“Để tìm diễn viên đóng vai Ngọc Hà, tôi phải lang thang đến các chợ hoa, trường học. Có lần thấy một cô bé hay hay nhưng bắt chuyện không tiện nên thử đi theo về nhà. Không ngờ, quãng đường dài quá khiến "thằng anh" con bé nghi ngờ mình có ý đồ không tốt. Thế là thôi”.
Đêm đó, đạo diễn không ngủ được, trước mắt ông hiện lên đôi mắt long lanh của một em bé. “Thôi chết rồi”, ông bỗng nhớ ra cuộc gặp gỡ cách đấy 5 năm. Lúc ấy, ở vùng sơ tán, Hải Ninh đến nhà một người bạn chơi thấy một cô bé cứ lê la ngoài vườn.
Bế đứa bé lên, nhìn vào mắt nó ông nói: “Ơ, cái mắt con này lạ. Mắt đen, lông mi dài. Có khi sau này làm diễn viên cũng nên”. Bẵng đi mấy năm không gặp, nhẩm tính tuổi của cô hóa ra bằng đúng tuổi nhân vật trong phim, ông chỉ mong trời mau sáng để đến xem con bé ấy giờ thế nào.
Sáng hôm sau khi Hải Ninh đến thì thấy Lan Hương đang bế em. Thấy ông, cô không dám đến gần, cứ lùi về phía xa. Đạo diễn phải đi từng bước: “Ồ, bác là Hải Ninh, bạn của bác Thư cháu đây mà". "Con bé nhìn tôi một hồi, chắc đoán tôi là người hiền nên tin", ông nói vui.
Mẹ Lan Hương là kỹ sư giỏi, nhưng thời ấy suy nghĩ của trí thức cũng “nghèo”, không thích cho con làm diễn viên. Thấy ông đạo diễn khen mái tóc dài của con, bà cắt béng đi để “hết mời đóng phim”.
Lúc đầu là cắt đến vai, sau đó cắt đến tai. Nhưng cô bé "mắt tròn" rất bản lĩnh, nhất quyết không ăn cơm, không đi học dù mẹ có đánh đau đến mấy. Cô chỉ đau đáu nỗi niềm được đóng phim dù chưa biết điện ảnh là gì.
Dỗi bố mẹ, cô đi một mình từ Khâm Thiên về nhà ông bà ở Hoàng Hoa Thám. Cuối cùng bà mẹ phải chịu thua cô con gái bướng bỉnh.
“Ngày ấy tôi bé quá, chỉ biết đấy là một cô bé đáng thương chứ không hiểu được ý nghĩa sâu sắc câu chuyện, bác Bảo Ninh bảo sao thì tôi làm theo như thế. Lúc muốn tôi khóc thì bác kể một câu chuyện buồn, nhưng câu chuyện đó tôi đã nghe nhiều rồi, vì thế bác càng ra vẻ bi ai thì tôi càng buồn… cười”, nghệ sĩ Lan Hương nhớ lại.
Còn ông già mỗi lần nhớ lại quãng thời gian làm phim ấy lại cười cười: “Chỉ đạo diễn xuất khó nhất là với trẻ em và… súc vật. Có hôm đến phim trường thấy con bé ngồi im, nghĩ bụng con bé này hôm nay ngoan ngoãn thế, chẳng ngờ nó ghé tai mình nói: Bác ơi, cháu muốn... ị”.
Ấn tượng của đạo diễn lúc đó về Lan Hương là một cô bé mới 10 tuổi nhưng rất có ý thức trách nhiệm. Chính bản tính này khiến Lan Hương luôn cảm thấy mình chưa làm được như mọi người mong muốn.
Mỗi lần thấy đạo diễn băn khoăn chị lại nghĩ “chắc mình diễn chưa tốt”, đến nỗi khi mọi người xem bản nháp chị không dám nhìn. Lúc phim xong, Lan Hương về khoe bà: “Bác Ninh giỏi thật bà ạ. Cháu diễn xuất kiểu gì ấy mà lên phim thấy cũng hay”.
Rất tự hào, đạo diễn Hải Ninh kể lại, khi phim quay xong, một nữ ca sĩ ngoại quốc đến xin xem. Đang xem, cô khóc tức tưởi, ra khỏi phòng chiếu rồi còn òa khóc to hơn khiến mọi người không ai dám nói gì.
"Tôi thấy xấu hổ cho nước Mỹ", nữ ca sĩ này nói. Sau này, trả lời phỏng vấn trên báo văn nghệ cô ca sĩ cho biết: kỷ niệm Việt Nam để lại trong tôi là Em bé Hà Nội.
Phim chiếu tại Nhật, có khán giả rất mê đoạn cô bé Ngọc Hà cầm trên tay cây đàn violon chặt đến nỗi không ai lôi ra được, một mình chạy trên cầu Chương Dương vắng lặng.
Họ hỏi: "Sao chiến tranh khốc liệt thế mà cô bé vẫn có cây đàn?”. Đạo diễn Hải Ninh trả lời: “Cây đàn là biểu tượng hòa bình. Em bé đang nuôi dưỡng khát vọng trở về trường để học nhạc". Vị khán giả Nhật nói: đó là chi tiết ẩn giấu tính nhân văn cao cả.
Một lần, đạo diễn Hải Ninh cùng xem phim này tại nhà của đạo diễn Philip Noyce, người sau này được nổi tiếng tại Việt Nam với Người Mỹ trầm lặng. Xem xong hai vợ chồng Philip im lặng, Hải Ninh cũng không muốn nói trước, cuối cùng người phá vỡ sự im lặng lại chính là đứa trẻ Mỹ, con gái Philip Noyce.
Lắng cảm xúc, vị đạo diễn nổi tiếng cất lời hỏi: “Sự thật có đến mức đổ nát như thế không?”. Hải Ninh trả lời: "Tôi không làm được như sự thật vì sự thật là bầu trời Hà Nội trong những đêm ấy như cổ tích. Nếu có thể, tôi thích tái hiện lại hoành tráng như Giải cứu binh nhì Ryan mới đã".
Để hoàn thành Em bé Hà Nội, đạo diễn Hải Ninh bảo, ông chỉ mất 3 tháng sau chiều đi dạo ở Khâm Thiên đầy bức xúc. "Phải làm ngay chứ không thể ngồi đợi để có được quy mô lớn hơn. Nếu không làm ngay, tôi đã không thể tỏa sáng như ngày hôm nay".
Theo Đất Việt