghiệm trước khi sử dụng, bà nghĩ sao?

Làm mới thì có thể đúng và sai, không ai có thể chắc chắn mình làm đúng từ đầu. Tuy nhiên, bất kể một chương trình mới nào cũng cần được thử nghiệm trước khi đem ra áp dụng đại trà.

Bất kể một bước đi mới nào cũng có thể chứa đựng vô vàn rủi ro. Vậy tại sao Bộ GD&ĐT quyết định áp dụng đại trà chương trình mới, 5 bộ sách giáo khoa mới mà không thử nghiệm trước?

Những bất cập hiện nay đã gây khổ sở cho hàng triệu học sinh và giáo viên. Bản thân tôi cảm thấy thật sự băn khoăn: Liệu rằng nếu tiếp tục triển khai chương trình mới với sách giáo khoa mới mà không có sự chỉnh sửa, cải tiến, hậu quả sẽ lớn đến đâu?

Hoặc dừng toàn bộ việc áp dụng chương trình lại để xem xét, chỉnh sửa, hoặc dừng tạm một số sách chưa ổn và điều chỉnh số tiết cho phù hợp. Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần có bước đi kịp thời để giải quyết vấn đề này.

TS. Vũ Thu Hương. (Ảnh: Vietnammoi)

Ngày 5/10, Bộ GD&ĐT vừa mới ra văn bản yêu cầu không giao bài tập về nhà. Theo bà, đây có phải là một tín hiệu mừng để trẻ thực sự được "xả van" áp lực hay không?

Tôi nghĩ, quy định này đã có từ trước, các giáo viên và phụ huynh vẫn cố tình làm sai. Mọi năm, điều này rất đáng lên án. Tuy nhiên, trong năm nay, áp lực của môn Tiếng Việt đã khiến cho giáo viên không thể tuân thủ thông tư của Bộ. Nếu họ không giao bài tập, trẻ sẽ không thể nhớ để tiếp tục tải bài tiếp theo.

Không ít phụ huynh cũng có tâm lý đòi hỏi con phải viết đẹp, không bị cô giáo phê, đọc phải tốt, không đọc sai, phải ghi nhớ chính xác, không được quên. Với tâm lý này, áp lực họ dành cho con mình là quá nặng nề.

Nhiều người mẹ còn chụp ảnh vở con để khoe trên các nhóm chat, nhóm zalo, facebook, nghe các mẹ khác phê phán hoặc khen con. Điều này đã gây ra áp lực tâm lý nặng nề cho chính các bố mẹ và từ đó gián tiếp gây ra áp lực với các con.

Từ chính các lý do này, các phụ huynh đón con về kèm cặp, rèn con rất nhiều. Trẻ mới vào học, chưa có nhiều kĩ năng, chưa quen với cường độ học tập quá nặng ở trường đã phải nhồi nhét chữ buổi tối. Có gia đình dạy con tới tận 11h đêm.

Điều này sẽ gây tâm lý chán nản, ghét học, phá phách, gây chuyện. Nhiều cháu đến lớp quậy phá, không nghe lời cô giáo, không nghe giảng, thiếu tập trung. Có cháu đã bị kết tội oan là mắc chứng tăng động giảm chú ý trong khi thực chất con hoàn toàn khỏe mạnh bình thường vì các lý do trên.

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã cấm dạy trước lớp 1, thế nhưng thực tế trẻ học trước lớp 1 lại mới theo được chương trình. Không ít phụ huynh ân hận vì đã không cho con đi học trước. Để rồi vòng luẩn quẩn học trước, học thêm mãi vẫn chưa có lối ra. Quan điểm của bà ra sao về vấn đề này?

Tình trạng này đã khiến rất nhiều phụ huynh cho rằng: không thể nào học được chương trình nếu không cho con học trước khi vào lớp 1. Rõ ràng, gần như chương trình và các bộ sách đang "cổ vũ" cho tình trạng học trước diễn ra mạnh hơn.

Ngoài ra, học sinh không tài nào nhớ nổi các chữ được học, đồng nghĩa với việc bố mẹ phải kèm thêm ở nhà hết sức vất vả, các giáo viên buộc phải giao bài tập về nhà cho trẻ và cũng rất nhiều trẻ đã phải đi học thêm ngay khi mới vào lớp 1.

Các phụ huynh đang đặt ra câu hỏi cho Bộ GD&ĐT về chương trình mới khi bộ cương quyết yêu cầu không dạy trước trẻ nhưng lại bố trí môn Tiếng Việt quá khó như vậy thì liệu rằng trẻ có thể theo kịp?

Đó là chưa kể hiện trạng trẻ kém không được đúp lớp do nhà trường sợ ảnh hưởng đến thành tích, phụ huynh sợ mất mặt sẽ còn khiến bao nhiêu đứa trẻ ngồi nhầm lớp, bao nhiêu trẻ thất học khi tình trạng này còn kéo dài.

Là chuyên gia giáo dục độc lập, tôi nhận thấy chương trình mới có rất nhiều điểm ưu việt. Đó là việc chúng ta đã quan tâm đến rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh, đã để ý hơn tới hướng nghiệp, cởi mở trong chủ trương nhiều bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, việc chưa thử nghiệm đã đem áp dụng chương trình mới thật sự gây ra rất nhiều hệ lụy, cần giải quyết sớm trước khi dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng về sau.

Xin cảm ơn TS!

(thực hiện)