Thủ tướng Narendra Modi sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-EU tại Bồ Đào Nha ngày 8/5. (Nguồn: PTI) |
Thủ tướng Narendra Modi sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-EU vào ngày 8/5 tại Lisbon trước khi bay tới Pháp bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày. Kế hoạch công du châu Âu của người đứng đầu chính phủ Ấn Độ trong thời gian tới dự kiến là Thượng đỉnh Ấn Độ-Bắc Âu lần thứ hai tại Đan Mạch và Thượng đỉnh Y tế do Italy chủ trì.
Sẵn sàng cùng EU tạo đột phá
Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) tỏ dấu hiệu sẽ khởi động đàm phán một thỏa thuận thương mại và đầu tư trên diện rộng (BBTIA) tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-EU tại Bồ Đào Nha vào ngày 8/5 tới.
Các cuộc đàm phán kỹ thuật về thỏa thuận BBTIA, vốn đang được Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar thúc đẩy ở cấp độ ngoại giao, sẽ bắt đầu trong khoảng thời gian từ ngày 9/4 đến ngày 19/4.
Theo báo Hindustan Times, có khả năng diễn ra cuộc họp giữa Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Cao ủy thương mại EU Valdis Dombrovskis vào cuối tháng này.
Mặc dù Ấn Độ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của EU, song các cuộc đàm phán thương mại, bắt đầu từ năm 2007, diễn ra khá chậm chạp do sự khác biệt về mức thuế đối với rượu vang và rượu mạnh, linh kiện ô tô, ô tô cỡ nhỏ và bảo mật dữ liệu.
Một quan chức cấp cao cho biết: “Tuy nhiên, hiện cả hai bên đã cho thấy có sự dàn xếp nhiều hơn trong dịp này và sẵn sàng có quan điểm tích cực đối với xuất khẩu từ cả hai khối”.
EU sẽ chịu áp lực hoàn tất thỏa thuận thương mại với Ấn Độ bởi Ấn Độ dự kiến sẽ ký một thỏa thuận thương mại song phương với Anh hậu Brexit trong chuyến thăm của Thủ tướng Anh Boris Johnson tới thủ đô New Delhi vào ngày 26/4.
Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-EU 2021 đang được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Thống kê cho thấy tính đến 5/4, thế giới ghi nhận hơn 131,5 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 2,86 triệu ca tử vong. Ấn Độ và một số nước thành viên EU như Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Đức nằm trong tốp 10 nước về số ca mắc Covid-19.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-EU 2020 diễn ra theo hình thức trực tuyến vào tháng Bảy, các nhà lãnh đạo đã tán thành "Đối tác chiến lược Ấn Độ-EU: Lộ trình đến năm 2025" như một lộ trình chung để hướng dẫn hành động chung và tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-EU trong 5 năm tới.
"Luồng gió mới" trong quan hệ với Pháp
Sau khi tham dự Thượng đỉnh Lisbon, Thủ tướng Narendra Modi sẽ đến Pháp, hội đàm cấp cao với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron với trọng tâm là an ninh hàng hải.
Quan hệ Ấn Độ-Pháp trong thời gian qua có nhiều tiến triển đáng chú ý, đặc biệt trong các lĩnh vực như quốc phòng, không gian, năng lượng và công nghệ.
Quốc gia Tây Âu là nguồn FDI quan trọng, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 ở Ấn Độ với số tiền đầu tư 9,67 tỷ USD trong gia đoạn từ tháng 4/2000 đến tháng 9/2020.
Các khoản đầu tư này bao gồm cả thương vụ 2 tỷ USD của Schneider Electric mua doanh nghiệp điện tử L&T, thương vụ 2,5 tỷ USD của Total ở Doanh nghiệp năng lượng xanh Adani và tập đoàn ADP của Pháp mua 49% cổ phần tập đoàn GMR.
Tuần trước, lô 3 máy bay tiêm kích Rafale thứ 4 từ Pháp đã tới Ấn Độ, nâng tổng số tiêm kích này tại Ấn Độ là 14 và 22 chiếc còn lại sẽ được bàn giao đúng thời điểm dự kiến.
Ngày hôm nay (5/4), Hải quân Ấn Độ lần đầu tiên tham gia tập trận chung La Pérouse dưới sự chủ trì của Pháp ở Vịnh Bengal, cùng với các thành viên khác của Bộ tứ (Quad) là Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Một tuần sau đó, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar cùng với những người đồng cấp Jean-Yves Le Drian (Pháp) và Marise Payne (Australia) sẽ tham dự Đối thoại 3 bên vào ngày 13/4 tại thủ đô New Delhi.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Jean Yves Le Drian tới Ấn Độ từ ngày 12-13/4, ngoài việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Paris, được kỳ vọng sẽ mang lại luồng gió mới cho hợp tác quốc phòng và an ninh cũng như sự đồng điệu chính trị trong các diễn đàn đa phương.