Trương Đình An Lạc cùng cha (ngoài cùng, bên trái) trong một lần đến thăm gia đình Đại sứ Hà Văn Lâu (ngoài cùng, bên phải). |
Tranh thủ khoảng thời gian hiếm hoi của An Lạc giữa những chuyến đi liên tiếp của anh trong chương trình nghiên cứu và làm đề tài về ODA Thụy Sĩ tại Việt Nam, tôi có buổi trò chuyện với anh trong quán cà phê nhỏ ở trung tâm Hà Nội. Sử dụng thành thạo ba thứ tiếng Anh, Pháp, Đức và bắt đầu học tiếng Việt ở ĐHQG Hà Nội từ khá lâu - nhưng công việc di chuyển thường xuyên giữa Việt Nam và Thụy Sĩ khiến việc học tiếng cha đẻ của An Lạc bị ảnh hưởng nhiều và cũng bởi với anh: "Tiếng Việt quả là rất khó!".
Cái tên lạ ở Pháp
An Lạc sinh năm 1981 ở Nice (Pháp) và hiện đang sống tại Thụy Sĩ. Ông nội của anh chính là nhà điêu khắc Trương Đình Ý - người đã chủ trì thi công tượng Phật nhập Niết bàn (chùa Linh Sơn Trường Thọ, Bình Thuận) được Tổ chức kỷ lục châu Á chính thức xác lập kỷ lục mới của Việt Nam đầu tháng 3 vừa qua.
Ông Trương Đình Ý là người theo đạo Phật, từng học trường Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội, kết hôn với cháu họ của Vua Hiệp Hòa và sinh ra cha An Lạc. Cha anh trưởng thành tại Pháp và kết hôn với mẹ anh - một phụ nữ Pháp. Đó chính là lý do An Lạc có vẻ ngoài lịch lãm của một chàng trai Pháp nhưng lại thừa hưởng những nét rắn rỏi của một người có dòng dõi hoàng tộc Việt Nam.
Cái tên An Lạc là do ông nội Trương Đình Ý đặt cho anh - với mong muốn cuộc đời anh sẽ suôn sẻ, hạnh phúc. Từ nhỏ, khi đi học - An Lạc luôn phải giải thích với các bạn học về cái tên độc đáo của mình. Anh chia sẻ: "Giải thích cái tên An Lạc thì dễ, nhưng khi giải thích họ Trương Đình thì hơi khó và các thầy cô cũng rất hay nhầm".
Từ nhỏ, An Lạc đã được nghe ông nội và cha kể về Việt Nam. Đặc biệt, anh cũng được xem những cuốn phim về quá trình ông nội thi công tượng Phật ở Bình Thuận trong những năm 60 của thế kỷ trước tại Việt Nam do cha anh trực tiếp ghi lại. Chính vì thế, khát khao được trở về Việt Nam để tìm hiểu về nguồn gốc của mình được An Lạc nung nấu từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, do điều kiện chưa cho phép nên mãi tới năm 2001, anh mới được lần đầu về với quê cha. Đó là một chuyến đi dài của chàng trai Việt - Pháp này, qua một số nước châu Âu, châu Á và điểm dừng cuối cùng là Việt Nam.
An Lạc kể lại: "Đến Việt Nam khi đó, ấn tượng đầu tiên của tôi là quê mình nghèo quá. Trước khi đi, tôi đã hình dung là Việt Nam rất nghèo, nhưng khi đến nơi thì không nghĩ là quê hương mình nghèo đến thế. Tuy nhiên lúc đó, tôi đã nhìn thấy ngay sự năng động của người dân Việt Nam trên mỗi nẻo đường mình đi qua và đến nay, sau hơn 1 thập kỷ, Việt Nam phát triển đến không ngờ. Trong chuyến đi đầu tiên ấy, tôi dành phần lớn thời gian để thăm lại họ hàng nhà nội ở Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, tôi làm thực tập sinh tại cơ quan phát triển của Thụy Sĩ tại Việt Nam và đến nay, tôi đã trở về Việt Nam 13 lần với tổng thời gian tôi làm việc tại đây khoảng hai năm rưỡi. Có thời gian, tôi ở Việt Nam liên tục trong 10 tháng".
Tìm trong sử Việt
Là một nhà nghiên cứu về lịch sử, chuyến trở về thăm quê hương Việt Nam đã mang đến cho An Lạc ý tưởng tìm hiểu về lịch sử quê hương cũng như cuộc chiến tranh của người Pháp tại Đông Dương. Đó cũng gợi mở cho An Lạc ý định tìm hiểu về một người Thụy Sĩ chiến đấu trong quân đội Pháp và sau khi hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh này, người lính ấy đã từ bỏ quân đội Pháp để tham gia quân đội Việt Minh. Người lính có tên Việt Nam là Việt Bắc (tên Thụy Sĩ là Emil Selhofer) ấy đã trở thành nhân vật chính trong luận văn thạc sĩ và cuốn sách của An Lạc có tựa đề From the Foreign Legion to the Viet Minh: Emil Selhofer a Swiss Defector in the French Indochina War (tạm dịch: Từ lính lê dương trở thành Việt Minh: Emil Selhofer - người lính Thụy Sĩ đào tẩu trong chiến tranh của Pháp ở bán đảo Đông Dương).
Ngay sau khi được NXB The Chronos phát hành tại Thụy Sĩ, cuốn sách đã được báo chí nước này quan tâm. Nổi tiếng là các chiến binh trung thành thì việc một người lính Thụy Sĩ từ bỏ bên này để sang chiến đấu cho phía bên kia là "một cuộc nổi loạn" thú vị. Với những nhận xét tích cực ngay sau khi cuốn sách được phát hành, tác giả An Lạc đã trở thành tâm điểm của báo chí khi đó. Một đài phát thanh tại Thụy Sĩ đã giành giải báo chí với tác phẩm dự thi là cuộc phỏng vấn trực tiếp hết sức thú vị với An Lạc về cuốn sách này.
Điều khiến An Lạc tâm đắc nhất là trong thời gian tiến hành thu thập tài liệu cho cuốn sách, anh đã được gặp gỡ và trò chuyện với những cựu chiến binh từng sống và chiến đấu cùng với nhân vật Emil Selhofer của mình tại chiến khu.
Hiện Trương Đình An Lạc vẫn đang miệt mài tìm tư liệu cho đề tài về ODA chính phủ Thụy Sĩ tại Việt Nam để thực hiện luận án tiến sĩ. An Lạc đang ấp ủ dự định xuất bản cuốn sách về Emil Selhofer tại Việt Nam và đã có nhà xuất bản liên hệ với anh về vấn đề này. Trong tương lai, chàng trai Việt - Pháp này cũng mong muốn có thể dành được nhiều thời gian, cũng như quyết tâm học tiếng Việt để có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ cha đẻ của mình.
Khánh Nguyễn